Logistics xanh-đòn bẩy cho tăng trưởng xuất khẩu hàng Việt

Logistics đã đóng góp không nhỏ trong kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, để gia tăng năng lực cạnh tranh, xanh hóa ngành logistics không chỉ là xu hướng mà còn là động lực và yêu cầu cấp thiết đòi hỏi doanh nghiệp logistics nhanh chóng thích ứng.

Yêu cầu bức thiết để doanh nghiệp gia tăng trị giá xuất khẩu

Tại tọa đàm Chuyển đổi xanh ngành Logistics - Yêu cầu bức thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, diễn ra ngày 9/9, bà Đặng Hồng Nhung - Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương khẳng định về dư địa cho lĩnh vực logistcs Việt Nam phát triển, góp phần đáng kể cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa.

Xanh hóa logistics- Yêu cầu bức thiết để doanh nghiệp gia tăng trị giá xuất khẩu. Ảnh: TL minh họa

Xanh hóa logistics- Yêu cầu bức thiết để doanh nghiệp gia tăng trị giá xuất khẩu. Ảnh: TL minh họa

Bà Hồng Nhung cho hay, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư và sự bùng nổ của thương mại điện tử thì logistics Việt Nam cũng đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng của ngành khoảng 15% và quy mô thị trường từ 40 đến 42 tỷ USD/năm.

Theo báo cáo và nghiên cứu dự báo của Standard Chartered thì Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại của toàn cầu và dự báo đến năm 2030 xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt trên 680 tỷ USD và với mức tăng trưởng trung bình 7%/năm.

Logistics đã đóng góp không nhỏ trong kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Nếu như năm 2010 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ hơn 150 tỷ USD thì con số này đã tăng 3,6 lần lên trên 680 tỷ USD vào năm 2023 và trong giai đoạn khó khăn do Covid-19 vừa qua thì giai đoạn 2018 – 2022 tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của chúng ta vẫn giữ được tốc độ rất tốt, trung bình 11,3%/năm.

Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 có sự chững lại, tuy nhiên 7 tháng đầu năm 2024 đã có sự phục hồi và đạt kim ngạch xuất nhập khẩu trên 440 tỷ USD với mức tăng trưởng 17,1% so với cùng kỳ của năm ngoái.

Đặc biệt, các tổ chức uy tín trên thế giới cũng đánh giá cao về năng lực, cũng như phát triển logictics Việt Nam. Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam hiện nay xếp thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ và Việt Nam đứng trong tốp 5 ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng hạng với Philippines.

Tuy nhiên, để trước bối cảnh “xanh hóa” toàn cầu, bà Hồng Nhung cho rằng, xanh hóa ngành logistics không chỉ là xu hướng mà còn là động lực và yêu cầu cấp thiết đòi hỏi doanh nghiệp logistics nhanh chóng thích ứng.

Doanh nghiệp logictics trước thách thức xanh hóa

Theo các chuyên gia kinh tế, logistics là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất bởi xu hướng chuyển đổi xanh.

Xu hướng chuyển đổi xanh tác động đến ngành logistics bởi hai khía cạnh, vừa tạo áp lực vừa là cơ hội logistics đóng vai trò rất là quan trọng trong sự phát triển của kinh tế toàn cầu nói chung cũng như Việt Nam nói riêng.

Tuy nhiên, logistics cũng lại là một ngành có phát thải rất lớn và mức độ tiêu hao năng lượng rất cao. Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts thì riêng hoạt động vận tải đã đóng góp đến 8% tổng lượng phát thải CO2 trên toàn thế giới. Nếu cộng thêm kho bãi nữa thì con số này có thể lên đến 11%. Chính vì lý do đó mà logistics cũng sẽ là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất bởi xu hướng chuyển đổi xanh.

Doanh nghiệp logictics trước thách thức xanh hóa. Ảnh: TL minh họa

Doanh nghiệp logictics trước thách thức xanh hóa. Ảnh: TL minh họa

Nhận thức rõ những thách thức phải vượt qua, ở góc độ doanh nghiệp, ông Mai Trần Thuật - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Logistics dược phẩm Đông Á cho rằng, hiện nay yêu cầu bắt buộc của khách hàng về chuyển đổi xanh hay các dịch vụ xanh gia tăng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần một giải pháp tổng thể cho lộ trình xanh hóa logistics lớn.

Theo ông Mai Trần Thuật, cái khó của doanh nghiệp là bắt buộc phải cắt giảm chi phí kho bãi. Như hiện tại doanh nghiệp vận hành một kho khoảng 10 nghìn pallet thì đang mất khoảng 200 triệu đồng tiền điện trong một tháng. Ngoài câu chuyện chi phí thì hoạt động kho bãi, thải ra môi trường rất nhiều những khí độc. Do đó giải pháp hiện nay là đưa những dòng điện năng lượng mặt trời áp mái vào phục vụ hoạt động logistic đã giảm chi phí rất nhiều bước đầu đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Hơn nữa, cái khó là hiện tại chi phí về mặt nhiên liệu chiếm đến 35 – 45% trong giá thành vận tải, nếu tiết kiệm được 35 - 45% thì hiệu suất kinh tế sẽ rất cao. Doanh nghiệp đã nghĩ đến việc đưa những xe tải điện vào sử dụng nhưng hiện tại ở Việt Nam chưa có bên nào cung cấp xe tải điện. "Đấy là xu hướng chắc chắn doanh nghiệp sẽ phải làm, thách thức là đầu tư ban đầu sẽ khá lớn"- ông Trần Thuật chia sẻ.

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, TS. Trần Thị Thu Hương – chuyên gia nghiên cứu giảng dạy về chuyên ngành Logistics cho rằng, vượt qua thách thức chuyển đổi xanh, sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển xanh, bền vững cho doanh nghiệp logistics và xuất khẩu hàng hóa.

TS. Thu Hương đề xuất trong thời gian tới doanh nghiệp cần lưu ý thích ứng để hạn chế những áp lực về việc tuân thủ quy định của các tổ chức quốc tế. Bởi các nhà nhập khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản đều là những khách hàng rất khó tính, yêu cầu rất cao về các tiêu chí xanh.

Nếu như trước đây các tiêu chí này chỉ áp dụng đối với sản phẩm, nghĩa là sản phẩm phải xanh thôi thì hiện nay tiêu chí này áp dụng với toàn bộ quy trình sản xuất ra sản phẩm đó, quy trình sản xuất ra sản phẩm phải xanh.

Đối với thị thị trường châu Âu, doanh nghiệp cần lưu ý đến cơ chế chuyển đổi biên giới carbon năm 2026 sẽ chính thức có hiệu lực. Hoa Kỳ sắp tới cũng đang dự kiến sẽ áp dụng thuế carbon đối với hàng nhập khẩu.

Những quy định này sẽ đòi hỏi các quá trình sản xuất ra hàng hóa ở các nước xuất khẩu phải xanh. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu này thì chúng ta sẽ đứng ngoài cuộc chơi./.

Theo TS Trần Thu Hương, chuyển đổi xanh là áp lực nhưng sẽ tạo ra động lực để ngành logistics nói chung và logistics Việt Nam nói riêng phải chuyển đổi để phát triển.

Bởi vì về lâu dài, chuyển đổi xanh sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình và giảm chi phí và chuyển đổi xanh cũng sẽ tạo ra những cơ hội kinh doanh mới. Ví dụ như các dịch vụ vận tải với lượng carbon thấp hoặc các dịch vụ đóng gói thân thiện với môi trường.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/logistics-xanh-don-bay-cho-tang-truong-xuat-khau-hang-viet-158992.html