Vi phạm hết thời hiệu xử phạt: Xử lý trách nhiệm người đứng đầu, tránh nhờn luật
Nếu đã có trường hợp trước đó vi phạm nhưng quá thời hạn nên không bị xử lý thì chắc chắn những người sau họ sẽ vẫn cứ làm vì tư tưởng 'không lo bị phạt'.
Vừa qua, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố các kết luận thanh tra và chỉ ra các vi phạm tại một số cơ sở giáo dục đại học.
Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra, một số vi phạm tại thời điểm thanh tra được nêu ra đã hết hiệu lực xử phạt hành chính. Điều này để lại nhiều băn khoăn trong dư luận. Qua đó, một số ý kiến cho rằng, có thể một số cơ sở giáo dục lợi dụng kẻ hở này để "lách luật", với tâm lý "làm sai mà không lo bị phạt".
Lo ngại "bỏ lọt" vi phạm nghiêm trọng
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu - Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học giáo dục thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, đây là một hạn chế của luật mà ngành giáo dục cần sớm tìm ra các phương án xử lý để tránh "bỏ lọt" vi phạm và tạo ra những tiền lệ không tốt.
"Chúng ta cần nhìn nhận rõ rằng, vi phạm đã được chỉ ra tại các kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo nó thuộc về vấn đề nguyên tắc, nghĩa là quy định đã có nhưng một số cơ sở giáo dục vẫn mắc phải. Trong trường hợp này, có thể những vi phạm là do cơ sở đó cố tình "lách luật" nhưng cũng sẽ có trường hợp làm sai do không hiểu luật hoặc sai khi luật chưa bao quát hết các vấn đề.
Đã là quy định đặt ra thì dù vô tình hay cố ý thì các sai phạm vẫn cần xử lý nghiêm, công khai để tránh các trường hợp sau lại rơi vào "vết xe đổ" và để lại hệ lụy không tốt cho xã hội. Qua đó, vấn đề về thời hạn xử phạt với các vi phạm đã xảy ra cũng cần cơ quan quản lý xem xét và có sự điều chỉnh thích hợp.
Bởi lẽ, với một số vi phạm có mức độ nghiêm trọng nhưng do cơ sở đó "khéo léo" che đậy, đến thời điểm phát hiện đã quá thời hạn xử lý thì đó cũng là một hạn chế của luật cần được điều chỉnh", Phó Giáo sư Trần Hậu nhận định.
Qua đó, vị Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học giáo dục bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới cơ quan quản lý, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những giải pháp mạnh tay hơn trong việc xử lý với những cơ sở vi phạm nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Đặc biệt là vai trò của Thanh tra Bộ trong việc sớm phát hiện ra những cơ sở đang cố tình lợi dụng kẻ hở của luật pháp để tái diễn vi phạm.
Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Trần Hậu cũng nêu quan điểm, để ngăn chặn sớm các vi phạm thì việc các cán bộ, nhân viên trong mỗi cơ sở giáo dục cũng cần tích cực và mạnh dạn đứng ra tố cáo vi phạm là điều cần thiết để cơ quan chức năng vào cuộc xử lý sớm hơn.
Đồng thời vị này cũng cho rằng, cơ quan quản lý cũng nên nghiên cứu và phát triển các kênh thông tin để tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo. Ngoài ra, cần có cơ chế bảo vệ nhưng cũng có chế độ khen thưởng xứng đáng đối với những người dám đứng ra tố cáo, lên án với các hành vi sai trái. Điều này là để động viên, khuyến khích họ vững tâm tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục.
Nên tính đến việc truy cứu trách nhiệm dù vi phạm đã hết thời hạn xử phạt
Cùng quan điểm về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Thanh - nguyên Trưởng khoa Kinh tế xây dựng (nay là khoa Kinh tế và quản lý xây dựng), Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho hay, việc quản lý cơ sở đào tạo là một vấn đề không đơn giản. Vì thế, cơ quan quản lý cũng đã tính đến các "tình huống" mà các cơ sở giáo dục có thể vi phạm và cụ thể hóa nó thành văn bản luật.
