Logistics: Mảnh đất tiềm năng cho khởi nghiệp
Với tốc độ phát triển, cùng sự hội nhập ngày càng sâu rộng, ngành logistics đóng vai trò quan trọng hơn trong nền kinh tế, và được coi là mảnh đất 'màu mỡ' để các công ty khởi nghiệp (startup) tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
"Cất cánh" nhờ công nghệ
Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp (DN) logistics trong nước cần tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại để nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng dịch vụ và giảm giá, phí các dịch vụ. Thậm chí, có nhận định cho rằng, công nghệ thông tin sẽ giúp logistics "cất cánh" trên các nền tảng robot, định vị dẫn đường, giám sát, ứng dụng quét mã vạch trong quản lý kho bãi, tối ưu hóa tồn kho dựa trên công nghệ điện toán đám mây, tích hợp dịch vụ quản lý đơn hàng, bán hàng trực tuyến...
Nói cách khác, việc ứng dụng công nghệ là yếu tố cần thiết và bắt buộc khi DN logistics muốn công việc vận hành hiệu quả, số lượng lớn. Thực tế, trong những dây chuyền phân loại hàng hóa, nếu một người xử lý tối đa khoảng 100 - 200 đơn hàng/giờ thì việc ứng dụng công nghệ sẽ giúp tăng khối lượng đơn hàng lên vài trăm nghìn/giờ. Công nghệ thông tin hay tự động hóa, trí tuệ nhân tạo sẽ giúp kiểm soát hàng hóa, chia chọn hàng hóa tốt hơn dựa trên mã hóa, giảm thiểu công đoạn thủ công…
Nắm bắt được cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực này, Việt Nam đã có một số startup tiêu biểu về giải quyết vấn đề logistics như Abivin (xây dựng lộ trình tối ưu, quản lý kho, quản lý vận tải cho DN), Logivan (kết nối mạng lưới xe tải với đơn hàng), FastGo (kết nối tài xế với khách hàng), Xeca (bán vé và quản lý vận tải cho hãng xe khách)…
Ông Lê Mạnh Cương - Chủ tịch Công ty Lokaloop - cho biết, Chính phủ đang ủng hộ việc áp dụng công nghệ vào chuỗi cung ứng logistics. Đây cũng là xu thế chung của thế giới. Ở Việt Nam đã có nhiều DN dịch vụ logistics và các DN khởi nghiệp ứng dụng công nghệ mới, nhằm mang đến một chuỗi logistics hiệu quả, thực sự thuận tiện và giảm thiểu tất cả chi phí không đáng có trong chuỗi logistics…
Nghĩ lớn để khởi nghiệp
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện chi phí cho logistics của Việt Nam chiếm khoảng 20% GDP, trong khi trung bình trên thế giới khoảng 11%. Đây chính là mảnh đất, cơ hội dành cho các startup cùng tham gia giải quyết những vấn đề về logistics, để đưa Việt Nam phát triển trong lĩnh vực này, rút ngắn khoảng cách 10% chi phí logistics trong GDP, tương đương khoảng 30 tỷ USD.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất của khởi nghiệp không chỉ đến từ vốn, ý tưởng, mà còn là tâm lý tự ti, sợ thất bại của những người trẻ. "Ở nước ngoài, họ luôn chuẩn bị sẵn tâm thế: Thất bại là chuyện bình thường. Còn với chúng ta, khi thất bại không muốn làm, hoặc dễ mới làm khó thì bỏ. Đây là một trở ngại văn hóa cực lớn" - PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - bày tỏ, 98% DN khởi nghiệp thất bại nhưng thất bại đó làm nền tảng, "viên đá" lót đường cho thành công sau này. Ngành logistics đang có nhiều vận hội phát triển. Việc được đào tạo bài bản, các bạn trẻ sẽ là những người mở rộng ngành logistics hơn nữa và có thể phát triển thành những DN logistics lớn, tiếp bước thành công của những DN, doanh nhân hôm nay.
Từ góc độ DN, bà Nhâm Thị Lương - Giám đốc Công ty Nam Phương - cho hay, chúng tôi bắt đầu khởi nghiệp từ con số "0". Nếu muốn làm điều gì đó khác biệt trong một lĩnh vực nào đó, chúng ta sẽ phải hiểu về nó và tìm ra những điểm cần khắc phục. Đồng thời, phải quyết tâm làm đến cùng công việc của mình mới nhìn thấy kết quả. Khi khởi nghiệp sẽ gặp vô vàn khó khăn và chỉ có cách dũng cảm đối mặt với sự việc đã xảy ra, mới tìm được giải pháp tốt nhất.
Các startup hiện nay phần lớn đang tập trung vào một vài công đoạn trong khi dịch vụ logistics có tới 17 phân ngành, với những loạt hoạt động khác như kho bãi, xếp dỡ, vận đơn, thương mại điện tử, thu hộ, dán nhãn…
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/logistics-manh-dat-tiem-nang-cho-khoi-nghiep-138816.html