Lời đe dọa đuổi việc của Elon Musk

Nghiên cứu cho thấy lời đe dọa đuổi việc của công ty không làm nhân viên chăm chỉ hơn. Cảm giác bấp bênh trong công việc chỉ khiến mọi người kiệt sức, giảm hiệu suất lao động.

 Elon Musk gửi tối hậu thư yêu cầu nhân viên Twitter chăm chỉ hơn. Ảnh: AFP.

Elon Musk gửi tối hậu thư yêu cầu nhân viên Twitter chăm chỉ hơn. Ảnh: AFP.

Ngày 16/11, Elon Musk gửi email thông báo các nhân viên Twitter có một ngày để lựa chọn tuân theo các điều kiện làm việc mới được mô tả ngắn gọn là "làm việc nhiều giờ ở cường độ cao", hoặc nghỉ việc với 3 tháng trợ cấp.

Theo The Verge, ngay khi thời hạn lựa chọn kết thúc, hàng trăm nhân viên đã nhanh chóng đăng thông điệp chia tay Twitter và thông báo rằng họ đã nói không với tối hậu thư của Musk.

"Tôi đã không nhấn nút 'Yes' với Musk. Sự nghiệp của tôi đã kết thúc với Twitter 1.0. Tôi không muốn trở thành một phần của Twitter 2.0", một nhân viên sắp nghỉ việc viết trên Slack.

Một nhân viên Twitter tiết lộ với The Verge: "Có cảm giác như tất cả những người đã khiến nơi này trở nên tuyệt vời đang rời đi. Sẽ rất khó để Twitter phục hồi, cho dù những người ở lại có cố gắng đến mức nào đi chăng nữa".

Elon Musk đưa ra tối hậu thư không phải nhằm mục đích sa thải thêm nhân viên vì trước đó một cuộc sàng lọc lớn đã khiến Twitter mất đi một nửa lao động. Với thỏa thuận mới, ông chủ của nền tảng muốn thiết lập văn hóa làm việc "cực kỳ chăm chỉ".

Tuy nhiên, lời đe dọa làm việc nhiều hơn hoặc mất việc của Musk dường như đã không còn hiệu nghiệm khi số nhân viên đồng ý và ký vào thỏa thuận ít hơn con số ông kỳ vọng.

Lời đe dọa của ông chủ

Từ khi tiếp quản Twitter hồi tháng 10, Elon Musk nhiều lần dọa đuổi việc nhân viên không tuân thủ các yêu cầu của mình bao gồm trở lại văn phòng, làm việc nhiều giờ hơn, tuân theo văn hóa "hardcore" (cực kỳ chăm chỉ, tận tụy với công việc).

Các nhân viên Twitter cũng không ít lần bày tỏ bất mãn, chỉ trích ông chủ mới của mình. Trong một bức thư ngỏ lưu hành nội bộ hồi cuối tháng 10, một số nhân viên nói rằng lời đe dọa đuổi việc người lao động của Musk chính là "sự đe dọa đối với tương lai Twitter".

"Những mối đe dọa này có tác động đến chúng ta với tư cách là công nhân và thể hiện sự mất kết nối cơ bản với thực tế vận hành Twitter. Nó đe dọa sinh kế của chúng ta, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu và khả năng những người có thị thực ở lại quốc gia mà họ làm việc. Chúng ta không thể làm việc trong một môi trường luôn bị quấy rối và đe dọa. Không có công việc của chúng ta thì sẽ không có Twitter", các nhân viên viết trong thư ngỏ.

 Elon Musk nhiều lần đe dọa sa thải nhân viên của mình. Ảnh: Joshua Lott.

Elon Musk nhiều lần đe dọa sa thải nhân viên của mình. Ảnh: Joshua Lott.

Tại Tesla hay SpaceX, Musk cũng áp dụng cách tương tự để thúc đẩy nhân viên của mình phải chăm chỉ hơn nữa.

Trong một email gửi nhân viên Tesla hồi tháng 6, Musk nói rằng người lao động có nguy cơ mất việc nếu từ chối trở lại văn phòng.

"Bất kỳ ai muốn làm việc từ xa đều phải ở văn phòng tối thiểu 40 giờ/tuần hoặc rời khỏi Tesla. Số giờ này đã ít hơn mức chúng tôi yêu cầu đối với công nhân nhà máy".

Lập trường của Tesla đi ngược lại với các công ty công nghệ hàng đầu khác như Apple và Google, những nơi áp dụng phương pháp làm việc kết hợp từ xa và văn phòng.

Trong một email tiếp theo, Musk viết: "Bạn càng ở vị trí cao, sự hiện diện của bạn càng phải rõ ràng hơn. Đó là lý do tôi chủ yếu sống trong nhà máy, để những người trong dây chuyền có thể nhìn thấy tôi làm việc cùng với họ. Nếu tôi không làm điều đó, Tesla đã phá sản từ lâu".

