Logistics 'osin' của nền kinh tế?
Logistics được đánh giá là vấn đề cốt lõi của hoạt động kinh tế. Không nền kinh tế nào có thể chuyển mình về phía trước nếu thiếu đi lực đẩy từ hoạt động logistics (kho vận, hậu cần, bến bãi). Tuy nhiên, hiện chi phí logistics của Việt Nam được đánh giá là 'đắt đỏ' nhất thế giới, điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, việc triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics là không thể chậm trễ.
Chi phí cao “điểm nút” kìm hãm logistics
Theo thống kê của công ty nghiên cứu uy tín Armstrong & Associates (Mỹ), chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam tương đương 20,9% GDP, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore, cao gần gấp 2 lần so với các nước phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%.
Trong chi phí logistics tại Việt Nam, chi phí vận tải ở mức quá cao (chiếm 30 - 40% giá thành sản phẩm), trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác, điều này làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp.
Phát biểu tại diễn đàn Logistics thường niên do Bộ Công Thương phối hợp cùng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao, giống như “điểm nút” kìm hãm sự biến đổi về “chất” để dịch vụ logistics của Việt Nam có “bước nhảy” tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu đặt ra của hội nhập khu vực và thế giới... Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, nếu nâng cao chất lượng, giảm giá thành các dịch vụ logistics sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được rất nhiều chi phí, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm và của cả nền kinh tế.
Muốn vậy, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Việt Nam cần phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh; tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược; tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực; tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics…
Liên quan đến vấn đề chi phí logistics ở mức cao, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ví von: có một điều trùng hợp kỳ lạ, có lẽ trong các ngành kinh tế ở Việt Nam chỉ có một ngành kinh tế sử dụng tên tiếng Anh mà không dịch ra Tiếng Việt là ngành dịch vụ Logistic. Trong khi đó, có 1 nghề rất thân thiết với các gia đình cũng sử dụng trực tiếp tên nước ngoài mà không cần dịch ra tiếng Việt là nghề osin. “Có 1 điều gì đó tương đồng giữa ngành dịch vụ logistic với nghề osin. Và chúng ta có thể nói rằng: logistic là osin của nền kinh tế”, ông Lộc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, bên cạnh những thuận lợi thì thách thức lớn nhất hiện nay của ngành logistics là chi phí còn cao và thiếu tính cạnh tranh so với các nước. Trong đó, 3 “nút thắt” khiến hoạt động logistics kém phát triển được ông Lộc đề cập đó là: Cơ sở hạ tầng; quy trình thủ tục hành chính và cuối cùng là thiếu sự kết nối của doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài…
Đánh giá về tiềm năng phát triển hoạt động logistics tại Việt Nam, ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, mặc dù đại dịch Covid-19 có những tác động tiêu cực, nhưng đồng thời cũng tạo ra các cơ hội mới đối với kinh tế Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thậm chí có thể trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu mới. Tuy vậy, trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thì việc hiện đại hóa các hoạt động logistics là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.
Đề cập đến vai trò của logistics, ông Phạm Minh Đức cho rằng, logistics không phải là “osin” của nền kinh tế, mà là một ngành tiên phong, đi kèm với nền kinh tế phát triển của đất nước. “Theo tôi, logistics cũng cần thiết phấn đấu trở thành trung tâm logistics của khu vực. Nếu chúng ta nhìn một chút về địa kinh tế thì Việt Nam chắc chắn sẽ là cầu nối tốt nhất cho khu vực phía nam Trung Quốc dẫn ra biển, hơn là chạy ngang qua Trung Quốc”, ông Đức cho hay.
Ứng dụng công nghệ số để giải “nút thắt”
Trước những “nút thắt” khiến chi phí hoạt động Logistics Việt Nam tăng cao, các chuyên gia kinh tế cũng như nhiều doanh nghiệp đặt câu hỏi, làm sao để thực sự cắt giảm được chi phí logistics thời gian tới?. Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, cần một kế hoạch vừa cụ thể, vừa tương đối bao quát, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Trong đó, bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống pháp lý…thị một trong những yếu tố quan trọng đó là sự liên kết giữa các doanh nghiệp logistics.
“Hiện nay đa số các doanh nghiệp trong ngành này đều nhỏ và sự liên kết còn đang rất rời rạc, chưa tạo nên sức mạnh tập thể để cùng phát triển. Về yếu tố này, vai trò của các hiệp hội, chính quyền địa phương là rất cần thiết", ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Đề cập đến giải pháp giúp hoạt động logistics Việt Nam phát triển, giảm chi phí hoạt động,…theo bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc phụ trách hoạt động Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay, hai xu hướng mới đã xuất hiện từ đại dịch Covid-19 có liên quan đến lĩnh vực logistics ở Việt Nam. Xu hướng thứ nhất là sự tăng tốc của thương mại điện tử và sử dụng các nền tảng kỹ thuật số ở Việt Nam. Xu hướng thứ hai là sử dụng giải pháp công nghệ số để nâng cao hiệu quả và cung cấp những dịch vụ mới cho khách hàng. Khi áp dụng công nghệ số, doanh nghiệp có thể cung cấp khả năng hiển thị và truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng như giao tiếp với khách hàng trực tuyến.
“Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp logistics phải đầu tư vào công nghệ như Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, tự động hóa và phân tích dữ liệu. Ngoài ra, các công nghệ mũi nhọn như robot, máy bay không người lái và phương tiện tự hành cũng có thể làm tăng hiệu quả của các nhà cung cấp dịch vụ logistics”, bà Stefanie Stallmeister chia sẻ.
Khẳng định vai trò quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển hoạt động logistics, tại diễn đàn Logistics thường niên năm 2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, tăng cường áp dụng các thành tựu của Cách mạng công nghệ 4.0 trong các dịch vụ logistics sẽ giảm thiểu thời gian lưu kho và sản xuất; có thể giúp doanh nghiệp truy xuất vị trí hàng hóa, quản lý phương tiện vận chuyển tại các khu vực hẻo lánh hoặc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường giúp nhận diện nhanh chóng thông tin lô hàng, từ đó đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn hàng. Đó chính là điều quan trọng nhất để có thể giảm chi phí logistics một cách nhanh nhất.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/logistics-osin-cua-nen-kinh-te-116113.html