Lời ca trên non
Có câu nói 'Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống', và câu chuyện của cô bé người Mông ham học hỏi ngày nào, nay đã trở thành cô giáo của non cao là một câu chuyện truyền cảm hứng như thế.
Sáng đầu tuần, cô giáo trẻ Va Thị Nính dắt chiếc xe máy, chuẩn bị cặp sách lên trường khi những giọt sương còn đọng đẫm trên lá cọ khô lợp mái nhà. Ông Va Văn Di từ góc bếp chạy ra, ấn vào tay con gái nắm xôi ấm nóng bọc trong lá chuối, dặn khi nào nghỉ giữa giờ thì ăn, nhớ chia cho cả học trò. Hơi ấm từ bọc xôi lan tỏa trong lòng bàn tay, Nính mỉm cười hạnh phúc. 25 năm qua, đây không phải lần đầu Nính được bố chăm sóc từ những việc nhỏ nhặt như thế.
Là con gái thứ 3 trong gia đình người Mông ở bản Lốc Há, xã Nhi Sơn (Mường Lát) – nơi mà hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến 90%, Nính từ nhỏ sớm nhận ra con đường đời mình sẽ đi, chắc chắn không dễ dàng. Bố mẹ nuôi 6 anh chị em Nính bằng đồng lương giáo viên ít ỏi của bố; bằng mảnh đất nằm tận trong rừng trồng xoan, đào và mận; mảnh ruộng nhỏ trồng ngô, lúa và đôi ba con gà. Nghèo, vất vả, bố Nính vẫn khuyến khích các con đến trường, ai học đến đâu bố mẹ theo đến đó. Những đứa trẻ nhà ông Di đặc biệt ham thích sách vở, chúng coi đi học là niềm vui hiếm hoi trong tuổi thơ vất vả của mình.
Hồi Nính học tiểu học tại điểm trường Nhi Sơn ở bản Lốc Há - sự hiện diện duy nhất của ngành giáo dục, khi đó chỉ là một lớp tạm lợp lá cọ và vài ba chiếc bàn học xiêu vẹo. Lớp Nính có chưa đến 10 học sinh, nhưng cứ qua một năm học lại rơi rớt dần. Ở đây, những đứa trẻ mươi tuổi đã phải lao động, bạn ở nhà trông em, bạn lên nương làm việc.... Thầy giáo dưới xuôi lên cắm bản thời gian dạy học có khi tương đương với thời gian đến nhà vận động học sinh đến trường. Nính chưa một lần để thầy phải đến dỗ đi học. Tan học về nhà, buông đũa cơm trưa, Nính tranh thủ làm hết bài để chiều dắt trâu, địu em lên nương. Thấy con gái ham học, ông Di vui lắm. “Nính đừng bỏ học nhé, phải nắm lấy con chữ, cuộc sống mới bớt vất vả khổ cực”, lời bố và thầy dặn khi đó Nính không hiểu hết. Cô bé chỉ nghĩ, muốn làm nghề dạy học như bố và thầy cô thì phải xuống huyện học.
Học hết lớp 5, Nính đứng trước dấu mốc quan trọng đầu tiên của cuộc đời: nghỉ học hay đi tiếp. Bởi, Trường THCS Nhi Sơn cách nhà gần 10km, đi học như thế nào? Đó là một bài toán. Người trong làng rỉ vào tai ông Di: “Con gái học thế nhiều rồi, đằng nào chả lấy chồng”, trong khi Nính hồi hộp đợi quyết định của bố mẹ. Ông Di bỏ lại sau lưng lời thiên hạ, lặng lẽ hậu thuẫn con gái. Hai năm đầu, trường chưa có bán trú, ông Di gửi Nính ở cùng những đứa trẻ khác trong căn lán nhỏ gần trường, cạnh một con suối. Thi thoảng, ông và con trai, con gái lớn xuống thăm. Nính kể, đêm đầu tiên ở lán, Nính khóc vì nhớ bố mẹ. Những đêm mùa đông lạnh thấu xương, gió núi thổi vào vách nứa ràn rạt như muốn hất tung căn lán nhỏ xuống suối, Nính và các bạn lấy chăn che kín góc lán, ngăn gió rồi ngồi học bài. Mỗi chiều sau khi ôn bài xong, Nính và các bạn thường rủ nhau đi lấy củi, hái rau rừng. Bữa cơm của các em chỉ có rau rừng, mùa măng có thêm đĩa măng luộc chấm muối, thỉnh thoảng có quả trứng, miếng thịt. Cuối tuần được nghỉ, Nính đi bộ gần nửa ngày mới về đến bản Lốc Há. Chiều chủ nhật, Nính lại quay về bản Chim để kịp đi học tuần sau.