Trong bối cảnh các công ty công nghệ sa thải hàng loạt, Mark Zuckerberg, CEO của Meta, cũng đe dọa loại bỏ các nhân viên làm việc kém hiệu quả. Zuckerberg cho biết Facebook sẽ tăng cường quản lý hiệu suất và sẵn sàng sa thải nhân viên không đạt được mục tiêu công việc.

"Thực tế, có rất nhiều người trong công ty không xứng đáng ở đây", Zuckerberg nói trong một cuộc họp, theo Reuters.

 Zuckerberg dọa sa thải nhân viên làm việc kém hiệu quả. Ảnh: Reuters.

Zuckerberg dọa sa thải nhân viên làm việc kém hiệu quả. Ảnh: Reuters.

Phản tác dụng

Đe dọa đuổi việc từ lâu đã là một trong những cách phổ biến mà các ông chủ sử dụng để thúc đẩy nhân viên của mình chăm chỉ hơn. Một số làm điều đó một cách rõ ràng thông qua xếp hạng nhân viên và đe dọa sa thải. Những người khác tạo ra cảm giác không an toàn bằng các thông điệp ẩn ý của cấp quản lý.

Tuy nhiên, việc thúc đẩy cảm giác lo sợ, bất an không khiến người lao động trở nên cạnh tranh và năng suất hơn. Theo một phần tổng hợp nghiên cứu của The New York Times, cảm giác bấp bênh trong công việc làm tổn hại đến sức khỏe, khiến mọi người kiệt sức, giảm sự hài lòng và hiệu suất lao động.

Các nghiên cứu còn phát hiện ra rằng những người lao động lo sợ bị sa thải thường kém ý thức về an toàn hơn, dễ bị thương hơn và ít có khả năng báo cáo thương tích.

Một nghiên cứu của Đại học Texas A&M cho thấy ngay cả ở một công ty tương đối ít sa thải nhân viên và có văn hóa làm việc hỗ trợ, những lao động cảm thấy không an toàn ít có khả năng tìm kiếm sự hỗ trợ hoặc yêu cầu thời gian linh hoạt, nghỉ phép.

Trong nhiều trường hợp, việc tìm kiếm, đào tạo nhân sự mới sau khi một người nghỉ việc thường mất hàng tháng trời và ngày càng khó khăn hơn.

 Trào lưu "tang ping" cho thấy nhiều người trẻ Trung Quốc không còn muốn cố gắng, nỗ lực trong công việc. Ảnh: CGTN.

Trào lưu "tang ping" cho thấy nhiều người trẻ Trung Quốc không còn muốn cố gắng, nỗ lực trong công việc. Ảnh: CGTN.

Một cuộc thăm dò của Gallup cho thấy gần 1/3 công nhân Mỹ lo sợ rằng họ sẽ bị sa thải và thậm chí còn sợ bị cắt giảm lương và phúc lợi hơn.

Bảng xếp hạng nhân viên, trong đó các nhà quản lý phân loại nhân viên của họ và đe dọa sa thải những người có thành tích kém, thường bị chỉ trích vì tạo ra văn hóa cạnh tranh quá mức và hoạt động chính trị nội bộ. Các nghiên cứu cũng nhấn mạnh lỗ hổng của các bảng xếp hạng nhân viên: Giả định rằng áp lực sẽ thúc đẩy năng suất, khiến mọi người cảm thấy bất an để làm việc chăm chỉ hơn, nhưng điều đó sẽ phải trả giá bằng sức khỏe, hạnh phúc và hiệu suất lao động trong tương lai.

Trừ khi các công ty tự tin rằng họ có thể liên tục thay thế những người kiệt sức bằng những nhân viên mới cũng giỏi không kém, nếu không thì đó chắc chắn là một công thức thất bại.

Ngoài ra, những lời đe dọa sa thải người lười biếng đôi khi phản tác dụng và chỉ tạo ra sự chăm chỉ giả tạo.

Tại Trung Quốc, nơi các ông chủ ca ngợi làm thêm giờ là "phước lành", sự phát triển của trào lưu "tang ping" cho thấy nhiều người trẻ đã không còn muốn cố gắng, bán mạng cho công việc để đổi lấy thành công. Còn xu hướng "quiet quitting" (nghỉ việc trong tư tưởng, chỉ làm đại khái các công việc được giao) lan rộng ở nhiều nước thể hiện sự chán ghét của người lao động trước lời thúc giục chăm chỉ, nỗ lực tại nơi làm việc.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loi-de-doa-duoi-viec-cua-elon-musk-post1376519.html