Lời dặn dò tâm huyết của thầy cô trước khi học sinh bước vào kỳ thi THPT
Trong 2 ngày 7 và 8/7/2022, hơn 1 triệu sĩ tử trên cả nước sẽ bắt đầu kỳ thi THPT Quốc gia năm 2022. Bước vào kỳ thi quan trọng này, tâm lý các thí sinh không tránh khỏi lo lắng. Giáo viên Hệ thống giáo dục Hocmai đưa ra những lời dặn dò hết sức tâm huyết và ý nghĩa dành cho các học trò.
TS Trịnh Thu Tuyết: Rà soát lại một lần nữa những đơn vị kiến thức cơ bản
Chỉ còn vài ngày nữa, các em thực sự bước vào kì thi Tốt nghiệp THPT, với môn thi đầu tiên là môn Ngữ văn, áp lực với kì thi nói chung, với môn Ngữ văn nói riêng là không tránh khỏi. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm "lúa sắp gặt, trái sắp chín", công sức bao lâu sắp hiện trong thành quả của một kì thi thành công, và cô chỉ muốn nhắc các em vài điều cụ thể sau đây:
1. Thay vì lo lắng và áp lực, các em cần tích cực rà soát lại một lần nữa những đơn vị kiến thức cơ bản trong chương trình Ngữ văn lớp 12, ghi nhớ những giá trị nội dung và nghệ thuật chính của mỗi bài.
2. Tự kiểm tra lại hệ thống kỹ năng đáp ứng từng kiểu loại câu hỏi trong đề thi. Các em nên ôn tập theo các đơn vị kiến thức cơ bản trong mô hình đề thi mấy năm nay với ba phần: kiểu bài Đọc hiểu / viết đoạn văn nghị luận xã hội / viết bài văn nghị luận văn học.
Phần Đọc hiểu luôn gồm một ngữ liệu đọc hiểu và 4 câu hỏi đọc hiểu được sắp xếp theo các cấp độ nhận thức từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng tới vận dụng cao. Các em cần nhận ra những tín hiệu của từng kiểu loại câu hỏi để có phương pháp trả lời phù hợp, tránh trả lời thừa hoặc thiếu. Ví dụ: câu hỏi nhận biết thường tập trung vào hai yêu cầu: hoặc yêu cầu xác định một đặc điểm của hình thức văn bản như thể thơ/ phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt…; hoặc yêu cầu tìm những chi tiết thuộc về nội dung văn bản phù hợp với nội dung định hướng trong câu lệnh – khi làm bài, học sinh cần đọc kỹ ngữ liệu, xác định đúng đặc điểm hình thức văn bản hoặc chi tiết nội dung văn bản, không phân tích diễn giải.
Câu hỏi thông hiểu thường yêu cầu giải thích cách hiểu nội dung một khái niệm/ nhận định/câu văn/ câu thơ…trong văn bản. Học sinh cần giải thích nghĩa đen/ nghĩa bóng, nghĩa ẩn dụ, biểu tượng ( nếu có) của khái niệm/ nhận định…
Câu hỏi vận dụng thường yêu cầu xác định và phân tích giá trị của biện pháp tu từ, tác dụng của việc sử dụng từ ngữ ... trong văn bản trong câu/ đoạn văn bản. Học sinh cần vận dụng kiến thức tiếng Việt, tu từ học, văn học, cuộc sống… để xác định đúng và phân tích giá trị biểu đạt và giá trị biểu cảm…
Câu hỏi vận dụng cao thường yêu cầu thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, thái độ và nhất là quan điểm cá nhân trước một nhận định/ thông điệp/ vấn đề đặt ra trong văn bản đọc hiểu. Với dạng câu hỏi yêu cầu thể hiện cảm xúc, suy nghĩ về một hiện tượng, sự việc…, học sinh cần trả lời ngắn gọn, chân thành, trung thực những suy nghĩ, xúc cảm cá nhân, tránh khuôn mẫu, sáo rỗng, hô khẩu hiệu… Với dạng câu hỏi “Anh/chị có đồng tình…?/ Vì sao”, học sinh cần xác định đúng suy nghĩ, nhận thức của mình để luận bàn cho thấu đáo, chặt chẽ. Hoàn toàn có thể xuất hiện nhiều phương án: đồng tình/ không đồng tình/ đồng tình nhưng có giới hạn, điều kiện, ngoại lệ…. Phần quan trọng nhất là trả lời câu hỏi “Vì sao?” với lập luận chặt chẽ và trung thực, thuyết phục.
