Lợi bất cập hại khi theo dõi người mình ghét trên MXH
Khi chọn 'theo dõi một cách ghét bỏ' ai đó, nhiều người thường hy vọng đối phương thất bại hoặc vấp ngã. Nhưng về lâu dài, hành vi này sẽ ảnh hưởng xấu đến chính họ.
Không ít người tỏ ra ghen tị khi nhìn thấy những bức ảnh hoàn hảo của sao mạng, hay khó chịu trước sự hiện diện của các bài đăng trái quan điểm của người thân, bạn bè mà họ có hiềm khích. Thế nhưng, họ vẫn đọc và không bỏ theo dõi.
Đây được xem là hành vi "theo dõi một cách ghét bỏ" (hate-following), một thuật ngữ khá thịnh hành ở kỷ nguyên mạng xã hội, dùng để mô tả hành động theo dõi một người nào đó mà bạn không thực sự thích, thậm chí là ghét.
Theo tiến sĩ Denise Dudley, nhà tâm lý học hành vi ở Mỹ, khi chọn theo dõi một cách ghét bỏ ai đó, sâu thẳm bên trong, chúng ta hy vọng họ thất bại hoặc vấp ngã theo một cách nào đó. Hành động này tưởng chừng vô hại, nhưng về lâu dài, tinh thần chúng ta có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, theo HuffPost.
Nguyên nhân
Không phải lúc nào chúng ta theo dõi một người cũng là để tận hưởng nội dung của họ đăng mà là để cảm thấy tốt hơn khi họ mắc lỗi hoặc gặp phải bất hạnh.
Điều này gợi nhắc về schadenfreude, một từ tiếng Đức, có nghĩa là sự thích thú trước bất hạnh của người khác.
Thêm vào đó, hành vi hate-following được thúc đẩy nhờ các phương tiện truyền thông xã hội khiến mọi người liên tục so sánh bản thân với người khác.
David Wahl, phó giáo sư xã hội học và tội phạm học tại Đại học McMurry ở Texas (Mỹ), nói thêm việc theo dõi người khác theo cách thù ghét còn là một cách để một người tăng lòng tự trọng.
Khi thấy ai đó thất bại, điều đó có thể khiến một vài người cảm thấy tốt hơn về bản thân mình. Điều này cũng liên quan đến sự đố kỵ. Chúng ta phán xét, hạ thấp người khác để cảm thấy mạnh mẽ hoặc quan trọng hơn.
Rủi ro tinh thần
Việc theo dõi những người mình không mấy yêu mến có vẻ thú vị và vô hại, nhưng thực tế có thể gây rủi ro cho sức khỏe tinh thần.
Tiến sĩ Dudley cho biết: "Liên tục để bản thân tiếp xúc những thứ khiến bạn khó chịu có thể làm gia tăng căng thẳng và lo lắng. Đây cũng là một tác nhân làm tổn hại đến lòng tự trọng của mỗi người. Khi so sánh bản thân với người khác, đặc biệt là những hình ảnh hoàn hảo trên Instagram, lòng tự trọng của chúng ta sẽ giảm mạnh. Tiếp tục theo dõi những người mình ghét sẽ khiến bạn mắc kẹt trong một vòng lặp suy nghĩ tiêu cực".
Nhà tâm lý học nói thêm việc hate-following thực sự tốn thời gian. Chúng ta có thể làm những điều thú vị khác thay vì lướt xem tin nổi bật của ai đó một cách vô vị.
Bác sĩ Nancy Cetel, Chủ tịch cơ sở chăm sóc sức khỏe Speaking of Health, Inc. (Mỹ), cho biết hate-following thực sự không tốt cho não. Dù hành động này có thể giải phóng một số chất hóa học tạo cảm giác dễ chịu ngay lúc đó, chúng ta có thể phải trả giá về sức khỏe tinh thần sau đó .
"Hành động theo dõi ghét bỏ có thể gây nghiện. Chúng thúc đẩy một "cú hích dopamine" tạm thời, nhưng theo thời gian, não bộ có thể trở nên phụ thuộc. Về cơ bản, bạn bị nghiện những phản ứng cảm xúc, tốt lẫn xấu, đến từ việc theo dõi một số người nhất định", bác sĩ Cetel giải thích.
Bỏ theo dõi
Khi lướt mạng xã hội, mọi người cần chú ý đến cảm giác của bản thân: Liệu chúng ta đang buồn hay tức giận với các bài đăng của bạn bè không? Hay chúng ta có cảm thấy chán nản về cuộc sống của chính mình sau khi xem tin nổi bật (highlight story) của người khác không?
Nếu câu trả lời đa số là có, có thể đã đến lúc chúng ta thay đổi một số hành vi của mình.
Theo tiến sĩ Dudley, mọi người có thể làm cho cuộc sống trực tuyến bớt căng thẳng hơn bằng cách bỏ theo dõi các tài khoản không đem lại cảm giác tích cực cho bản thân. Bà khuyến khích việc theo dõi những tài khoản giúp chính mình cảm thấy vui vẻ, truyền cảm hứng và tích cực hơn.