Lối đi nào cho ngành du lịch giữa 'bóng đen' COVID-19?
Tác động tiêu cực của đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 đã khiến ngành du lịch chưa có cơ hội hồi phục lại tiếp tục thêm khốn đốn. Nhiều doanh nghiệp lữ hành đã kiệt quệ, đứng trước thực trạng 'chết lâm sàng' và cần những định hướng, giải pháp cứu trợ kịp thời.
Những tuyến phố nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội vốn tấp nập, thu hút đông đảo khách du lịch thì nay vắng vẻ, thưa người qua lại trong những ngày dịch bệnh COVID-19 bùng phát
Lao đao trước đòn chí mạng
Đại dịch Covid-19 như “bóng đen” bao trùm sự phát triển mọi ngành nghề trên phạm vi toàn thế giới, trong đó du lịch là hai ngành bị thiệt hại nặng nề nhất. Du lịch Việt - một ngành đang tăng trưởng liên tục ở mức 2 con số, đóng góp trực tiếp gần 10% GDP thì nay lâm vào cảnh suy thoái nghiêm trọng.
Đặc biệt, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã khiến cộng đồng doanh nghiệp du lịch, lữ hành Việt thêm khốn đốn, rơi vào cảnh lay lắt chờ thời. Những ông lớn có tên tuổi trong hoạt động du lịch như Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel; Tổng công ty Du lịch Sài Gòn Saigontourist; CTCP Dịch vụ Giải trí Hà Nội (Haseco); Vietrantour... cũng lao đao trước đòn giáng chí mạng này.
Theo Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB), dịch bệnh Covid-19 đã khiến lực lượng lao động trong ngành du lịch đang suy giảm và có xu hướng dịch chuyển sang các ngành nghề khác.
Thống kê cho thấy, cả nước có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực này, nhưng 18% doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50-80% nhân viên nghỉ việc và 75% doanh nghiệp có các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau đối với số lao động mất việc.
Tính đến hết tháng 2/2021, số lượng doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, dừng hoạt động trên địa bàn Hà Nội ước khoảng 95%; đã có 267/1191 doanh nghiệp lữ hành quốc tế thu hồi giấy phép và dừng hoạt động; 11/103 doanh nghiệp lữ hành nội địa rút giấy phép kinh doanh; số lao động nghỉ việc chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp đại lý lữ hành, tương đương 12.168 người chấm dứt hợp đồng lao động.
Mặc dù được ghi nhận là một trong những quốc gia phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả trên thế giới nhưng ngành du lịch Việt Nam sẽ vẫn chịu nhiều tổn thất nặng nề bởi dịch bệnh và cần những giải pháp hỗ trợ kịp thời. Ảnh minh họa
Anh Trần Văn Lâm, làm việc tại một doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội ngậm ngùi cho biết, nhiều tháng nay công ty không có khách đặt tour và chỉ tập trung xử lý hoãn, đổi chuyến đã khiến lương bị cắt giảm, anh buộc phải nghỉ việc và chọn cho mình công việc chạy xe ôm công nghệ “kiêm” nhân viên giao hàng để mưu sinh.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, thời điểm cuối tháng 4 và đầu tháng 5 vừa qua, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần 4, nhiều khách sạn thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, nằm trên những con phố trung tâm như Hàng Bạc, Hàng Bè, Hàng Dầu, Ngõ Huyện… đã phải phải tạm dừng kinh doanh.
Hoạt động du lịch bị ngưng trệ do khách hàng đồng loạt hủy tour, làn sóng rao bán khách sạn đang diễn ra ở hàng loạt địa điểm trên cả nước. Các doanh nghiệp du lịch và nhà hàng, khách sạn lâm vào cảnh khó khăn chồng chất.