Câu viết đoạn văn nghị luận xã hội luôn có nội dung nghị luận quan hệ hữu cơ với nội dung chính của ngữ liệu đọc hiểu. Học sinh cần đặc biệt chú ý đảm bảo hai yêu cầu về nội dung và hình thức của đoạn văn: Về nội dung, chỉ nghị luận một khía cạnh, một bình diện của vấn đề (nguyên nhân/ ý nghĩa/ hậu quả/ giải pháp/ bài học…); về hình thức, cần viết đúng cấu trúc đoạn, viết đúng dung lượng theo yêu cầu trong câu lệnh của đề bài…
Bài nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất trong đề thi, đòi hỏi các em dành nhiều nhất thời gian và tâm sức. Cần xác định chính xác yêu cầu nghị luận thể hiện trong đề bài, đặc biệt trong câu lệnh, phác sơ lược hướng triển khai nội dung nghị luận để quá trình viết không lan man hoặc sơ sài. Nếu đoạn văn Nghị luận xã hội cần sự thể hiện cái tôi bản lĩnh, trung thực thì bài Nghị luận văn học rất cần khả năng cảm nhận tinh tế, sự phân tích sâu sắc và tình cảm chân thành.
Thầy giáo Lưu Huy Thưởng (Giáo viên môn Toán) : Lưu ý 4 chiến thuật làm bài
Chuẩn bị trước khi thi: Các em cần chuẩn bị đầy đủ các loại bút (bút bi, bút chì, gọt bút chì, tẩy) 3 - 5 cái; phiếu dự thi, máy tính, CMTND/CCCD, đồng hồ (phải có để canh chiến thuật làm bài), 1 chai nước (350 - 500ml) đã bóc nhãn.
Tất cả cho hết vào 1 túi đựng tài liệu (Clear bag). Kinh nghiệm khi đi thi, lúc nộp bài đôi khi nhốn nháo, rất dễ bị "hack" mất đồ.
Chiến thuật làm bài:
- DỄ TRƯỚC - KHÓ SAU: Mặc dù đề thi đã được sắp xếp từ dễ đến khó. Nhưng điều này chỉ mang tính chất tương đối. Có bạn giỏi Hình, có bạn lại sợ Hình.Cần làm chắc chắn, chính xác. 30 câu đầu
- NHÁP CẨN THẬN - KHOANH VÙNG RÕ RÀNG: Nháp xong 1 câu thì cách ra 1 chút rồi nháp câu tiếp.
- TÔ ĐÁP ÁN: Làm xong câu nào là tô luôn câu đó. Tránh tính trạng cuối giờ cuống lại 1 câu tô 2 đáp án. Hoặc khi làm ra A nhưng lại tô B do...nhìn nhầm
- CẢM XÚC LẦN ĐẦU RẤT QUAN TRỌNG: Có những lỗi sai ngớ ngẩn mà đôi khi kiểm tra lại cũng không phát hiện ra là mình sai. Bởi lẽ, lúc làm bài, ta đã ghi vào não "Nó là đúng" nên việc kiểm tra bước sau não thường hay bỏ qua. Ví dụ: 2+3 nhiều khi đi thi lại thành 6. Và khi kiểm tra lại thì não cũng bỏ qua bước này vì nghĩ nó quá dễ, sai làm sao được!!!
Tối ưu hóa điểm số dựa trên mục tiêu
MỤC TIÊU 8-8,5 ĐIỂM: 45 phút đầu tiên làm hết 30 câu, 45 phút còn lại làm 20 câu còn lại (thực ra làm 10-13 câu còn lại) 7 câu cuối lụi.