Xuống huyện học tại Trường THPT Mường Lát, Nính ở trong Làng học sinh và chỉ về nhà mỗi khi hết gạo, “tháng nào về bố cũng cho 5 cân gạo, mấy chục ngàn đồng thôi”. Vậy mà liên tục nhiều năm Nính là học sinh tiên tiến. Nính vẫn mơ về một ngày mai mình sẽ là cô giáo. Bạn bè cùng phòng, các thầy cô nói Nính hát hay lắm, là hạt nhân văn nghệ của trường, của huyện. Giấc mơ trở thành cô giáo dạy nhạc đến với Nính qua lời gợi ý của thầy giáo chủ nhiệm, nó như một chân trời mới mở ra với cô bé người Mông hát hay, múa dẻo.
Ngày làm hồ sơ đăng ký thi đại học, Nính viết duy nhất một nguyện vọng vào Trường Đại học Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa . Mọi người nghĩ Nính viển vông khi một cô gái dân tộc thiểu số ăn còn không đủ no lại muốn theo con đường nghệ thuật. Trong khi, bạn bè cùng trang lứa Nính đã rục rịch lấy chồng, đẻ con, đi công ty, sắm sửa điện thoại, ti vi, mua áo quần cho bố mẹ, thì cuối tuần, cuối tháng Nính vẫn phải về nhà xách gạo xuống trường. Người cha kiệm lời chẳng buồn tranh luận, cứ lặng lẽ ủng hộ con gái. Ngày Nính trúng tuyển, ông Di đỡ tờ giấy trong tay, nâng niu như vật quý. Bởi, tài sản của ông chẳng có gì ngoài sự tự hào về các con.
Nính bây giờ đã được dân làng gọi là “cô giáo Nính”. Năm 2023, cô giáo Nính nhận công tác về Trường Tiểu học Trung Lý 2, trở thành cô giáo người Mông dạy nhạc đầu tiên của huyện Mường Lát. Tại đây, cô Nính được lãnh đạo nhà trường, đồng nghiệp giúp đỡ nhiệt tình để quen với môi trường mới, học sinh mới.
Trường Tiểu học Trung Lý 2 là ngôi trường thuộc diện khó khăn nhất của huyện Mường Lát, với 6 điểm trường và trên 90% học sinh là người Mông. Tại điểm trường chính ở bản Cò Cài, mỗi ngày cô Nính cứ luân phiên đến các điểm trường lẻ dạy nhạc. Điểm trường xa nhất tại bản Tà Cóm cách điểm trường chính gần 15km. Sự xuất hiện của cô giáo dạy nhạc người Mông tên Nính đã mang một làn gió mới vào sự nghiệp ươm mầm thế hệ mai sau ở vùng đất này. Bởi trong văn hóa Mông, âm nhạc là sự gửi gắm những lời chúc, răn dạy, biểu lộ tình cảm giữa con người với nhau, là những yếu tố toát lên sự tinh tế, sâu lắng trong tâm hồn. Những đứa trẻ người Mông luôn bị nhận xét là yếu về giao tiếp, thông qua âm nhạc có thể bộc lộ mong muốn của bản thân, dùng âm nhạc kéo gần khoảng cách văn hóa giữa các bạn học và thầy cô... Đặc biệt, người dẫn dắt lại là cô giáo sinh ra ở chính quê hương Mường Lát thì sự tiếp cận, trao gửi sẽ càng dễ dàng hơn. Mỗi lần nghe phụ huynh đưa con đến lớp, dặn “học giỏi để mai sau giống cô giáo Nính”, cô gái trẻ biết, cả nghề và người đã chọn đúng.
Chiều tối ập xuống núi thật nhanh, trong cái âm u, lạnh lẽo nơi núi rừng, tiếng hát Nính lại vang lên ấm áp theo lời bài hát “Say Mông dạy chữ”: Nghe tiếng sáo gọi bạn, gầu mông đang soạn bài/ Nghe tiếng khèn ngân dài, gầu mông mải dạy chữ/ Cho đàn em đàn em nhỏ đang chờ cô trên lớp/ Cô thật xinh đôi má hồng như hoa đào nở trên cành/ Ơ... gầu mông làm cô giáo/ Dạy chúng em tập viết này, tập vẽ này, tập múa, tập hát, dạy chúng em hiểu biết nhiều thứ, dạy chữ thật nhiều...
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/loi-ca-tren-non/30182.htm