Lời cảnh báo sốc tới toàn nhân loại

Trong tháng qua, nhiệt độ bề mặt băng ở nhiều khu vực rộng lớn tại Nam Cực đã tăng tới 10 độ C so với mức trung bình hàng năm, dữ liệu thống kê cho biết.

 Bản đồ thể hiện nhiệt độ Nam Cực trong tương quan với trung bình giai đoạn 1991-2020. Ảnh: MetDesk.

Bản đồ thể hiện nhiệt độ Nam Cực trong tương quan với trung bình giai đoạn 1991-2020. Ảnh: MetDesk.

Thậm chí, ở một số ngày nhất định, con số chênh lệch lên tới 28 độ C, theo Guardian. Nhìn rộng hơn, nhiệt độ toàn cầu vừa trải qua 12 tháng nóng kỷ lục, thường xuyên vượt qua mốc 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp - mức được nhiều chuyên gia coi là “giới hạn đỏ”.

Theo ông Michael Dukes, Giám đốc phụ trách dự báo tại hãng dự báo thời tiết MetDesk, mô hình của các nhà khoa học khí tượng từ lâu đã dự báo vùng cực là nơi chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu do con người gây ra.

“Đây là ví dụ điển hình”, ông nói. “Thông thường, bạn không thể nhận ra xu hướng khí hậu chỉ từ một tháng. Tuy nhiên, điều này phù hợp với dự báo của các mô hình. Tại Nam Cực, hiện tượng ấm lên vào mùa đông và kéo dài vào những tháng hè thường dẫn đến việc các thềm băng sụp đổ”.

Tình trạng bất thường

Tháng 7/2024 là lần đầu tiên sau 14 tháng không ghi nhận mức kỷ lục mới về nhiệt độ. Tuy nhiên, đây là hệ quả của tình trạng nóng bất thường vào tháng 7/2023. Nhiệt độ tháng 7 vừa qua vẫn cao hơn 0,3 độ so với tất cả số liệu ghi nhận từ năm từ 2022 trở về trước.

Ông Zeke Hausfather, chuyên gia tại tổ chức khí tượng Berkeley Earth, cho biết tình trạng ấm lên tại Nam Cực “chắc chắn là một trong những nhân tố lớn nhất khiến nhiệt độ toàn cầu gia tăng trong những tuần qua”.

“Xét về tổng thể, Nam Cực đã ấm lên cùng với thế giới trong 50 năm qua”, ông nói. “Có thể nói phần lớn nguyên nhân khiến nhiệt độ gai tăng trong tháng qua là đợt nóng (tại Nam Cực).

Đợt nóng lần này là hiện tượng thứ hai được ghi nhận tại Nam Cực trong hai năm qua. Hồi tháng 3/2022, nhiệt độ có lúc cao hơn trung bình tới 39 độ C, khiến diện tích thềm băng ngang với thủ đô Rome (Italy) sụp đổ.

Nhiệt độ tại Nam Cực tăng cao ngay sau khi thế giới đối mặt với hiện tượng El Ninõ - vốn khiến nhiệt độ nóng lên trên khắp thế giới. Hai sự kiện trên nhiều khả năng có mối liên hệ với nhau, theo ông Dukes.

Các nhà khoa học cho biết nguyên nhân gây ra đợt nóng là hiện tượng xoáy cực (vùng áp suất thấp nằm gần các cực của Trái Đất) yếu đi. Bà Amy Butler (Cơ quan Hải dương và Khí tượng Mỹ) cho biết tác động của khí quyển làm suy yếu xoáy cực, khiến nhiệt độ ở các tầng không khí cao gia tăng vào năm nay.

 Thềm băng tại Nam Cực. Ảnh: NASA/New York Times.

Thềm băng tại Nam Cực. Ảnh: NASA/New York Times.

Ông Jamin Greenbaum, chuyên gia địa vật lý tại Đại học California San Diego (Mỹ), cho biết ông “lo ngại” về những gì xảy ra với Nam Cực trong những năm tới.

“Đa số các cuộc thám hiểm của tôi là tới phía Đông của Nam Cực, nơi tôi quan sát tình trạng băng tan xảy ra quanh năm”, ông Greenbaum nói. “Dù tôi đương nhiên cảm thấy báo động khi thấy các báo cáo cho thấy xoáy cực yếu đi gây ra tình trạng nóng lên trầm trọng, tôi không bất ngờ vì đây là hậu quả có thể dự báo trước của biến đổi khí hậu”.

Biến đổi khí hậu thêm khắc nghiệt

Viết trên mạng xã hội X, ông Jonathan Overpeak, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Michigan (Mỹ), nhân định đợt nóng “là dấu hiệu gây chấn động cho thấy biến đổi khí hậu đang bắt đầu thực sự gây ra biến đổi đối với hành tinh”.

Nhận định với Washington Post, ông Edward Blanchard, chuyên gia khí tượng tại Đại học Washington (Mỹ), cho rằng hiện tượng kể trên đã gần đạt mốc lịch sử. “Nhiều khả năng việc băng trên biển ít đi và Nam Băng Dương quanh Nam Cực ấm lên sẽ gây ra hiện tượng mùa đông ấm hơn khắp Nam Cực”, ông nói.

“Từ góc nhìn này, các đợt nóng lớn tại Nam Cực năm nay - nếu so với các năm ‘bình thường’ khi tình trạng băng trên biển ở mức trung bình - không phải điều quá bất ngờ”, ông Blanchard nói thêm.

Trong khi đó, ông Jonathan Wille, nhà nghiên cứu về khí hậu tại trường ETH Zürich (Thụy Sĩ) cho rằng đợt nóng lần này là hệ quả của “sự kiện ấm lên ở tầng bình lưu phía Nam” xảy ra trong khu vực.

“Đây là điều tương đối hiếm gặp tại Nam Cực. Do đó, chưa rõ bằng cách nào hiện tượng trên ảnh hưởng tới điều kiện trên bề mặt lục địa”, ông nói. “Thật thú vị khi thấy tác động đã lan rộng đến mức độ như vậy”.

Ông Wille nhận định mật độ xảy ra các đợt nóng tại Nam Cực ngày càng tăng, tuy nhiên vẫn chưa rõ mức độ đóng góp của cuộc khủng hoảng khí hậu tác động vào tình hình hiện nay.

“Chúng ta cần chờ các nghiên cứu để tìm ra câu trả lời”, ông cho biết.

Việt Hà

Nguồn Znews: https://znews.vn/loi-canh-bao-soc-toi-toan-nhan-loai-post1489816.html