MỤC TIÊU 9-9+ ĐIỂM: 45 phút đầu xong 40 câu, 45 phút còn lại dành cho 10 câu.
TS Nguyễn Thành Nam - Giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự: Ưu tiên luyện tập chiến thuật làm bài thi
Chỉ còn vài ngày nữa là đến kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia, để có được sự chuẩn bị tốt nhất, các em cần lưu ý một số điểm sau đây:
Về sức khỏe, cần phải giữ sức khỏe ổn định bằng cách sinh hoạt điều độ. Không nên thức quá khuya, dậy quá sớm, và cần đảm bảo ngủ đủ giấc. Hạn chế những hành động có thể làm mất ổn định hoặc gây ra vấn đề cho sức khỏe, như vận động quá sức, ăn uống quá nhiều. Tránh ăn những loại thực phẩm lạ, khó tiêu hóa, hoặc dễ gây tiêu chảy, ngộ độc. Tóm lại giống như vận động viên trước khi thi đấu, các em cần phải giữ sức khỏe ở trạng thái tốt nhất có thể.
Về việc ôn thi, không nên tập trung vào học kiến thức mới nữa, mà nên ưu tiên luyện tập chiến thuật làm bài thi. Nên luyện tập trên một số đề thi chuẩn, và dựa vào mục tiêu điểm số của mình để kiểm soát thời gian cho hợp lí. Trong quá trình làm đề, cần lưu ý hoàn thiện kĩ thuật tính toán sao cho nhanh và chính xác. Tuyệt đối tránh việc phải tính đi tính lại nhiều lần một phép tính.
Trong quá trình làm bài thi, không nên quá suy nghĩ về những phần đã thi xong, mà nên tập trung vào phần đang làm. Nếu cảm thấy đề thi khó hơn mức bình thường thì cũng không cần phải lo lắng, vì điều này là hết sức bình thường. Trong trường hợp đề thi được nâng cao hơn về độ khó thì đó là cái khó chung, nên về cơ bản sẽ không làm thay đổi thứ hạng và kết quả tuyển sinh vào đại học của các thí sinh nên không cần phải bận tâm. Cần giữ trạng thái tâm lý ổn định và sự tập trung cao độ mới có thể đạt được kết quả tốt nhất.
Cuối cùng, thầy chúc các em tham gia kỳ thi trong trạng thái tốt nhất, gặp nhiều may mắn trong quá trình thi, và đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi hết sức quan trọng này!
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hương (Cô Hương Fiona) - Giáo viên môn Tiếng Anh - Hệ thống Giáo dục HOCMAI: Làm thật chính xác và hiệu quả về mặt thời gian
Với bộ môn tiếng Anh, trong những năm thi gần đây, đề thi được giữ nguyên cấu trúc, dạng bài từ đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc ôn thi của các em. Các em học sinh hãy nắm chắc cấu trúc đề, ôn thật kĩ từng dạng câu hỏi theo chuyên đề giống với đề minh họa của Bộ giáo dục, và chú ý độ khó của từng dạng bài.
Dạng bài đọc hiểu và đọc điền vốn là 2 dạng bài gây khó khăn nhất cho các em học sinh thi môn Tiếng Anh, lời khuyên của cô là hãy làm thật chính xác và hiệu quả về mặt thời gian cho những dạng bài còn lại trước, từ đó mình có thêm nhiều thời gian hơn cho 2 dạng bài này.
Với các bạn học sinh đặt mục tiêu 8 điểm, các em chỉ được phép “không chắc chắn” trong tầm 10 câu. Ở mức điểm này các bạn cần nắm thật vững các chuyên đề ngữ pháp, làm thành thục và tuyệt đối chính xác những câu hỏi này, tránh các lỗi sai đáng tiếc. Ở những dạng bài nâng cao về từ vựng, cố gắng hoàn thành tốt dạng bài đoán nghĩa ở bài Đồng nghĩa, trái nghĩa. Phần từ vựng khó như các câu hỏi về thành ngữ, cụm từ, ngữ động từ, từ vựng nâng cao… cố gắng chọn phương án tốt nhất theo đánh giá và năng lực của bản thân. Bài đọc điền, đọc hiểu hãy giải quyết chính xác những câu hỏi về ngữ pháp hay các câu hỏi về thông tin chi tiết, đại từ thay thế, từ vựng, đúng sai.
