Logistics trong thời đại công nghệ 4.0 (Kỳ cuối)

Ứng dụng công nghệ số trong doanh nghiệp logistics là quá trình chuyển đổi đột phá mang tính khoa học cao đòi hỏi sự tiên phong nghiên cứu và đề xuất mô hình phù hợp với quy hoạch kinh tế-xã hội từng khu vực cũng như môi trường thiên nhiên.

Bất kỳ giải pháp công nghệ nào cũng phải tính đến ảnh hưởng tới người lao động và đặt con người lên hàng đầu. (Ảnh minh họa)

Bất kỳ giải pháp công nghệ nào cũng phải tính đến ảnh hưởng tới người lao động và đặt con người lên hàng đầu. (Ảnh minh họa)

Quá trình ứng dụng công nghệ số đòi hỏi những bước phát triển và mô hình thời gian phù hợp để bảo đảm sự thành công.

Bốn giai đoạn xây dựng

Tổng công ty Logiinds (thuộc tập đoàn CT Group) là ví dụ điển hình. Trong kế hoạch năm 2023, Logiinds sẽ tập trung xây dựng Kho ngoại quan hiện đại tại Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng. Chiến lược xây dựng quá trình ứng dụng công nghệ số của Logiinds gồm bốn giai đoạn phát triển.

Đầu tiên là khởi động chuyển đổi số. Logiinds xác định hướng kinh doanh chuyên cung cấp dịch vụ mới theo mô hình đột phá trong lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp logistics như: AI Platform, Robotics… cung cấp các giải pháp green logistics - công nghệ xanh, sạch và có thể tái tạo.

Với sự hợp tác của CT Optimal LAB tại Pháp, Logiinds trực tiếp phát triển một AI Platform hoàn toàn vào lĩnh vực logistics. Đặc biệt, tập trung áp dụng các công cụ như chuỗi dữ liệu (block chain), vạn vật kết nối (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), mô phỏng (digital twin), phân tích dữ liệu lớn (big data and analytics) và các công nghệ khác cung cấp những cách thức mới có giá trị nhằm hợp lý hóa hoặc xác định lại mục đích kinh doanh được thúc đẩy bởi chuỗi cung ứng và hậu cần sẵn có để xây dựng quy trình kinh doanh tiên tiến.

Quá trình này giúp định hình các tiêu chuẩn kỹ thuật số, thúc đẩy ứng dụng hiệu quả các công cụ công nghệ số, đưa ra quyết định tốt hơn, thu hút khách hàng trong suốt hành trình của họ, kết hợp tính linh hoạt của tổng công ty và tăng cường tự động.

Thứ hai là chuyển đổi mô hình kinh doanh kỹ thuật số. Chuyển đổi mô hình kinh doanh tạo ra và mang lại giá trị dựa chủ yếu trên ứng dụng công nghệ số. Cách thức cung cấp dịch vụ và giải pháp có thể chuyển từng bước từ tương tác truyền thống vật lý sang trải nghiệm kỹ thuật số hoàn toàn.

Thứ ba là định hướng mới lĩnh vực kinh doanh. Đến một giai đoạn phát triển, khi đã tích lũy được nhiều kiến thức chuyên môn và các khoản tài chính để đầu tư, doanh nghiệp sẽ chủ động mở rộng phạm vi tiếp cận sang các lĩnh vực kinh doanh mới tiềm năng. Khi doanh nghiệp đầu tư nhiều vào kỹ thuật số để hỗ trợ hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình thì sẽ xuất hiện nhiều tiềm năng cung cấp các giải pháp kỹ thuật số sang các ngành khác, tạo ra triển vọng kinh doanh sinh lợi trong các ngành dọc hoàn toàn mới.

Thứ tư là chuyển đổi cấu trúc doanh nghiệp. Giai đoạn phát triển cao nhất trong quá trình chuyển đổi số là thiết lập hệ thống cấu trúc toàn doanh nghiệp thông qua chuyển đổi kỹ thuật số dài hạn. Bằng cách xác định lại các quy trình và năng lực nội bộ cũng như tư duy vận hành, những cải tiến này tạo điều kiện cho việc mở rộng trong tương lai.

Sự thay đổi trong doanh nghiệp dẫn đến các quy trình công việc linh hoạt loại bỏ tình trạng silo (cô lập) của một số bộ phận không muốn hợp tác, chia sẻ thông tin với những người khác làm giảm hiệu quả trong hoạt động chung, giảm tinh thần làm việc và có thể góp phần vào sự sụp đổ của văn hóa hướng đến hiệu suất cao của doanh nghiệp, thay thế chúng bằng thử nghiệm thời gian thực và các thủ tục ra quyết định phi tập trung…

Những hiệu ứng này cho phép các kỹ thuật hợp tác và phát minh mới, có thể dẫn đến các cách tiếp cận mới để cung cấp giá trị hướng tới mô hình logistics hiện đại 5PL là loại dịch vụ thị trường thương mại điện tử, bao gồm các 3PL và 4PL, quản lý tất cả các bên liên quan trong chuỗi phân phối trên nền tảng thương mại điện tử. Chìa khóa thành công của các nhà cung cấp dịch vụ logistics 5PL là ba hệ thống quản lý đơn hàng (OMS), quản lý kho hàng (WMS) và quản lý vận tải (TMS) phải được quản trị liên quan chặt chẽ với nhau trong một hệ thống công nghệ thông tin đồng bộ.

