Lời Bác năm xưa: 'Lý luận kết hợp với thực hành', 'học tập kết hợp với lao động'
Cách đây 65 năm, phát biểu tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II (tháng 5-1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Lao động trí óc mà không có lao động chân tay, 'chỉ biết lý luận mà không biết thực hành' thì cũng chỉ là 'trí thức một nửa'. Vì vậy, sinh viên các cháu phải luôn nhớ rằng: 'Trong lúc học lý luận cũng phải kết hợp với thực hành', 'học tập kết hợp với lao động' (1).
Lời Người không chỉ vạch rõ chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện thanh niên - những trí thức trẻ đóng vai trò là chủ nhân tương lai của đất nước trong bối cảnh nước nhà đang đối mặt với vô vàn thử thách từ thực tiễn lúc bấy giờ, mà còn là một quan điểm nóng hổi tính thời sự về phương pháp học tập của không chỉ với thanh niên.
Bác đã đi qua những năm tháng tuổi trẻ sục sôi nhiệt huyết cách mạng. Trong hành trình đi “tìm hình của Nước”, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã trải qua cả những công việc lao động chân tay như bồi bàn, phụ bếp, dọn tuyết, đốt lò,… cho đến công việc của trí thức như viết báo, giáo viên, phiên dịch viên,… Nên hơn ai hết, Người thấu hiểu: Lao động trí óc mà không có lao động chân tay, “chỉ biết lý luận mà không biết thực hành” thì cũng chỉ là “trí thức một nửa”. Điều này cũng đặt ra yêu cầu phải gạt bỏ tư tưởng “coi khinh lao động chân tay”, “coi khinh người lao động chân tay”, ngại khó, ngại khổ, ham địa vị, danh lợi, hưởng thụ - những tàn dư tư tưởng của tầng lớp tiểu tư sản còn đọng lại trong một bộ phận thanh niên thời bấy giờ.
Đồng thời, bản thân người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành là một tấm gương mẫu mực về học tập kết hợp với lao động, về “nói đi đôi với làm”. Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, Văn Ba - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã trải qua gần 20 công việc, nghề nghiệp khác nhau. Để rồi từ thực tế lao động, học tập, thâm nhập đời sống những người lao động, phân tích tình hình chính trị thế giới, tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn là cách mạng vô sản. Bác đã có lần kể lại: “Ngày trước Bác cũng đã làm phụ bếp. Lúc đó Bác là vong quốc nô, làm phụ bếp cho thực dân Pháp. Công việc vất vả từ 5h sáng đến 9-10h tối. Nhưng Bác vẫn học được văn hóa và chính trị. Có quyết tâm thì nhất định học được" (2). Và đó cũng là bài học mà Người đã đúc kết để hướng dẫn chúng ta, đến nay hầu hết cán bộ, đảng viên đều đã thuộc nằm lòng: “Thực hành sinh ra hiểu biết/Hiểu biết tiến lên lý luận/Lý luận lãnh đạo thực hành” (3).
Còn với lớp lớp thanh niên Việt Nam - lực lượng được Bác dành cho sự quan tâm đặc biệt, những “chủ nhân tương lai của đất nước”, hơn 6 thập kỷ qua đã tiếp bước Người, ra sức học tập, rèn luyện, “thẳng chân mà bước, ngẩng đầu mà đi”, mang khát vọng, nhiệt huyết và sức trẻ trong sự nghiệp bảo vệ, dựng xây đất nước, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, vẫn còn đó một bộ phận thanh niên, dù được học hành và đào tạo bài bản, song giảm sút niềm tin, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, mưu cầu lối sống xa hoa, hưởng thụ… hoặc an phận, vị kỷ. Đó còn là những hiện tượng khá phổ biến trong đời sống, đó là những thanh niên quen được “hầu hạ tận răng” bởi chính bố mẹ, ông bà; được vẽ sẵn đường đi, sắp sẵn chỗ ngồi từ khi còn trên ghế nhà trường đến lúc đi làm. Hệ lụy tất yếu là ý thức học tập, rèn luyện và lao động, sáng tạo bị triệt tiêu, là mầm mống cho những hệ lụy, mối nguy trong xã hội.
Để tiếp tục làm rạng rỡ cơ đồ, tiềm lực và vị thế của đất nước, với vai trò “là rường cột của nước nhà”, mỗi đoàn viên, thanh niên và cán bộ, đảng viên hơn lúc nào hết cần khắc ghi lời Bác dạy, chuyển hóa thành động lực và sức mạnh tinh thần to lớn, “tiên phong trong học tập, rèn luyện để có trình độ chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn giỏi, là những người đi đầu, tích cực nhất trong hội nhập sâu rộng với thế giới”; “tiên phong trong lao động, sản xuất, sáng tạo, thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; “tiên phong, tình nguyện trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị; trong những việc khó, việc mới; sẵn sàng chia sẻ vì cộng đồng; xung phong đến với những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đến với những người nghèo, người yếu thế; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần” và “tiên phong trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, dân tộc; giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội" (4).
Nguyên Phong
—
(1) Nguồn: Tuyengiao.vn.
(2) Nguồn: Chinhphu.vn.
(3) Báo Nhân dân, số 17, ngày 19-7-1951.
(4) Trích bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII (Nguồn: Chinhphu.vn).