Lời cuối của 'Vua Mặt trời'
'Cháu bé, một ngày nào đó, cháu sẽ là một nhà vua vĩ đại. Nhớ, đừng bắt chước tính hiếu thắng của ta. Cháu hãy cư xử theo ý Chúa, và khiến thần dân của cháu xưng tụng Người. Ta đau lòng vì đã đẩy con dân của ta vào tình trạng hiện tại như thế này'. Ngày 1-9-1715, sau khi nói những lời trối trăng cay đắng ấy với người chắt mới 5 tuổi, vị vua được xem là vĩ đại nhất trong lịch sử phong kiến nước Pháp (trước Napoleon I) trút hơi thở cuối cùng.
Ngổn ngang ngày tạ thế
Vị hoàng tôn 5 tuổi được nghe những điều gửi gắm cuối cùng đó của Louis XIV – Vua Mặt trời (le Roi Soleil) của nước Pháp – cũng lập tức được đưa lên ngôi, để trở thành Louis XV. Điều đó cũng có nghĩa là Louis XV buộc phải thừa kế một “gia tài thảm họa” từ vị tiên vương danh tiếng lẫy lừng của mình.
Louis XIV mất đi khi những ánh hào quang rực rỡ dành cho nước Pháp mà ông đã gây dựng được trong suốt 72 năm ở ngôi trước đó xem như đã phụt tắt. Năm 1704, quân đội Pháp do đích thân ông chỉ huy bị liên quân Anh – Áo – Phổ đánh tan tác tại Blenheim, rồi năm 1706 tiếp tục đại bại ở trận Ramilies. Pháp thảm bại trong Chiến tranh giành quyền kế vị Tây Ban Nha – cuộc chiến kết thúc vào năm 1714, nghĩa là một năm trước khi Louis XIV tạ thế.
Louis XIV – nhà vua có thời gian trị vì nước Pháp lâu nhất trong lịch sử, với 72 năm.
Trong khi đó, hai mươi năm cuối đời Louis XIV, nền kinh tế của nước Pháp suy kém dần, đặc biệt là sau khi Bộ trưởng Tài chính Jean Baptise Colbert qua đời (1682). Đồng thời, do liên tiếp phát động chiến tranh, quốc lực của nước Pháp cũng luôn phải chịu những áp lực cực lớn từ những khoản chi phí quân sự - điều mà rút cục, mọi nền kinh tế đều sẽ đạt đến ngưỡng giới hạn (như nước Mỹ ở hiện tại vừa chứng minh bằng việc triệt thoái hoàn toàn binh sĩ khỏi Afghanistan).
Ở đây, cần phải nói rõ: Việc “Vua Mặt trời” bổ nhiệm và trọng dụng Colbert vào vai trò “người giữ tay hòm chìa khóa” quản trị tài chính quốc gia khi đã trưởng thành để có thể chính thức rời khỏi cái bóng của mẹ - hoàng hậu nhiếp chính Anne d’Autriche (Anne nước Áo) - cũng như hồng y giáo chủ kiêm tể tướng gốc Ý Julio Manzarini , đã thay đổi hoàn toàn cơ chế kiểm soát tài chính mục nát và thiếu hiệu quả từ thời vua cha Louis XIII. Tuy nhiên, những tham vọng chinh phục và sự xa xỉ sau này của Louis XIV lại tạo ra các cuộc khủng hoảng khác.
Louis XIV thực sự là một bậc minh quân, trong những quãng thời gian trị vì mà ông sung sức nhất. Ông chăm chỉ làm việc với triều thần, chịu khó lắng nghe họ, và tuyên ngôn: “Công việc làm vua thì vĩ đại, cao thượng và thú vị”.
Tuy vậy, ông cũng thích hưởng lạc, và lại thích cả chinh phạt. Ông xây dựng một đạo quân cho nước Pháp, với quy mô lên tới 10 vạn lính trong thời bình – 40 vạn lính trong thời chiến. Đó là đội quân lớn nhất và hùng mạnh nhất châu Âu vào thời điểm ấy.
Tất yếu, các trung tâm quyền lực khác của châu Âu quyết định phải kiềm chế bớt sức mạnh của nước Pháp. Trong số “liệt cường” chống lại tham vọng bá chủ mà Louis XIV theo đuổi, lần lượt có Áo, Phổ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Thụy Điển, và dĩ nhiên là cả Anh quốc – kình địch truyền kiếp bên kia eo biển Manche. Cũng gần giống như Napoleon Bonaparte về sau, Louis XIV và nước Pháp khá lẻ loi trên trường quốc tế.
Versailles – một dấu ấn, một nỗi niềm
Louis XIV là một danh nhân tương đối phức tạp, đặc biệt là để đánh giá. Chắc chắn ông không được nhớ đến nhiều về tài năng quân sự, nhưng lại là người có công lớn xây dựng nên một quân đội Pháp được cả châu Âu nể sợ, bằng ý chí sắt đá của mình.
Nhà vua không đặc biệt thông minh, nhưng lại có một thứ tài năng riêng, nhất là trong cách dùng người. Bên cạnh Bộ trưởng Tài chính Colbert, ông còn trọng dụng Thống chế Tourene, một vị tướng giỏi.