Với các bạn đạt mục tiêu điểm 9,10, các em chỉ được phép “không chắc chắn” không quá 5 câu hỏi. Để đạt được mức điểm này cần làm tuyệt đối chính xác các câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Các câu hỏi vận dụng cao rơi vào câu về từ vựng nâng cao, câu hỏi suy luận và câu hỏi chủ đề của đọc hiểu.
Cô Thiều Thị Dung (giáo viên môn Vật lý) : Tránh căng thẳng dẫn đến những sai sót không đáng có
Để đạt được kết quả tốt nhất nhất với bài thi tốt nghiệp THPT môn Vật lí thì ngoài việc nắm vững hệ thống kiến thức và thành thạo các kĩ năng làm bài, các em cần chuẩn bị tâm lí vững vàng, tránh căng thẳng dẫn đến những sai sót không đáng có. Trong quá trình làm bài thi, các em cần lưu ý một số điểm sau:
- Đọc kỹ đề: Nhiều câu hỏi Vật lí chỉ cần thay đổi một vài từ trong đề bài, hoặc thay đổi thứ tự từ trong câu hỏi là ý nghĩa của các câu hỏi thay đổi hoàn toàn, nếu đọc đề bài một cách sơ sài chúng ta không thể nào phát hiện ra những yếu tố khác biệt đó sẽ dẫn đến những nhầm lẫn đáng tiếc. Khi làm xong các phép tính, các em cần lưu ý đơn vị ở câu trả lời của đề thi xem đáp số có phù hợp với thực tế không.
- Nháp thẳng vào đề thi: Để tránh nhầm lẫn trong quá trình tính toán, các em nên kí hiệu các đại lượng đề bài đã cho ngay trên đề thi, đồng thời đổi đơn vị và ghi công thức cần tính ngay trên đề.
- Phân bổ thời gian hợp lí: Số lượng câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết, thông hiểu chiếm khoảng 28-30 câu nên các em cần ưu tiên xử lí nhanh, gọn, chính xác các câu hỏi này trong khoảng 15-20 phút. Sau đó dành khoảng 2 phút tô luôn đáp án toàn bộ các câu hỏi này vào phiếu trả lời. Thời gian còn lại các em quan sát nhanh các câu cuối, phân loại các câu hỏi có dạng quen thuộc và ưu tiên xử lí trước, câu lạ và khó xử lí sau. Hãy dành 5 phút cuối để kiểm tra lại đáp án của toàn bộ đề thi để chắc chắn không bỏ sót hoặc tô nhầm đáp án của câu hỏi nào.
Chúc các em bước vào kỳ thi quan trọng với tâm thế thật tốt và gặt hái kết quả tốt nhất.
Cô Nguyễn Thùy Linh (giáo viên môn Sinh học): Sau khi làm xong thì nên kiểm tra lại 2-3 lần
- Trước ngày thi nên đi ngủ sớm giúp tinh thần thoải mái và phát huy được tối đa khả năng trong lúc làm bài vào ngày thi hôm sau.
- Trong khi thi:
+ Chuẩn bị đầy đủ bút, máy tính trước khi bước vào phòng thi.
+ Khi được phát đề, đọc lướt qua một lượt (khoảng 1-2 phút) cả đề để biết độ dài và độ khó của đề để áng chừng tốc độ làm bài để đáp ứng được đề thi; nếu thấy đề thi bị mờ hoặc thiếu câu thì báo cho giám thị để xử lí.
+ Kiến thức 30 câu đầu thường ở mức Nhận biết - Thông hiểu nên các em cần làm nhanh, gạch chân được key word của câu hỏi, chú ý các câu hỏi chọn câu đúng/không đúng để tránh hiểu sai đề bài.