Qua đó, các trường hợp xảy ra vừa qua liên quan đến việc một số vi phạm đến thời điểm thanh tra đã hết thời hiệu xử phạt cũng là một "tình huống" để cơ quan quản lý cần tìm ra những phương án cụ thể nhằm siết chặt hơn nữa các quy định trong thời gian tới.
Vị nguyên Trưởng khoa Kinh tế xây dựng nhận định rằng: "Khi các vi phạm đã được Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra, có những vi phạm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người học. Thậm chí có vi phạm còn tác động đến kết quả học tập của sinh viên nhưng đó không phải là lỗi của họ thì đó còn là một sự bất công trong quản lý giáo dục.
Như vậy, nếu những người để xảy ra các vi phạm nhưng không bị xử lý vậy những hệ lụy mà sinh viên và những đối tượng liên quan phải chịu ảnh hưởng từ những vi phạm đó sẽ được giải quyết ra sao? Nếu những việc này tái diễn nhiều lần mà không có phương án xử lý thì nó còn là nguồn cơn dẫn đến tình trạng mất đoàn kết nội bộ, gây trì trệ với sự phát triển của cơ sở giáo dục đó".
Nêu lên một số đề xuất để hạn chế các thực trạng nêu trên Giáo sư Nguyễn Huy Thanh cho rằng, cơ quan quản lý, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tập trung vào các vấn đề như: Ban hành thêm quy định, chính sách nhằm "thu hẹp" những "khoảng trống" chính sách. Đồng thời, luôn theo dõi, giám sát các cơ sở giáo dục để sớm có phương án xử lý kịp thời các vi phạm.
"Có thể nói rằng, hệ thống văn bản pháp luật dù có được bổ sung nhiều lần nhưng với sự vận động và phát triển của xã hội không thể nào che lấp hết được các lỗ hổng. Điều này đã khiến cho nhiều cá nhân lợi dụng sơ hở để làm trái.
Ngoài ra có một phần nguyên nhân để tình trạng này vẫn còn tái diễn đến từ tâm lý của người thực hiện. Nếu đã có trường hợp trước đó vi phạm nhưng quá thời hạn nên không bị xử lý thì chắc chắn những người sau họ sẽ vẫn cứ làm vì tư tưởng "không lo bị phạt". Vì thế, việc truy trách nhiệm đối với các đơn vị xảy ra vi phạm là điều các cơ quan quản lý cũng nên tính đến", Giáo sư Nguyễn Huy Thanh nhấn mạnh.
Cần nâng ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị
Chia sẻ thêm một số ý kiến, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hàm - nguyên Chủ nhiệm khoa Lưu trữ và quản trị văn phòng (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội) cho hay, khi chưa có biện pháp xử lý hoặc truy cứu trách nhiệm đối với các cơ sở vi phạm các quy định khi đã quá thời hạn xử phạt vi phạm hành chính thì cần xử lý nghiêm những vi phạm đang còn hiệu lực thi hành. Điều này là để làm gương và tạo ra sự răn đe với các cơ sở khác nếu có ý định làm trái.
"Việc nhiều kết luận thanh tra được công bố vừa qua cho thấy sự quyết liệt của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục, nhưng đồng thời cũng cho thấy một số bất cập trong quản lý nhà nước. Thậm chí tạo ra tiền lệ không tốt đó là sẽ có một số cơ sở giáo dục coi thường pháp luật, nhờn luật.
Ngoài ra, trong các vi phạm được chỉ ra cho thấy phần lớn có trách nhiệm của lãnh đạo cơ sở giáo dục khi không làm đúng các quy định. Vì thế, bên cạnh việc nâng cao các yếu tố ràng buộc về mặt quy định pháp luật thì cách thức thực hiện, ý thức chấp hành của người đứng đầu các cơ sở giáo dục cũng là điều hết sức quan trọng.
Việc nâng cao được ý thức chấp hành các quy định pháp luật của lãnh đạo cơ sở giáo dục là điều cốt lõi để giải quyết được tận gốc của mầm mống các vi phạm đang diễn ra hiện nay", Phó Giáo sư Nguyễn Văn Hàm nhận định.