Lợi cả đôi đường
Trong bối cảnh khan hiếm vaccine phòng Covid-19 trên toàn cầu và tình trạng chậm trễ trong khâu vận chuyển, các thỏa thuận hoán đổi vaccine sẽ tạo điều kiện cho những nước thiếu hụt chế phẩm này đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng để ứng phó với những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
Theo Reuters, mới đây, gần nửa triệu liều vaccine phòng Covid-19 Pfizer-BioNTech đã được chuyển đến Australia. Đây là lô đầu tiên trong thỏa thuận hoán đổi vaccine mà Australia ký kết với Anh. Theo thỏa thuận, Australia vay Anh 4 triệu liều vaccine phòng Covid-19 Pfizer-BioNTech. Đổi lại, Australia cam kết sẽ trả lại số lượng vaccine tương đương cho Anh vào cuối năm nay khi đơn hàng vaccine của Canberra được cung cấp. Những liều vaccine phòng Covid-19 theo thỏa thuận hoán đổi với Anh được đưa đến Australia vào thời điểm quan trọng, khi xứ sở chuột túi đang nỗ lực kiềm chế sự gia tăng các ca nhiễm mới do biến thể Delta. Nhận định về thỏa thuận này, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết: “Điều này sẽ mang lại cơ hội cho Australia mở cửa trở lại theo kế hoạch”. Theo Cao ủy Anh tại Australia Vicki Treadell, việc hoán đổi vaccine mang lại lợi ích cho cả hai nước vì số vaccine do Australia trả lại cho Anh vào cuối năm nay sẽ được London sử dụng để tiêm mũi vaccine tăng cường.
Với mong muốn sớm dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và mở cửa trở lại nền kinh tế, Chính phủ Australia đã quyết tâm tăng tốc chiến dịch tiêm chủng quốc gia. Theo Thủ tướng Morrison, người dân nước này có thể tự do đi lại khi tỷ lệ tiêm vaccine trong số người từ 16 tuổi trở lên đạt 70%. Đồng thời, nước này cũng sẽ dần mở cửa biên giới khi tỷ lệ tiêm chủng đạt hơn 80%. Trong một nỗ lực tìm kiếm vaccine để đạt mục tiêu tiêm chủng, Thủ tướng Australia, các bộ trưởng và quan chức ngoại giao cấp cao nước này đã liên hệ với những người đồng cấp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh việc đề nghị hỗ trợ, mua lại, chính quyền Canberra cũng hướng tới việc hoán đổi vaccine với những nước có lượng vaccine dôi dư. Ngoài Anh, Australia cũng đã đạt được thỏa thuận hoán đổi 500.000 liều vaccine phòng Covid-19 Pfizer-BioNTech với Singapore. Số vaccine này đã được chuyển đến Australia vào đầu tháng 9 này. Tương tự như thỏa thuận với Anh, Australia sẽ hoàn trả 500.000 liều vaccine cho đảo quốc sư tử vào tháng 12 năm nay. Singapore dự kiến dùng số vaccine nhận lại từ Australia làm mũi tiêm tăng cường cho các nhóm đối tượng nhất định. Các thỏa thuận hoán đổi vaccine với Anh và Singapore đã góp phần quan trọng vào việc tăng tốc chiến dịch tiêm chủng của Australia. Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt khẳng định, bắt đầu từ tháng 9 này, nguồn cung vaccine dồi dào sẽ tạo điều kiện để người dân xứ sở chuột túi có thể nhanh chóng được tiêm vaccine.
Australia không phải quốc gia đầu tiên tìm kiếm vaccine thông qua các thỏa thuận hoán đổi. Theo Korea JoongAng Daily, hồi tháng 7 vừa qua, Hàn Quốc và Israel, nước có tỷ lệ tiêm chủng cao đã đạt thỏa thuận hoán đổi vaccine đầu tiên trên thế giới. Israel đã chuyển 700.000 liều vaccine Covid-19 Pfizer-BioNTech cho Hàn Quốc giữa lúc Seoul đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ tư vì biến chủng Delta. Theo thỏa thuận, Hàn Quốc sẽ trả lại số vaccine này cho Israel vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Israel Naftali Bennett đều cho rằng kiểu thỏa thuận này có thể đóng vai trò như một mô hình hợp tác quốc tế trong bối cảnh toàn cầu nỗ lực thúc đẩy tiêm chủng và nguồn cung vaccine ở các nước khác nhau.
Giới chuyên gia nhận định, những thỏa thuận hoán đổi vaccine giúp giải quyết vấn đề mất cân bằng nguồn cung trên toàn cầu, đồng thời đem lại lợi ích cho cả hai bên tham gia thỏa thuận. Thông qua việc mượn tạm và trả sau, quốc gia thiếu hụt vaccine sẽ sớm nhận được số lượng vaccine quan trọng để ứng phó với tình hình dịch bệnh căng thẳng trước mắt. Trong khi đó, những nước dư thừa vaccine, chưa có nhu cầu sử dụng ngay sẽ tránh được việc bỏ phí vaccine và phải tiêu hủy vaccine khi hết hạn sử dụng. Ông Daniel Rhee, nhà khoa học tại Viện Vaccine quốc tế ở Seoul đánh giá: “Sáng kiến hoán đổi vaccine giúp cân bằng nguy cơ giữa những nước cần gấp vaccine và những nước muốn đổi số vaccine sắp hết hạn để lấy nguồn cung có thời hạn sử dụng dài hơn. Đây là một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi".
Trước sự tàn phá khốc liệt của đại dịch Covid-19, không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn. Bởi vậy, trong cuộc chiến với “kẻ thù chung”, tinh thần đoàn kết, hợp tác, sẻ chia và hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước trên thế giới sẽ tạo nên nguồn sức mạnh tổng hợp để đẩy lùi đại dịch và khôi phục nền kinh tế, đem lại cuộc sống bình yên cho người dân.
Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/quoc-te/loi-ca-doi-duong-51640.html