Do tâm lý lo ngại, lượng khách hoãn/hủy tour du lịch lên đến 80 - 90% trong tháng 5 và tháng 6/2021, đúng dịp cao điểm du lịch hè. Nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành không có nguồn tiền để trả lương nhân viên, mặt bằng,…đang đứng trước nguy cơ “chết lâm sàng”.
Cố gắng vượt qua đại dịch...
Ảnh hưởng của đại dịch khiến các doanh nghiệp du lịch, các đơn vị cung ứng dịch vụ vừa phải giảm giá tối đa vừa không ngừng làm mới sản phẩm. Giữa vòng xoáy đó các doanh nghiệp lữ hành đứng trước thách thức phải duy trì để tồn tại.
Bên cạnh việc suy nghĩ, thiết kế sản phẩm mới phù hợp với tình hình dịch bệnh, các doanh nghiệp du lịch cũng phải xoay sở để cắt giảm chi phí vận hành, giảm thiểu thiệt hại, hoặc tìm kiếm một công việc thời vụ khác để cầm chân nhân viên.
Theo các chuyên gia, cần sự hợp lực từ các hãng hàng không, cơ sở lưu trú, lữ hành phải bắt tay nhau thật chặt để “vượt bão” và tạo ra các tour, sản phẩm kích cầu hấp dẫn phục vụ du khách khi dịch được kiểm soát tốt.
Đồng thời, các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú đặt yếu tố an toàn cho du khách lên hàng đầu. Đặc biệt, do đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó với dịch nên cả doanh nghiệp lữ hành và khách du lịch đều bình tĩnh để xử lý việc hoàn, hủy dịch vụ.
Ngành du lịch buộc phải chuyển mình thay đổi để có thể tồn tại trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh. Ảnh minh họa
Để nắm bắt tâm lý của khách và cũng để giữ an toàn, các công ty du lịch cũng đã chủ động điều chỉnh lịch trình, tuyến điểm tham quan, tránh vùng dịch và đảm bảo tốt nhất quyền lợi của khách.
Là người có kinh nghiệm gần 30 năm hoạt động trong ngành,Tổng giám đốc Thiên Minh Group Trần Trọng Kiên cho rằng, thị trường du lịch nội địa hiện nay chính là cứu cánh cho doanh nghiệp trong thời điểm đại dịch và còn rất nhiều tiềm năng để khai thác “nuôi sống” doanh nghiệp dù đối diện nhiều thách thức do COVID-19 gây ra.
Nếu nhìn ở góc độ tích cực thì COVID-19 đặt ngành công nghiệp không khói vào thế buộc phải chuyển mình, thậm chí thúc đẩy các doanh nghiệp tăng tốc chuyển đổi số, cơ cấu lại guồng máy hoạt động.
Để tồn tại được trong đại dịch, ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện Công ty TST Tourist cho rằng, ngành du lịch vẫn có thể khai thác tiềm năng du lịch nội địa với nhu cầu rất lớn về du lịch cao cấp, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp rất cần sự định hướng của cơ quan quản lý để xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững, tạo thói quen đi du lịch cho người dân như một nhu cầu tất yếu trong đời sống.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, để tiếp tục thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch yêu cầu các Vụ chức năng xây dựng cơ chế, chính sách riêng biệt và cụ thể đối với thị trường khách nội địa; khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch mới.
Đặc biệt tại những khu vực còn khó khăn nhưng có tiềm năng du lịch; nâng cao năng lực tổ chức quản lý điểm đến, tuyên truyền và hỗ trợ cộng đồng nhằm đảm bảo lợi ích công bằng cho cộng đồng địa phương trong việc cung ứng các dịch vụ an toàn.
Cần thiết lập, kết nối mạng lưới trong thúc đẩy du lịch nội địa; đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, xác định các phân khúc thị trường theo vùng, miền, theo độ tuổi, đặc điểm nhân khẩu, theo nghề nghiệp, thu nhập bình quân... để có cơ sở trong phát triển sản phẩm và xúc tiến quảng bá phù hợp.