Lời Bác dạy tiếp thêm sức mạnh cho vùng mỏ

Cách đây 63 năm, ngày 23/9/1958, Bác Hồ đã thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân, người lao động, chuyên gia Liên Xô đang làm việc tại Mỏ Apatit Lào Cai. Những lời dạy của Bác đã tiếp thêm sức mạnh để các thế hệ cán bộ, công nhân Mỏ Apatit Lào Cai (nay là Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam) vững bước vượt qua khó khăn.

Kỷ niệm 63 năm ngày Bác Hồ lên thăm Lào Cai (23/9/1958 - 23/9/2021)

Hồ Chủ tịch và phái đoàn Chính phủ thăm khai trường khai thác quặng apatit ngày 23/9/1958.

Hồ Chủ tịch và phái đoàn Chính phủ thăm khai trường khai thác quặng apatit ngày 23/9/1958.

Ngày 23/9/1958 là mốc son mà các thế hệ cán bộ, công nhân Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam (Công ty Apatit Việt Nam) không thể nào quên. Đó là ngày Bác Hồ đến thăm Mỏ Apatit Lào Cai. Khi trò chuyện với cán bộ, công nhân và Nhân dân vùng mỏ, Bác Hồ khen ngợi vùng mỏ đã khắc phục khó khăn, nhanh chóng phục hồi sản xuất và ổn định đời sống. Bác cũng nhắc nhở Mỏ Apatit cần đẩy mạnh phong trào thi đua làm “nhiều, nhanh, tốt, rẻ” để làm giàu cho Tổ quốc, đồng thời lưu ý việc giữ gìn máy móc thật tốt, vì đây là mồ hôi, nước mắt của Nhân dân Liên Xô và Trung Quốc giúp ta. Bác nhấn mạnh: Phải quản lý xí nghiệp thật dân chủ. Công nhân phải xứng đáng là chủ nhà máy, tham gia quản lý nhà máy, quý trọng và bảo vệ của công. Ban Giám đốc cần chăm lo hơn nữa việc tổ chức đời sống mới, đời sống vật chất, trồng rau xanh, chăn nuôi. Bác dặn đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, thanh niên phải là đầu tàu trong sản xuất; phải tăng cường cả số lượng và chất lượng đảng viên, đoàn viên; phải nâng cao tinh thần tự lực cánh sinh để trong thời gian ngắn chủ động được công việc...

Trân trọng tình cảm, sự quan tâm và những lời chỉ bảo ân cần của Bác Hồ, 63 năm qua, các thế hệ cán bộ, công nhân Công ty Apatit Việt Nam luôn tích cực học tập, lao động, sản xuất, khai thác quặng apatit, phục vụ sản xuất phân bón trong nước. Bí thư Đảng ủy Công ty Apatit Việt Nam Nguyễn Thanh Hà tâm sự: Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi thăm vùng mỏ đã soi sáng và tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, đảng viên, người lao động của công ty vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, nhất là thời điểm hiện nay.

Quả thực, 2 năm trở lại đây, Công ty Apatit Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều thử thách xuất phát từ khách quan và nội tại. Khách quan là do đại dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến sản xuất của công ty, giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất (xăng, dầu, điện, bi nghiền, thuốc tuyển) tăng khiến chi phí sản xuất cao hơn, trong khi thị trường tiêu thụ phân bón trong nước chững lại, giá phân bón giảm dẫn đến nhu cầu sử dụng quặng apatit của các nhà máy sản xuất phân bón chứa lân trong nước giảm theo.

