Lối đi để Việt Nam là điểm đến của sinh viên Mỹ

Với nền kinh tế đang tăng trưởng và mang nhiều mục tiêu bền vững, Việt Nam có những tiềm năng trở thành điểm đến của sinh viên tại Mỹ.

 Việt Nam và châu Á nói chung được cho là có nhiều tiềm năng kinh tế để thu hút sinh viên từ Mỹ. Ảnh: Expat.

Việt Nam và châu Á nói chung được cho là có nhiều tiềm năng kinh tế để thu hút sinh viên từ Mỹ. Ảnh: Expat.

Xu hướng nổi bật của các chương trình giáo dục nước ngoài tại Mỹ, những yếu tố cần để đào tạo và thu hút du học sinh khi triển khai chương trình giáo dục nước ngoài là những điểm trọng tâm được thảo luận tại hội thảo Xây dựng Chương trình giáo dục nước ngoài và Quan hệ đối tác với cơ sở giáo dục đại học tại Mỹ, do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM tổ chức ngày 25/4.

Tại hội thảo, với đại diện từ 32 cơ sở đào tạo bậc đại học thuộc các tỉnh thành miền Trung và miền Nam, bà Mandy Brookins - Giám đốc các Chương trình và Đào tạo của Diễn đàn về Giáo dục Nước ngoài (Forum on Education Abroad) - cho biết đại dịch đã làm thay đổi xu hướng du học của sinh viên thế giới và sinh viên tại Mỹ nói riêng.

Tận dụng những cơ hội

Trả lời Zing, bà Brookins cho rằng dù thực tế sinh viên Mỹ vẫn ưu tiên du học tại các nước châu Âu, do có nhiều nhận thức và tương đồng văn hóa, châu Á cũng đang được coi là điểm đến tiềm năng và trên đà phát triển, với các cơ hội về tăng trưởng kinh tế.

"Nhiều sinh viên sẽ có lựa chọn rất thực tế, rằng họ muốn theo đuổi các mục tiêu cho họ nhiều cơ hội nghề nghiệp. Do đó, tôi nghĩ du học (đến châu Á - PV) sẽ có tiềm năng phát triển và có thêm sinh viên đến những nơi như Việt Nam.

 Bà Mandy Brookins có hơn 20 năm kinh nghiệm về giáo dục đại học tại Mỹ và giáo dục ở nước ngoài. Ảnh: Trần Hoàng.

Bà Mandy Brookins có hơn 20 năm kinh nghiệm về giáo dục đại học tại Mỹ và giáo dục ở nước ngoài. Ảnh: Trần Hoàng.

Thực tế rằng trước đại dịch, tỷ lệ sinh viên Mỹ sang học tập tại Việt Nam tăng đều qua các năm, dù con số vẫn ở mức khiêm tốn - từ 922 sinh viên trong năm 2014-2015 lên 1.235 sinh viên vào năm 2018-2019.

Trước những cơ hội từ sự phát triển vĩ mô của nền kinh tế, bà Brookins đề xuất các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam thiết kế các khóa thực tập hay khóa học phù hợp với kế hoạch học tập của sinh viên Mỹ. Đặc biệt, khi Việt Nam hướng đến tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đây đều là những điều sinh viên Mỹ quan tâm.

Hiện nay, những nước như Italy, Tây Ban Nha, Anh, Pháp và Hàn Quốc là những điểm đến hàng đầu của sinh viên Mỹ. Ngoài ra, ngành kinh doanh và quản trị, nhân văn, kỹ thuật, nghiên cứu quốc tế, truyền thông báo chí cũng là những nhóm ngành thu hút sinh viên nước này.

Song, một thực tế rằng đại dịch đã làm thay đổi cách tiếp cận đối với du học từ ở bản thân sinh viên và các cơ sở giáo dục đại học.

Tính riêng tại Mỹ, trước đại dịch Covid-19, số sinh viên Mỹ theo học các chương trình tại nước ngoài là hơn 347.000 sinh viên. Con số này giảm còn hơn 14.000 người vào năm học 2020-2021.

Dịch bệnh khiến việc liên lạc, trao đổi giữa cơ sở giáo dục tại Mỹ và nơi sinh viên du học càng cần được củng cố hơn, bao gồm đảm bảo sinh viên nếu chọn học tại Việt Nam có thể tiếp cận chăm sóc y tế, hoặc nắm được những liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.

Nỗ lực không chỉ riêng từ các trường đại học

Bà Brookins nói rằng bên cạnh chương trình từ các trường đại học nhằm thu hút sinh viên quốc tế, các cơ quan chức năng có thể hỗ trợ đơn giản hóa quy trình nhập cư và hỗ trợ thông tin cụ thể nhất đến sinh viên - những người có thể chưa quen với những thủ tục xin thị thực.

"Một số sinh viên thường có thói quen tức tốc nộp hồ sơ vào phút chót, điều có vẻ khá phổ biến ở nhiều nước. Do đó, làm thủ tục qua hệ thống điện tử và đơn giản hóa quy trình sẽ giúp sinh viên Mỹ dễ cân nhắc Việt Nam là một lựa chọn hơn", bà nói với Zing.

Tương tự khi sinh viên Việt Nam du học sang các nước khác, cuộc sống của một du học sinh không chỉ gói gọn trong khuôn viên trường học.

“Tôi chắc chắn rằng có nhiều sự khác nhau ở các địa phương tại Việt Nam, và bạn sẽ muốn đảm bảo rằng cung cấp cho du học sinh bức tranh toàn cảnh về cuộc sống tại đất nước”, bà Brookins nói.

Do đó, quy trình đảm bảo sinh viên quốc tế theo học tại Việt Nam có thể được tạo cơ hội hòa nhập với xã hội, môi trường sống cũng là điều cần được quan tâm. Tại hội thảo, đại diện một trường đại học Việt Nam cũng nêu vấn đề một số sinh viên quốc tế gặp khó khi tìm sự hỗ trợ lúc vừa đáp xuống sân bay, hay những giải pháp giúp các bạn sinh viên giảm thiểu sơ sót và trục trặc khi nhập học.

 Phó tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Graham Harlow phát biểu ngày 25/4. Ảnh: Trần Hoàng.

Phó tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Graham Harlow phát biểu ngày 25/4. Ảnh: Trần Hoàng.

Phát biểu tại hội thảo, quyền Phó tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Graham Harlow cho biết các đối tác trong ngành giáo dục tại Việt Nam chia sẻ nhu cầu đối với các chương trình tiếng Anh trên cả nước là rất lớn.

Hơn 30.000 sinh viên VIệt Nam đang học tập tại Mỹ, đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 5 về số sinh viên nước ngoài tại Mỹ. Trên cơ sở này, ông Harlow khẳng định giáo dục luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Việt Nam.

Ông cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác ở Việt Nam để tăng số lượng sinh viên Việt Nam học tập tại Mỹ và ngược lại, thông qua các chương trình giáo dục và dự án chính phủ Mỹ.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loi-di-de-viet-nam-la-diem-den-cua-sinh-vien-my-post1425721.html