+ Ở 10 câu cuối, khi tính toán bị sai sót hoặc không nghĩ ra hướng của câu nào thì không nên hoảng loạn mà bỏ qua và làm câu tiếp theo, sau khi làm hết đề thì quay lại câu không làm được và tiếp tục giải, nếu không giải được thì thử đáp án lên nếu có thể.
+ Sau khi làm xong thì nên kiểm tra lại 2-3 lần (nếu có thời gian), ấn lại máy tính và kiểm tra xem đã tô đúng đáp án chưa.
Lưu ý: Làm xong câu nào nên tô đáp án luôn câu đó, tránh làm xong mới tô có thể bị lệch đáp án và sai đáp án cả đề.
Cô Vũ Thị Thùy Dương (giáo viên môn Hóa học)
1. Chọn câu đơn giản (câu 1 – 28) làm trước, câu khó làm sau. (Vì mỗi câu hỏi trong đề thi môn Hóa học đều có giá trị 0,25 điểm/câu)
2. Chọn câu lí thuyết làm trước, câu tính toán làm sau.(Vì câu hỏi lí thuyết thường đơn giản hơn câu hỏi tính toán (trừ các câu hỏi lí thuyết thuộc nhóm câu từ 32-40)).
3. Nháp một cách khoa học (trên tờ nháp ghi rõ số thứ tự câu, nháp rõ ràng gọn gàng, … để dễ dàng xem lại khi cần).
4. Đọc kĩ đề, để ý các “bẫy” như: chọn phát biểu sai (tức đề hỏi tìm phát biểu sai chứ không phải tìm phát biểu đúng), quên cân bằng phương trình phản ứng, nhầm nguyên tử khối của các chất, nhầm danh pháp của các chất,…
5. Phân phối thời gian làm bài hợp lí: - Với các câu lí thuyết và tính toán đơn giản (khoảng 28-30 câu đầu), đọc đề, điền cẩn thận đáp án đúng vào phiếu câu trả lời (thời gian làm vùng câu hỏi này khoảng 15-20 phút). - Với các câu tính toán khó, viết số thứ tự câu ra nháp, tóm tắt lại đề bài để phân tích, làm bài, điền cẩn thận đáp án đúng vào phiếu câu trả lời (thời gian làm vùng câu hỏi này khoảng 20-25 phút). Với câu khó chưa làm được, đánh dấu hỏi chấm ở đầu số thứ tự câu trong đề, để đánh dấu câu đó chưa làm được, nếu còn thời gian làm bài có thể làm lại các câu này."
6. Dành 5 phút cuối giờ thi để kiểm tra lại thông tin về SBD, các đáp án đã khoanh (tránh khoanh nhầm đáp án), ....
Cô giáo Trần Vân Anh (Giáo viên môn Lịch sử): Làm chắc từ dễ đến khó
Đề có 4 cấp độ câu hỏi: Nhận biết - Thông hiểu - Vận dụng - Vận dụng cao. Nếu mong muốn 7 - 8 điểm, các em nên tập trung vào kiến thức trọng tâm và hiểu kiến thức đó trong bài.
Để đạt được điểm cao hơn, cần liên hệ, kết nối giữa các phần kiến thức khác nhau trong bài và liên hệ kiến thức liên quan đến đời sống thực.
Tuy nhiên cần, làm chắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, tận dụng thời gian hợp lý.
Ví dụ: Với 40 câu trong 60 phút thì vòng 1 đọc tất cả các câu và khoanh các câu chắc đúng, tốc độ 1 phút x40 câu, câu nào không chắc chắn thì đánh dấu để sang câu tiếp theo. Vòng 2 chỉ làm các câu đánh dấu, phân tích kỹ hơn, nếu chưa làm được, dùng phương pháp loại trừ để loại bớt phương án nhiễu. Vòng 3, chỉ còn các câu khó, không chắc chắn, trường hợp chỉ còn 5 phút hết giờ thì chọn một trong số các phương án đang phân vân.