Cùng với nguyên nhân khách quan, Công ty Apatit Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ chính nội tại. Trước hết là những phức tạp trong việc giải phóng mặt bằng để đưa các khai trường đã được cấp phép vào khai thác. Đây không phải là công việc đơn giản, một sớm một chiều mà là cả “núi” phần việc cần giải quyết liên quan đến sự chồng chéo trong quản lý, sử dụng đất đai. Đơn cử như với khai trường 19, công ty đã được cấp phép khai thác cách đây 3 năm nhưng hiện vẫn chưa xong thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng và hệ quả là không có đủ nguồn quặng đưa vào tuyển, kéo theo việc làm của người lao động không đảm bảo. Đặc biệt, từ ngày 7/9/2021, Công ty Apatit Việt Nam đã phải dừng hoạt động 2/3 nhà máy tuyển quặng do thiếu nguyên liệu. Hiện tại, công ty đang quản lý 3 nhà máy tuyển quặng apatit loại 3 với tổng công suất 1,37 triệu tấn tinh quặng/năm, tương đương nguyên liệu đầu vào cần khoảng 4,5 triệu tấn/năm. Trong khi đó, theo các giấy phép khai thác quặng apatit đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho đơn vị thì tổng sản lượng khai thác quặng 3 gần 2,2 triệu tấn/năm, như vậy mỗi năm thiếu khoảng 3,76 triệu tấn quặng apatit loại 3. Do thiếu quặng apatit loại 3, công ty đã phải dừng 2/3 nhà máy tuyển quặng, sản lượng quặng tuyển giảm 85.000 tấn/tháng (hiện chỉ duy trì hoạt động của Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn với sản lượng 29.000 tấn tinh quặng).

Điều đáng lo ngại chính là việc dừng hoạt động của 2 nhà máy tuyển kéo theo các chi nhánh: Bốc xúc tiêu thụ, Vận tải đường sắt, Khai thác dừng sản xuất khiến 1.300 lao động của Công ty Apatit Việt Nam không có việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của họ và gia đình. Hơn nữa, không sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước đã đầu tư, tốn kém chi phí sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị khi phải dừng sản xuất, giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 200 tỷ đồng (năm 2021). Mặt khác, việc dừng hoạt động của 2 nhà máy tuyển cũng sẽ tác động lớn đến các nhà máy sản xuất phân bón trong nước, do việc duy trì hoạt động của Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn chỉ đáp ứng được khoảng 20% nguyên liệu. Dự kiến đến hết quý IV/2021, các nhà máy sản xuất phân bón trong nước cũng dừng hoạt động nếu không có nguồn cung tinh quặng tuyển apatit.

Công nhân Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn trao đổi về tình hình thiết bị.

Công nhân Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn trao đổi về tình hình thiết bị.

Bí thư Đảng ủy Công ty Apatit Việt Nam Nguyễn Thanh Hà cho rằng, khó khăn là vậy nhưng những lời Bác dạy sẽ tiếp thêm sức mạnh để cán bộ, công nhân Mỏ Apatit vững vàng tiến về phía trước, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Trước hết, Đảng ủy tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để cán bộ, đảng viên, người lao động nhận thức rõ những thách thức, từ đó cùng kề vai, sát cánh đưa công ty vượt qua khó khăn, đồng thời xây dựng tinh thần đoàn kết, tập trung sức mạnh, trí tuệ tập thể để tháo gỡ từng nút thắt. Tiếp tục tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, giảm bớt lao động gián tiếp. Doanh nghiệp cũng sẽ tăng cường mua sắm thiết bị, máy móc phù hợp với yêu cầu, điều kiện sản xuất thực tế để nâng cao hiệu quả đầu tư gắn với đẩy mạnh phong trào thi đua lao động, sản xuất, nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả khai thác, tuyển khoáng.

Mặt khác, công ty chủ động báo cáo tỉnh, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng quặng 3 tại 14 kho lưu để cung cấp cho các nhà máy tuyển theo đúng Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng apatit đến năm 2020, có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1893 ngày 20/10/2014.

Trên khai trường khai thác quặng apatit. Ảnh:TL

Trên khai trường khai thác quặng apatit. Ảnh:TL

Trước thực trạng quặng apatit loại 1 không còn nhiều, chủ yếu là quặng apatit loại 2 và 3 nên công ty xác định tuyển khoáng sẽ là hướng đi chủ lực trong giai đoạn tới. Do vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ Công ty Apatit Việt Nam khóa XXII đã xây dựng và triển khai thực hiện 2 đề án: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2025”, “Nâng cao hiệu quả công tác tuyển khoáng”. Nhiệm vụ đặt ra cho cả giai đoạn vô cùng nặng nề, vì thế mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần để đưa công ty vượt qua khó khăn, xứng đáng với niềm tin và lời dạy của Bác Hồ khi lên thăm Mỏ Apatit.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/347460-loi-bac-day-tiep-them-suc-manh-cho-vung-mo