Không chỉ vậy, dù xa xỉ và ham hưởng thụ, nhưng ông biết thưởng thức nghệ thuật, thanh lịch và hào hoa, ưa thích được tán dương và biết cư xử rất khéo léo với mọi người, nam cũng như nữ. Hơn hết, nhờ tập trung quyền lực vào một kiểu “chế độ cũ” (ancient régime) tập quyền, ông giúp nước Pháp trật tự và hòa bình trong một thời gian dài. Dù vậy, nhà vua lại thiếu tôn trọng nền tự do cá nhân, thậm chí đàn áp giáo dân Tin Lành khiến cho hàng ngàn thương gia và thợ thủ công tài giỏi phải bỏ xứ ra đi. Tuy khuyến khích công nghệ, nhưng Louis XIV chưa thật sự nỗ lực giúp cho nền thương mại của nước Pháp phát triển.
Vậy là cuối cùng, khi “cái quan định phận”, dấu ấn lớn nhất mà ông để lại chính là việc đưa nước Pháp trở thành chuẩn mực, thành trung tâm văn hóa cung đình mà cả châu Âu ngưỡng mộ, thành cái nôi thời trang cũng như ngành làm đẹp của cả thế giới. Nói như Voltaire, ông là “nhân vật trung tâm của một thời đại rực rỡ về văn hóa và nghệ thuật”, mà dấu ấn tiêu biểu là Cung điện Versailles, một công trình kiến trúc diễm lệ và kỳ vĩ.
Cung Điện Versailles – một kỳ quan kiến trúc.
Versailles, trong sâu thẳm, có lẽ là điểm kết tụ cũng như giải tỏa những uẩn ức của một “nhà vua tí hon” mà văn hào Pháp Alexandre Dumas (cha) từng khắc họa trong 20 năm sau. Louis XIV trở thành nhà vua của nước Pháp khi còn rất nhỏ là thật. Chuyện mẹ ông cùng Tể tướng hồng y Manzarini (tên Pháp là Manzarin) khuynh loát triều chính trong vai trò nhiếp chính là thật. Phong trào nổi dậy của những hoàng thân đối lập – Les Fronder – là thật, và chuyện ông từng phải tiếp đại biểu của đám dân chúng nổi loạn ngay trong hoàng cung, với súng đạn từ bên ngoài chĩa vào các ô cửa sổ, cũng là hiện thực.
Khi trưởng thành và tiếp nhận đầy đủ quyền lực, “nhà vua tí hon” ngày nào ấy của nước Pháp trở nên cứng rắn, cứng rắn đến độ sẵn sàng tuyên bố một câu kinh điển cho hình thái quân chủ tập trung: “L’Etat c’est moi!” (Quốc gia là trẫm). Ông thu hẹp quyền lực của giới đại công hầu, và cất nhắc những đại diện của tầng lớp bình dân vào các vị trí hành chính.
Và ông căm ghét Paris. Paris đã từng đe dọa ông, từng khiến ông phải nhũn nhặn từ khi còn bé. Paris từng sẵn sàng nổi dậy dựng những chiến lũy trên đường phố nhằm chống lại vương quyền. Vì thế, ông ra lệnh xây cung điện Versailles.
Sau khi hoàn tất năm 1862, triều đình hoàng gia Bourbon được chính thức dời về đây. Tòa lâu đài này có thể chứa 5.000 nhà quý tộc, còn 5.000 người khác sinh sống tại các vùng lân cận. Cung điện Versailles có một chủ đích chính trị khác: Khiến cho giới quý tộc hoàn toàn phụ thuộc vào nhà vua. Các bậc công hầu đã phải rời bỏ đất phong, giao tài sản cho các con hay các người quản lý trông nom, còn chính mình phải thường trực sinh sống trong cung điện hoàng gia, phải trả giá rất đắt cho các lễ nghi và giao tế cung đình. Trong các sinh hoạt vương giả này, chỉ một câu nói của nhà vua như “Ta không thấy mặt ông ta ở triều đình nữa” có thể khiến cho một nhà quý tộc danh giá nhất thân bại danh liệt. Ngược lại, mọi nhà quý tộc đều mong muốn được tham dự “triều chính” và “yến tiệc”, bởi vì ở đó, nhà vua có thể ban cho họ các ân huệ hay đặc quyền.
Có điều, bên cạnh những cuộc chiến, chính Versailles và guồng máy cung phụng xa hoa dành cho nó cũng là một “cỗ máy đốt tiền” của ngân khố hoàng gia Pháp. Và vì vậy, câu trối trăng cuối cùng mà “Vua Mặt trời” để lại càng thêm nhiều dư vị ngậm ngùi…
* Cung điện Versailles được xem là tinh hoa nghệ thuật kiến trúc thế giới với nhiều chuẩn mực như: tính đối xứng; các hành lang nhiều cột; các công trình nghệ thuật lấy cảm hứng từ truyền thuyết và nghệ thuật cổ đại; xen vào sự chính xác này là một số nét nghệ thuật baroque. Điện Versailles không có thành lũy. Nó được xây giữa đồng trống, để chứng tỏ rằng một đấng quân vương đủ quyền lực không cần đến hào và tường thành để bảo vệ.
* Tên gọi “Vua Mặt trời” bắt nguồn từ vở múa ballet đầu tiên mà Louis XIV tham gia biểu diễn. Vị vua nhỏ khi ấy đóng vai Apollo, vị thần mặt trời trong thần thoại Hy Lạp. Louis XIV thích cái tên này đến mức chọn luôn biểu tượng mặt trời làm phù hiệu hoàng gia của mình. Ngoài ra, khi còn nhỏ, ông còn mang biệt danh Louis-Dieudonne (Louis Chúa ban), do phụ vương Louis XIII và hoàng mẫu Anne D’Autriche quá hiếm muộn.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/loi-cuoi-cua-vua-mat-troi-i628406/