Nguy cơ đảo lộn thời gian toàn cầu

Việc băng tan do biến đổi khí hậu đang làm chậm quá trình quay của hành tinh và có thể làm gián đoạn lưu lượng truy cập Internet, giao dịch tài chính cùng GPS.

 Phân tích cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến mỗi ngày trở nên dài hơn. Ảnh: Alamy Stock Photo.

Phân tích cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến mỗi ngày trở nên dài hơn. Ảnh: Alamy Stock Photo.

Phân tích cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến mỗi ngày trở nên dài hơn vì băng ở hai cực tan chảy, nước băng chuyển từ vùng cực tới xích đạo, thay đổi hình dáng Trái Đất và làm chậm vòng quay của hành tinh.

Các nhà khoa học cho biết hiện tượng này là minh chứng rõ ràng cho thấy hành động của con người đang làm biến đổi Trái Đất - ngang với các quá trình tự nhiên đã tồn tại hàng tỷ năm.

Sự thay đổi về độ dài ngày, chỉ tính bằng mili giây (một mili giây bằng 1/1000 của một giây), nhưng đủ để gây gián đoạn lưu lượng truy cập Internet, giao dịch tài chính và định vị GPS - những thứ đều phụ thuộc vào việc theo dõi thời gian chính xác, theo Guardian.

Khủng hoảng khí hậu khiến ngày dài hơn

Số giờ, phút và giây tạo thành mỗi ngày trên Trái Đất được quyết định bởi tốc độ vòng quay của hành tinh, chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố.

Giới khoa học cho rằng các yếu tố tác động đến tốc độ quay của Trái Đất bao gồm sức níu từ Mặt Trăng, sự thay đổi hình dáng của Trái Đất do chóp băng ở hai cực thu nhỏ lại kể từ kỷ băng hà gần đây nhất, tương tác điện từ giữa lớp vỏ và lõi Trái Đất, cùng sự thay đổi của mực nước biển.

 Sự thay đổi về độ dài ngày, chỉ tính bằng mili giây, nhưng đủ để gây gián đoạn lưu lượng truy cập internet, giao dịch tài chính và định vị GPS. Ảnh: Bloomberg.

Sự thay đổi về độ dài ngày, chỉ tính bằng mili giây, nhưng đủ để gây gián đoạn lưu lượng truy cập internet, giao dịch tài chính và định vị GPS. Ảnh: Bloomberg.

Độ dài của ngày trên Trái Đất vốn tăng đều đặn theo thời gian địa chất do lực hấp dẫn của Mặt Trăng đến các đại dương và đất liền trên hành tinh. Theo CNN, trong suốt thiên niên kỷ, tác động của Mặt Trăng vẫn trội hơn. Lực hút Mặt Trăng khiến đại dương phình về phía nó, làm chậm vòng quay của Trái Đất.

Nhưng điều đó có thể thay đổi. Nếu thế giới tiếp tục ô nhiễm, biến đổi khí hậu sẽ trở thành yếu tố chi phối mới, vượt qua vai trò của Mặt Trăng.

Sự tan chảy của các tảng băng Greenland và Nam Cực - do sự nóng lên toàn cầu - đã phân phối lại lượng nước ở vĩ độ cao. Nước băng tan chảy từ vùng cực tới xích đạo, dẫn đến nhiều nước hơn ở vùng biển gần đường xích đạo.

Điều này thay đổi hình dạng của hành tinh, khiến nó phẳng hơn ở vùng cực và phình hơn ở giữa, làm chậm vòng quay của hành tinh và kéo dài ngày hơn nữa.

Tác động của con người lên hành tinh cũng được chứng minh gần đây bằng nghiên cứu cho thấy sự phân phối lại nước khiến trục quay của Trái Đất - cực Bắc và cực Nam - dịch chuyển. Các nghiên cứu khác cũng tiết lộ lượng khí thải carbon của con người đang làm thu hẹp tầng bình lưu.

“Chúng ta có thể thấy tác động của con người lên toàn bộ hệ thống Trái Đất, không chỉ cục bộ, như nhiệt độ tăng, mà còn thực sự tác động gốc rễ, làm thay đổi cách Trái Đất chuyển động trong không gian và vòng quay”, giáo sư Benedikt Soja của ETH Zurich tại Thụy Sĩ cho biết.

“Do lượng khí thải carbon, chúng ta đã làm điều này chỉ trong 100-200 năm. Trong khi các quá trình điều tiết trước đây diễn ra trong hàng tỷ năm. Điều đó thật đáng kinh ngạc”, ông nhấn mạnh.

Thay đổi quan trọng

Việc tính giờ của con người dựa trên đồng hồ nguyên tử vốn rất chính xác. Tuy nhiên, thời gian chính xác của một ngày - tương ứng một vòng quay của Trái Đất - thay đổi do tác động của thủy triều theo Mặt trăng, khí hậu và một số yếu tố như sự phục hồi chậm của lớp vỏ Trái Đất sau khi tảng băng hình thành từ kỷ băng hà cuối cùng rút đi.

Những khác biệt này phải được tính đến.

 Sự thay đổi về độ dài ngày có thể làm đảo lộn cuộc sống hiện đại. Ảnh: Jason Alden/Bloomberg.

Sự thay đổi về độ dài ngày có thể làm đảo lộn cuộc sống hiện đại. Ảnh: Jason Alden/Bloomberg.

“Tất cả trung tâm dữ liệu điều hành Internet, truyền thông và giao dịch tài chính đều dựa trên thời gian chính xác. Chúng ta cũng cần có kiến thức chính xác về thời gian cho việc định vị, đặc biệt là đối với vệ tinh và tàu vũ trụ”, Soja nhấn mạnh.

Nghiên cứu, được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, sử dụng phương pháp quan sát và tái dựng bằng máy tính để đánh giá tác động của băng tan đối với độ dài ngày.

Tốc độ ngày chậm lại thay đổi từ 0,3 đến 1,0 mili giây/thế kỷ (ms/cy) từ năm 1900 đến năm 2000. Tuy nhiên, kể từ năm 2000, khi tốc độ tan chảy băng tăng tốc, tốc độ thay đổi cũng tăng tốc lên 1,3ms/cy.

“Tốc độ hiện tại có khả năng cao hơn bất cứ thời điểm nào trong vài nghìn năm qua”, các nhà nghiên cứu cho biết.

"Tốc độ này dự kiến duy trì ở mức xấp xỉ 1,0 ms/cy trong vài thập kỷ tới, ngay cả khi lượng khí thải nhà kính bị hạn chế nghiêm ngặt". Và nếu không cắt giảm khí thải, tốc độ ngày chậm lại sẽ tăng lên mức 2,6 ms/cy vào năm 2100. Yếu tố này sẽ vượt qua cả ảnh hưởng thủy triều từ Mặt Trăng để trở thành yếu tố chính dẫn đến sự thay đổi dài hạn về độ dài ngày.

“Nghiên cứu này là bước tiến lớn vì nó xác nhận rằng tình trạng mất băng đáng lo ngại mà Greenland và Nam Cực đang phải trải qua có tác động trực tiếp đến độ dài ngày, khiến ngày của chúng ta dài ra”, tiến sĩ Santiago Belda của Đại học Alicante ở Tây Ban Nha, nói.

“Sự thay đổi về độ dài ngày này có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với cách chúng ta đo thời gian mà còn đối với GPS và các công nghệ khác chi phối cuộc sống hiện đại của chúng ta”, ông cho hay.

Minh An

Nguồn Znews: https://znews.vn/loi-canh-bao-toi-toan-cau-post1486644.html