Lời cảnh báo gay gắt

Theo cơ quan Liên hợp quốc, 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới. Nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thế nên, chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động là “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”, nhằm kêu gọi các quốc gia cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.

UNEP cảnh báo, hằng năm, trên toàn thế giới, có khoảng 5-7 triệu ha đất bị mất khả năng sản xuất do bị thoái hóa. Tình trạng thoái hóa đất ở Việt Nam cũng để lại hậu quả trên 15 triệu ha đất trống đồi trọc; trên 10 triệu ha xuất hiện hoang mạc hóa gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu người.

Sự xuất hiện một diện tích lớn đất có nguy cơ sa mạc hóa cao ở các khu vực Tây Bắc, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long là hệ lụy của các quá trình thoái hóa đất. Đáng lo ngại là khu vực Duyên hải miền Trung là vùng có phân bố diện tích đất cát biển, cồn cát kể cả di động lớn nhất cả nước nên nguy cơ sa mạc hóa là lớn. Ngoài ra, xâm nhập mặn, nước biển dâng diễn ra mạnh ở Đồng bằng sông Cửu Long là nguy cơ hiện hữu và tiềm ẩn thúc đẩy quá trình sa mạc hóa của vùng.

Các chuyên gia môi trường cảnh báo, thoái hóa đất gây ra sự suy giảm năng suất sinh học của đất, giảm độ che phủ của thực vật, giảm chất lượng và trữ lượng nguồn nước và ô nhiễm không khí. Trong khi chủ đạo quá trình sa mạc hóa ở nước ta là quá trình mất lớp phủ thảm thực vật rừng tự nhiên do nhiều nguyên nhân. Quá trình này không chỉ làm biến đổi khí hậu, làm mất đi năng suất sinh học nuôi sống con người mà còn dẫn đến nạn đói cùng tình trạng di cư, gây mất ổn định xã hội trên nhiều vùng lãnh thổ.

Trong bối cảnh hiện nay, không có cách nào khác, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng và thực hiện nghiêm túc các chương trình quốc gia bảo vệ môi trường, với sự chung tay vào cuộc toàn diện của các cấp, bộ, ban, ngành liên quan,. Trong đó, đặc biệt chú trọng các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, phát triển sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ hoặc bị sa mạc hóa.

Việc triển khai hữu hiệu các giải pháp giảm thiểu tác hại trên 33,115 triệu ha đất, với hơn 13,8 triệu ha rừng, gần 9,5 triệu ha đất trồng trọt và hơn 1 triệu ha đất (ngập nước) nuôi trồng thủy sản... không những bảo tồn, phát huy được tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái mà còn mang lại nhiều giá trị lớn hơn nữa về ngăn ngừa thoái hóa đất và hoang mạc hóa.

Các chuyên gia khuyến nghị, cần phải nâng cao công tác quy hoạch bảo vệ môi trường đất, quản lý sử dụng đất, để bảo đảm đất sản xuất nông nghiệp không bị ô nhiễm bởi các loại hình sử dụng đất khác, hạn chế các quá trình suy thoái môi trường đất cùng những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu lên môi trường đất, bảo đảm sản xuất và phát triển bền vững.

Các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế cần chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai phân loại, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất; xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định... Đồng thời, tăng cường bổ sung nguồn kinh phí, nguồn nhân lực, các phương tiện trong việc chống sa mạc hóa và hạn hán; tạo điều kiện cho người dân tham gia tiếp cận với các thông tin và kỹ thuật phòng tránh khô hạn và hoang mạc.

Bên cạnh đó, từng cá nhân, tập thể, cộng đồng... đang sử dụng tài nguyên đất cần nâng cao nhận thức và thay đổi cách hành xử với đất bằng hành động thực tế nhằm đẩy lùi nguy cơ thoái hóa đất.

Đó chính là nhiệm vụ thiết yếu đối với hành trình bảo vệ nguồn sống của nhân loại.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/loi-canh-bao-gay-gat-post476769.html