Xây dựng, phát triển nền kinh tế Thủ đô theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải 70 năm qua, từ ngày Thủ đô Hà Nội được giải phóng (10.10.1954), Hà Nội đã và đang thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục tiêu xây dựng Hà Nội thành Thủ đô xã hội chủ nghĩa bình yên, tươi đẹp, phồn thịnh về vật chất, tinh thần.
Thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh
Hà Nội không ngừng vươn lên, từng bước khẳng định vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, trung tâm lớn về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước. Những thành tựu phát triển của Thủ đô không chỉ thể hiện qua sự phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, qua diện mạo hiện đại, phồn thịnh của đô thị, mà còn được minh chứng qua những chủ trương chính sách, chiến lược phát triển dài hạn, hướng tới một thành phố thông minh, xanh, bền vững.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội xác định rằng việc xây dựng một đô thị thông minh là điều tất yếu và cấp thiết.
Thành phố thông minh không chỉ là giải pháp để giải quyết những thách thức về dân số, môi trường, giao thông và quản lý tài nguyên, mà còn là nền tảng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tối ưu hóa quản lý đô thị và phát triển xanh, toàn diện, bao trùm, bền vững.
Trong chiến lược phát triển đô thị thông minh, hệ thống thanh toán thông minh, hệ sinh thái ngân hàng mở đóng vai trò trụ cột, là yếu tố thiết yếu trong việc kết nối các dịch vụ công và xã hội, cho phép tạo ra các dịch vụ và sản phẩm tài chính sáng tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, đồng thời thúc đẩy sự cạnh tranh cùng phát triển trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Hệ thống này không chỉ đơn thuần phục vụ cho các giao dịch tài chính mà còn mở rộng đến mọi lĩnh vực đời sống, sản xuất kinh doanh, từ thương mại điện tử, dịch vụ công, y tế, giáo dục đến giao thông.
Tại Hà Nội, việc phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện tử, mã QR, và thanh toán qua di động đã mang lại nhiều lợi ích to lớn. Thanh toán thông minh giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao tính an toàn và tiện lợi cho người dân, giúp doanh nghiệp quản lý tài chính hiệu quả hơn, và hỗ trợ chính quyền thành phố trong việc quản lý ngân sách, thu chi minh bạch, hiệu quả.
Từ việc thúc đẩy chuyển đổi số, đề án 06 của Chính phủ, cho đến triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công, giao thông, an sinh xã hội đến hóa đơn điện tử và tuyến phố thanh toán thông minh, Hà Nội bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng trong quá trình phát triển đô thị số, đô thị thông minh. Chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là chìa khóa để Hà Nội tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và đặc biệt là nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Với quan điểm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong phát triển , chuyển đổi số không chỉ giúp xây dựng một hệ thống dịch vụ công minh bạch, hiện đại và hiệu quả, mà còn góp phần vào quá trình xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô và của đất nước, đem đến hạnh phúc cho người dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải, trong tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu trở thành một đô thị thông minh, hiện đại và bền vững, thành phố kết nối toàn cầu, Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc chuyển đổi số, đề án 06 của Chính phủ, ứng dụng công nghệ số, xây dựng cơ sở dữ liệu số kết nối, các nền tảng số, phát triển hệ sinh thái thanh toán thông minh là yếu tố then chốt.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải chia sẻ, với những nền tảng đã đạt được, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Thành phố và sự đồng lòng của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hà Nội sẽ tiếp tục tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển hệ sinh thái ngân hàng mở, đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào sự phát triển bền vững, toàn diện của đất nước.
Cuộc cách mạng xanh để phát triển bền vững
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, thời gian qua Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư thân thiện, thông thoáng để thu hút doanh nghiệp. Về môi trường đầu tư, Hà Nội tạo điều kiện thủ tục xét duyệt đầu tư đơn giản hơn nhiều địa phương trong cả nước.
Cùng với đó, Hà Nội chủ động tiếp cận, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tổng hợp các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc, nêu rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị và báo cáo, đề xuất UBND TP.Hà Nội chỉ đạo giải quyết cụ thể.
Do đó, Hà Nội không chỉ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn là trung tâm kinh tế, tài chính quan trọng của khu vực và cả nước.
Trong bối cảnh hiện nay, khu công nghiệp sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Tuy nhiên, việc thay đổi từ cơ chế sản xuất như hiện nay sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là “cuộc cách mạng” rất lớn do cần nguồn lực tài chính tương ứng. Với việc có tới 98% doanh nghiệp là vừa và nhỏ nên tài chính cũng là bài toán khó cho các đơn vị này. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ về vốn, chính sách để các doanh nghiệp xanh có thể phát triển được. Có thể kể đến như dán nhãn với sản phẩm xanh, chứng nhận cho doanh nghiệp xanh.
PGS.TS Nguyễn Thị An cho rằng, TP. Hà Nội cần đưa ra được những cơ chế chính sách rất cụ thể để khuyến khích nhiều người tham gia vào kinh tế tuần hoàn, để tránh bớt rủi ro, bảo đảm được cuộc sống.
Cùng với đó, TP. Hà Nội tổ chức chỉ đạo thực hiện ra sao cũng rất quan trọng, trong đó giám sát từng công đoạn trong thực hiện kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Trong từng giai đoạn cần có đánh giá để điều chỉnh về cơ chế chính sách cho kinh tế tuần hoàn, không chỉ định kỳ mà có thể bất chợt, trong giao ban của thành phố… có đánh giá để điều chỉnh về mục tiêu trong giai đoạn mới.