Lợi bất cập hại

Phan nói, con quyết định phải mua tour vào Đại Nội. Đây là chuyến đi Huế lần đầu của tụi con. Do vậy chắc chắn phải biết nơi mà ngày xưa các vua ngự triều, thưởng ngoạn, đọc sách… như thế nào. Từ đó tính toán 2 ngày còn lại sẽ đi thăm lăng, thăm chùa và các điểm tham quan nào ở Huế. Đi rồi, tụi con thấy quyết định của mình là đúng cô à…!

 Du khách tham quan Đại Nội. Ảnh: M.C

Du khách tham quan Đại Nội. Ảnh: M.C

Có câu chuyện này là vì, trên đường từ sân bay vào thành phố, người lái taxi nói với Phan và bạn của cậu là các công trình trong Đại Nội đang được trùng tu. Ngổn ngang và bụi lắm. Chùa Huyền Không, lăng Gia Long hay biển Phú Diên, Vinh Thanh hay Quảng Ngạn là các điểm được người lái taxi đề nghị. Không biết có võ đoán không, nhưng điều mà tôi nghĩ đến là những chuyến đi dài hơn, “lợi” đường hơn đối với dịch vụ sử dụng đồng hồ công-tơ-mét. Có một số hạng mục trong Đại Nội đang được trùng tu, phục hồi, phục dựng như điện Kiến Trung, điện Cần Chánh… nhưng các công trình này đều được khoanh vùng, che chắn để không ảnh hưởng đến việc thưởng ngoạn của công chúng. Đây cũng là việc mà lâu nay, cơ quan quản lý Quần thể di tích Cố đô Huế chú trọng thực hiện.

“Sao tụi em lại chọn chỗ lưu trú xa vậy? Đường vắng, con gái đi sẽ không bảo đảm an toàn” là một câu chuyện từ một lái xe taxi khác mà các cô gái đến từ Hà Nội chia sẻ. Buổi chiều hôm đó, ở chiếc bàn cũ đặt dưới gốc ổi, Duyên và Phương cười khi kể, hôm đó đến Huế lúc gần nửa đêm, tụi em nghe và sợ đấy vì đường vắng thật. Thế nên em có nhắn tin xin đổi chỗ, định chọn một trong mấy nơi mà anh taxi ấy giới thiệu; nhưng sáng ra lại ưng nơi bình yên này nên rốn thêm một đêm nữa. Cuối cùng là, chẳng có gì phải sợ vì những nẻo đường xứ Huế đều bình yên…

Cảm nhận của du khách, chắc chắn mới là điều cơ bản và cần được tôn trọng nhất. Tuy nhiên, tâm lý (của họ) sẽ bất an nếu ngay từ những giây phút ban đầu đã được gợi ý, thậm chí là có phần hù dọa. Dù không phải là tất cả nhưng tôi nghĩ, có lẽ nó cũng sẽ là câu chuyện diễn ra vào một lúc nào đó, trên một chuyến xe nào đó với một người lái xe dịch vụ nào đó. Nghĩ đơn giản, thì có thể họ sẽ có một chút % hoa hồng được chi trả khi giới thiệu điểm lưu trú cho khách đến; hoặc tiền cho một chuyến đi xa hơn sẽ nhiều hơn một chút. Điều này cũng có thể thông cảm, nhưng kiểu khuyên không nên vào Đại Nội như trên kia, chắc chắn sẽ làm mất đi thiện cảm, cũng như có thể sẽ có những cách nghĩ không đầy đủ trong việc hướng dẫn, tổ chức tham quan, thưởng lãm các di sản văn hóa.

Tôi nhớ thời gian trước, những người đạp xích lô trong nghiệp đoàn có được tập huấn và hướng dẫn những cách thức cơ bản trong giao tiếp và hướng dẫn cơ bản đối với khách đến, mục tiêu là vì một Huế văn minh, lịch sự. Điều này cũng đã có tác động tốt, từ những đánh giá để lại. Không biết lâu nay, việc tập huấn, hướng dẫn này có được tiếp tục? Trong góc nhìn của mình, tôi nghĩ có lẽ đây là điều nên được duy trì thường xuyên, định kỳ và đối tượng được mở rộng hơn cả với những người lái taxi, cũng như những quy định cụ thể nếu phát hiện có những lời nói không đúng về các điểm tham quan nếu nhận được phản hồi từ du khách, qua nhiều kênh… để mang đến cảm quan tốt về con người và vùng đất xứ Huế. Từ đó, tránh những kiểu “tác động” mang tính lợi bất cập hại như vừa nêu trên.

Nguyễn Bình An

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/loi-bat-cap-hai-131320.html