Trong bộ sưu tập tranh Tết do Maurice Durand sưu tầm từ năm 1940 ở Hà Nội, một số lượng đáng kể tranh chúc tụng, thể hiện ước vọng của nhân dân cho năm mới an lành, thịnh vượng.
Trong không gian của ngày Tết cổ truyền xưa, người Việt chơi tranh Tết khá đa dạng và tùy thuộc điều kiện của mỗi người, hoặc theo phong tục, tập quán của mỗi vùng miền. Sách Tranh dân gian Việt Nam sưu tầm và nghiên cứu (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM tái bản lần một, năm 2021) giới thiệu một bộ sưu tập tranh Tết do Maurice Durand sưu tầm từ năm 1940 ở Hà Nội. Trong bộ sưu tập này, một số lượng đáng kể tranh chúc tụng năm mới, trong đó có tranh chúc tụng thể hiện bằng câu chữ trực tiếp... Trong ảnh là chữ Phúc và chữ Đức viết theo lối cách điệu và các chữ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, Phú, Quý, Lộc, Khang, Ninh.
Bên cạnh đó, tranh chúc tụng năm mới được trình bày bằng những câu ngắn gọn xung quanh việc cầu chúc giàu sang, lợi lộc. Trong ảnh là tranh đứa bé ôm trái bầu với dòng chữ “Tích ngọc đôi kim” (vàng ngọc chất đống).
Tranh vị quan văn cầm chữ “tấn lộc” - bổng lộc ngày càng tăng (bên phải) và tranh vị quan văn cầm chữ “tấn tài” - của cải ngày càng nhiều.
Đây là một phiên bản khác của tranh vị quan văn tay cầm chữ “tấn lộc”, “tấn tài”.
Các lời cầu chúc về tài, lộc đôi khi được sánh với chức vị cao sang và con cháu đông đúc (cao lộc thăng vị). Đây là tranh 2 đứa trẻ, đứa lớn ẵm đứa bé, trên tay cầm sách, có chữ “đinh tài tương vượng” - sinh được quý tử và giàu sang thịnh vượng. Phía dưới có cái hũ, bên ngoài đề chữ Kim (vàng, bạc).
Các lời chúc thọ được sử dụng rất thường xuyên và được kết hợp với chữ giàu sang, phú quý và sinh nhiều con cái. Điều này được thể hiện qua hai chữ đơn giản “trường sinh” hoặc được trình bày một cách phức tạp và đậm chất thơ hơn, kiểu “Đào hiến thiên xuân” (đào dâng nghìn mùa xuân), hay như trong ảnh là “Phú quý vinh hoa vạn vạn niên” (phú quý vinh hoa hàng vạn năm).
Những lời cầu chúc quan trọng nhất là có con cháu nối dõi tông đường, thường được thể hiện qua hình ảnh quả lựu hoặc trẻ em khỏe mạnh, chẳng hạn “Lựu khai bách tử” (quả lựu nở ra trăm con), “Nhất gia hòa khí tử tôn hiền” (Gia đình hòa thuận; con cháu ngoan hiền). Hoặc lời cầu chúc này cũng được lồng với các mẫu câu như: “Đắc thọ đa nam tử” - được trường thọ và có nhiều con trai (tranh bên phải); “Hữu phúc khán nhi tôn” - có phúc sống lâu để nhìn thấy con cháu (tranh bên trái).
Bên cạnh loại tranh chúc tụng thể hiện bằng câu chữ trực tiếp, còn có loại tranh cầu chúc năm mới chứa đầy ẩn ý được minh họa qua hình ảnh hoa, quả, động vật, đồ vật và con người. Để hiểu được ý nghĩa của loại tranh này cần phải biết đến tính ước lệ và biểu trưng của chúng. Ví dụ, chim công là biểu tượng của hòa bình và phồn vinh, chim hạc và rùa biểu trưng cho sự trường thọ, tranh lợn biểu tượng cho sự phồn thịnh… Ở tranh bên trái, hình ảnh quả đào tượng trưng cho sự trường thọ; quả lựu nhiều hạt tượng trưng cho ước mong sinh sôi nảy nở, có nhiều con cháu.
Hai đứa trẻ đội trái đào, lựu trên đầu với ý nghĩa như trên.
Trong ảnh là tranh con cóc (loại ba chân) tượng trưng cho sự đỗ đạt trong thi cử.
Bên cạnh những loại tranh chúc tụng năm mới trên, còn có tranh chúc tụng thể hiện qua sự vật hiện tượng có tên gọi đồng âm. Tranh chúc tụng thuộc dạng này rất được ưa chuộng, thể hiện qua tranh dân gian và thường tạo nên các dạng chơi chữ khá tinh tế. Ví dụ, hình ảnh gà trống kê, đồng âm với chữ cát mang nghĩa (cát tường, tốt lành). Tranh vẽ cái bình cũng thể hiện mong ước được bình an vì cái bình gợi liên tưởng đến chữ bình (bình an). Trong ảnh là tranh cá (ngư) dùng để cầu chúc ấm no, đầy của cải.
Chữ Điệp (con bướm) đồng âm với chữ Điệt điệt (chỉ người già bảy tám mươi tuổi) được sử dụng để thể hiện lời cầu chúc sống lâu, trường thọ.