Năm chính sách vĩ mô

Để xây dựng môi trường kinh doanh kỹ thuật số bảo đảm đem lại lợi ích thiết thực và hỗ trợ khởi nghiệp cũng như chuyển đổi kinh doanh kỹ thuật số hiệu quả, Việt Nam có thể xây dựng năm chính sách vĩ mô cụ thể.

Một là, chính sách tiêu chuẩn logistics chung của quốc gia. Trong kỹ thuật công nghệ, tiêu chuẩn là ưu tiên số một, do đó, cần xây dựng chính sách tiêu chuẩn logistics chung của Việt Nam phù hợp với xu hướng tiêu chuẩn và quy tắc chuyển đổi số của các nước công nghiệp phát triển. Bảo đảm sự kết nối hoàn hảo tất cả các tiêu chuẩn phần mềm và phần cứng của hệ thống logistics và giao thông nhằm tạo sức mạnh cộng hưởng.

Hai là, đào tạo kỹ năng kỹ thuật số. Bất kỳ giải pháp công nghệ nào cũng phải tính đến ảnh hưởng tới người lao động và đặt con người lên hàng đầu. Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng cam kết chung để đào tạo kỹ năng kỹ thuật số cho lực lượng lao động.

Ba là, liên kết các nguồn lực kinh tế xã hội (capital cluster). Logistics là đáy của kim tự tháp cần thiết không chỉ cho tất cả hoạt động của chuỗi cung ứng mà còn cho tất cả hoạt động kinh tế như du lịch, thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực cần nhiều nguồn lực nhất để đầu tư và ngược lại, cùng với hệ thống giao thông, ngành logistics với sự ứng dụng của công nghệ số sẽ là nguồn lực quan trọng nhất của nguồn lực sản phẩm quốc gia và là nền tảng kết nối chặt chẽ với bốn nguồn lực còn lại: xã hội, tài chính, con người và tài nguyên.

Vốn xã hội là quy hoạch, luật đất đai (phát triển các kết nối cảng biển, hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển với đường không, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa với các khu công nghiệp, trung tâm thương mại và đô thị trong cả nước), thể chế (hải quan điện tử, hội logistics, nhà cung cấp phụ trợ, cơ sở giáo dục, nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành hỗ trợ lẫn nhau trong một khu vực không gian nhất định).

Vốn tài chính là tập trung ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp có chiến lược ứng dụng công nghệ số tốt và có tiềm năng thông qua các chính sách đầu tư công, tiền tệ và hợp tác PPP vào logistics.

Vốn con người là huy động nguồn nhân lực tinh hoa và có kỹ năng cao.

Vốn tài nguyên với đặc thù của sở hữu đất đai và tài nguyên bờ biển ở Việt Nam, nguồn lực này sẽ là điều khác biệt lớn nhất trong việc hiện đại hóa ngành logistics và giao thông ở Việt Nam góp phần quyết định không chỉ phát triển kinh tế xã hội mà còn bảo vệ môi trường.

Chỉ có sự liên kết chặt chẽ các nguồn lực này mới đảm bảo sự thành công cho ngành logistics phát triển và tạo điều kiện để khởi xướng, đột phá và lan tỏa công cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai của đất nước. Được như vậy, ngành logistics với sự ứng dụng thành công công nghệ số sẽ là nguồn lực nền tảng để định vị quy mô kinh tế quốc gia trên trường quốc tế.

Bốn là, hợp tác quốc tế trong việc phát triển các trung tâm logistics. Chuỗi cung ứng là một lĩnh vực kinh doanh toàn cầu và hiện đang trong quá trình chuyển đổi, cần có chính sách đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế trong việc phát triển các trung tâm logistics, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm như: đồng bằng sông Mekong, đồng bằng sông Hồng và khu vực miền Trung.

Việt Nam cần coi trọng phát triển hội nhập kinh tế trong ASEAN và coi đó là trọng tâm để đàm phán thương mại quốc tế và xây dựng chiến lược chuỗi cung ứng quốc gia, đảm bảo vị trí quan trọng của Việt Nam trong khu vực. Trong đó, đặc biệt chú ý đến dự án xây dựng kênh đào Kra (Thái Lan) vì nó chắc chắn sẽ thay đổi cục diện của ngành hàng hải ASEAN và vận tải quốc tế, nhất là các tàu thương mại trên tuyến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Kênh đào mới này được cho là có lợi cho Việt Nam về mọi mặt (nhất là các tỉnh, thành phía Nam), xét trên các yếu tố kinh tế.

Năm là an ninh mạng. Chuyển đổi công nghệ số đem lại nhiều lợi ích, tuy nhiên việc ứng dụng cũng đem lại nhiều rủi ro. Vì vậy, cần tăng cường hợp tác và nâng cao năng lực trong lĩnh vực an ninh mạng khi xây dựng và triển khai chiến lược ứng dụng công nghệ.

Cùng với nhận thức và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số, việc xây dựng và thực thi hiệu quả các chính sách liên quan của Chính phủ sẽ định vị ngành logistics của Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng không những trong các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước mà còn trong sự chuyển dịch của kinh tế khu vực và toàn cầu.

(Tham khảo: https://www.globalalumni.gov.au/alumni-stories/dr-doan-duy-khuong)

TS. Đoàn Duy Khương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/logistics-trong-thoi-dai-cong-nghe-40-ky-cuoi-220962.html