Lối đạo tôi đi đong đầy dáng mẹ
GN - Ngày ấy, khi còn là một cô bé ngây thơ và đầy mơ mộng, tôi đã ước nhà mình bớt cơ cực, bớt khổ. Như thế mẹ sẽ đỡ buồn, bố sẽ không phải cầm rổ đi xúc cua, xúc tép mỗi buổi trưa hè. Tôi đã mơ ước thật nhiều và hứa với lòng sẽ luôn cố gắng. Không bao giờ tôi đua đòi cùng chúng bạn, hay ganh tị với ai về những gì mình không có.
Hình chỉ mang tính minh họa - Ảnh: Ni sinh Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM
Tình thương từ mái ấm
Nhà nghèo khó, chuyện học là cả vấn đề. Người anh thứ ba của tôi sau khi học xong lớp 12 đã không học thêm nữa mà đi làm công nhân. Tôi nhớ hoài lời anh dặn: “Ráng mà học, đừng có đua đòi đấy!”. Sau này tôi mới hay, không phải anh không muốn học thêm nữa, mà anh biết nhà mình chỉ có khả năng cho một đứa học lên cao và anh đã nhường cơ hội ấy lại cho tôi.
Học xong lớp 9, một ý nghĩ kỳ lạ cứ len lỏi trong tôi. Tôi thấy cuộc sống này xô bồ, náo nhiệt quá, nó không hợp với tôi. Muốn sống một nơi nào đó thật yên tĩnh, không có chuyện hơn thua được mất, không có nước mắt, chỉ có niềm vui và tôi đã nghĩ đến việc vào chùa ở, mặc dù chưa biết gì tới đạo và cũng chưa biết gì về cuộc sống nơi ấy.
Tôi đã tâm sự điều này với chị họ, chị bảo: “Không được nghĩ linh tinh nữa, việc của em lúc này là học. Bây giờ mà không thi đỗ cấp 3, ở nhà thì chỉ có lấy chồng thôi”. Ừ thì học, thế là tôi lao vào ôn tập và thi đỗ vào trường huyện với số điểm khá cao. Cũng chính vì kết quả đó, tôi chủ động đăng ký vào lớp chuyên ban của trường. Vì kiến thức, bài vở quá nhiều, tôi tạm quên mất ý định xuất gia của mình.
Chính vì học lớp chuyên ban như vậy mà tôi bị tuột dốc nhanh chóng. Lớp học toàn những đứa có điều kiện học tốt, đi học thêm thật nhiều, tới lớp chỉ là học lại thôi. Còn tôi, thời gian học ở nhà không có, cũng chẳng dám đi học thêm nhiều. Mấy lần xin tiền mẹ đi học thêm, thấy nét buồn thoáng qua gương mặt mẹ, tôi lại thôi. Hết năm học lớp 10, kết quả thật tồi tệ: tôi xếp thứ 52/55 của lớp. Tôi tuyệt vọng vô cùng, chị Hai gửi thư về trách: “G. ơi, em học kiểu gì mà kết quả thấp vậy, phải cố lên chứ. Nhà mình đã toàn người thất học rồi, chỉ còn trông chờ vào mỗi mình em”. Thế là hè năm ấy, gạt mọi dự định đi chơi, tôi tập trung vào ôn lại kiến thức bỏ dở trong năm học, và trong thời gian rảnh rỗi, lại nghĩ tới việc đến ở chùa.
Tôi phân vân lắm, sợ mình sẽ hối hận, sợ mình không có duyên, sợ mọi thứ. Nhưng tôi lại rất muốn ở chùa, nhìn các vị Tăng Ni với tà áo nâu sồng phất phơ trong gió, cứ hỏi thầm trong bụng: sao mà đẹp thế. Tới mức đi đường mà nhìn thấy ai mặc áo nâu đi qua là tôi cứ nhìn, nhìn mãi không thôi. Còn nhớ, khi đem điều đó kể với đứa bạn, nó bảo: “Hâm à! Có gì đâu mà nhìn”. Sau này tôi mới biết đó là cái duyên Phật pháp.
Bước vào lối đạo
Sau một thời gian phân vân suy nghĩ, tôi đi đến quyết định, bởi không thử sao biết, không làm sao chắc mình có duyên ở chùa hay không. Nhưng khi xin phép mẹ, không ngờ mẹ kịch liệt phản đối. Mẹ hỏi, mẹ khuyên, rồi đe dọa: “Vì sao con làm thế”. Tôi chỉ biết khóc thôi, vì chính bản thân cũng không biết câu trả lời thế nào. Cũng thật kỳ lạ, trước khi chưa thưa chuyện với mẹ, tôi cứ phân vân mãi, nhưng sau khi mẹ biết và phản đối thì không biết sức mạnh nào lại thôi thúc tôi có ý chí quyết tâm mãnh liệt để thuyết phục mẹ như vậy. Chiều nào hai mẹ con ngồi đan lẵng, mẹ cũng hỏi tôi và mẹ khuyên, rồi hai mẹ con cùng khóc…
Tôi biết mẹ đau lắm khi đưa ra quyết định ấy. Mẹ cho phép tôi được xuất gia tu học. Còn bố, qua nhiều người, tôi biết bố cũng không muốn tôi làm như vậy, nhưng bố để cho con mình tự do lựa chọn. Tất cả mọi người đều hy sinh vì tôi, một sự hy sinh thầm lặng để cho tôi được tốt hơn, hạnh phúc hơn.
Tôi hớn hở bước vào một cuộc sống mới, cuộc sống với biết bao nhiêu dự định, nỗ lực quyết tâm. Ngày đầu tiên bước vào cửa chùa, tôi thật bỡ ngỡ. Bữa cơm chiều tại chùa, mẹ cầm trên tay bát cơm chan đầy nước mắt, khiến bà vãi phải động viên: “Ơ kìa, bà ăn đi chứ, phải động viên cho cháu nó tu tập, bà như thế nó sao yên lòng mà tu được”. Mẹ tôi đã gạt nước mắt vào trong mà tươi cười trở lại.
Giờ đây, khi đã vững bước trên con đường đạo, hiểu hơn về giáo lý Phật-đà, tôi càng cảm nhận sâu sắc thâm ân trời biển của bố mẹ. Tôi hiểu được sự mất mát của đấng sinh thành khi đứa con mình rứt ruột đẻ ra, lại vứt bỏ mọi thứ mà bước vào chốn thiền môn. Ngày nào cũng vậy, khi thực hiện công phu, tôi luôn tinh tiến và nguyện cầu hồng ân mười phương chư Phật gia hộ cho bố, mẹ của tôi luôn khỏe mạnh, bình an, biết quý kính Tam bảo, biết tu tập theo giáo lý Phật-đà và hướng mọi người tới đạo.
Thấm thoắt đã hơn 13 năm tôi thực hiện ước nguyện của mình. 13 năm ấy không quá dài đối với một đời người, nhưng một đời người trải qua được mấy lần cái 13 ấy. Càng trân quý những gì mình đang có, tôi càng nỗ lực tu tập, để báo đáp ơn sâu dày, sự trợ duyên, niềm tin mà bố mẹ truyền trao.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/loi-dao-toi-di-dong-day-dang-me-post52328.html