Lối đi nào để Việt Nam thoát khỏi 'cái bóng' gia công lắp ráp?
Chuyển dịch từ gia công lắp ráp sang các giai đoạn sản xuất có giá trị cao là chiến lược then chốt giúp Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế quốc tế.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế Việt Nam, nhưng đã đến lúc doanh nghiệp nội địa cần tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu của các sản phẩm công nghệ cao.
Điều này có nghĩa là các sản phẩm "Made in Vietnam" sẽ không chỉ dừng lại ở gia công lắp ráp mà còn có thể bao gồm cả các công đoạn nghiên cứu, phát triển và thiết kế.
Thách thức trong cuộc chuyển mình
Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn đa quốc gia lớn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và sản xuất. Tuy nhiên, điều này cũng mang đến những thách thức. Tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI, Tổng bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh thách thức Việt Nam đang đối diện: "Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; thứ 5 về linh kiện máy tính... nhưng thử hỏi chúng ta đóng góp được bao nhiêu % giá trị trong đó?".
Theo Tổng bí thư, dù có những con số ấn tượng về xuất khẩu, Việt Nam vẫn chủ yếu gia công lắp ráp, giá trị gia tăng thấp và phụ thuộc nhiều vào công nghệ nước ngoài. Ông chỉ rõ rằng phần lớn giá trị của các sản phẩm này vẫn nằm ở nước ngoài, theo đó Việt Nam chỉ đóng góp phần nhỏ nhờ công lao động rẻ và môi trường sản xuất sẵn có.
Giáo sư Trần Văn Thọ, GS danh dự Đại học Waseda (Nhật Bản) nhận định, dù Việt Nam đang trỗi dậy như một nền kinh tế đang phát triển, nhưng chưa thực sự thành công trong việc tham gia vào các chuỗi giá trị cao hơn của chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông cho rằng việc phụ thuộc vào các công đoạn thấp nhất trong chuỗi giá trị khiến Việt Nam dễ bị tổn thương trước các biến động kinh tế toàn cầu, đồng thời điều này cũng hạn chế khả năng tự chủ công nghệ.
Theo GS Thọ đánh giá Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong quá trình thu hút dòng vốn FDI cũng như đang nổi lên với một vị thế là nền kinh tế đang phát triển, có chính sách thuận lợi cho kinh doanh cũng như đổi mới sáng tạo. Việt Nam cũng có tầm nhìn, chính sách đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực công nghệ cao, tạo ra điểm nhấn quan trọng cho việc thu hút các "đại bàng" đến đặt cứ điểm sản xuất.
"Thế nhưng, Việt Nam chưa kinh qua một thời kỳ phát triển cao độ, được định nghĩa là thời kỳ phát triển trung bình khoảng 10%/năm và kéo dài trên 10 năm. Nguyên nhân có lẽ là vì khu vực công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nội địa nói riêng chưa đủ mạnh để làm động lực thúc đẩy tăng trưởng cả nền kinh tế"- Giáo sư Trần Văn Thọ chia sẻ.
Chìa khóa R&D
Nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam vươn cao trên chuỗi giá trị toàn cầu. Tiến sĩ Sam Goundar, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, Việt Nam cần đầu tư mạnh vào R&D, hỗ trợ khởi nghiệp và kết nối giữa trường học và doanh nghiệp để đảm bảo đất nước không chỉ là một nơi gia công lắp ráp cho các tập đoàn lớn mà còn là nơi bắt nguồn những đổi mới sáng tạo.
Việt Nam đang tập trung vào việc xây dựng các khu công nghiệp công nghệ cao, nơi các doanh nghiệp có thể thực hiện các dự án R&D và sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Điều này không chỉ giúp tăng cường khả năng tự chủ công nghệ mà còn tạo điều kiện cho việc phát triển các sản phẩm mới, cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Giáo sư Ryo Ikebe, Đại học Senshu (Nhật Bản), nhấn mạnh rằng Việt Nam cần chuyển dịch từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành lấy công nghệ làm hạt nhân. Cùng với đó, cần phát triển các cụm công nghiệp sản xuất hàng hóa trung gian và tăng cường năng lực sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam.
Việc cải thiện môi trường kinh doanh, hệ sinh thái khởi nghiệp, và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ là những bước đi quan trọng giúp Việt Nam nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu khoa học để thúc đẩy sự phát triển bền vững và toàn diện.
Giáo sư Trần Văn Thọ khuyến nghị, cần mở rộng và tăng cường năng lực tham gia vào những công đoạn cao hơn của các chuỗi cung ứng toàn cầu (GSC) để sản xuất những linh kiện, bộ phận có giá trị gia tăng cao, và từng bước tham gia vào các công đoạn cao hơn trên chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) như nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế và tiếp thị. Cung cấp hạ tầng tốt hơn, lao động có kỹ năng cao hơn, và cải thiện năng lực đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trong nước là các yếu tố cần thiết cho phát triển bền vững. Trong quá trình đó, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và bối cảnh thế giới đòi hỏi phải có phản ứng chính sách kịp thời.
Các chương trình như "Make in Vietnam" đang thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa trong việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao với hàm lượng giá trị gia tăng nội địa ngày càng cao. Một số doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm với hàm lượng giá trị gia tăng nội địa ngày càng cao.
Phát triển công nghệ và khoa học kỹ thuật cần thời gian để có kết quả, nên các nỗ lực R&D và thúc đẩy khoa học công nghệ cần nhấn mạnh từ giai đoạn hiện nay. Điều này liên quan đến việc bảo đảm phổ cập giáo dục trung học phổ thông, cải cách triệt để hệ thống dạy nghề và hệ thống giáo dục đại học. Để bắt kịp với tri thức tân tiến nhất, Việt Nam cần tìm cách để có những trường đại học tốt nhất trong top 500, thậm chí top 200 thế giới. Cải thiện môi trường kinh doanh và hệ sinh thái khởi nghiệp cùng chế tài tốt đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ cũng sẽ có đóng góp to lớn đối với việc phát triển nguồn nhân lực.
“Cuối cùng, không kém phần quan trọng, là việc tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó doanh nghiệp có thể trở thành tâm điểm và cách tiếp cận là khuyến khích đánh giá dựa trên năng lực, trao đổi ý tưởng cởi mở và đổi mới hệ thống giáo dục”- Giáo sư Ryo Ikebe góp ý.
Phát huy nguồn lực công nghệ
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong xuất khẩu công nghệ, nhưng Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để thực sự tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tổng bí thư Tô Lâm cho rằng: "Việt Nam phải thu hút FDI có chọn lọc tốt hơn, để không trở thành cứ điểm gia công lắp ráp, bãi rác của công nghệ thế giới".
Tiến sĩ Sam Goundar nhấn mạnh, sự cần thiết phải xây dựng ngành công nghệ riêng của Việt Nam, một trong những bước tiến quan trọng là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính phủ đã đưa ra nhiều chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ thông tin, kỹ thuật viên và các nhà khoa học trẻ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành công nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, việc hợp tác với các trường đại học quốc tế và doanh nghiệp nước ngoài cũng được đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong nước.
Đồng thời, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, đã được triển khai rộng rãi. Chính phủ khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm, các chương trình hỗ trợ nghiên cứu và phát triển (R&D), và các giải thưởng khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, tiến sĩ Sam Goundar cho rằng, Việt Nam thu hút nhân tài công nghệ cao chưa đủ mạnh, dẫn đến việc thiếu hụt nguồn lực chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt. Điều này đồng nghĩa với việc cần hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong nước, kết nối hợp tác giữa trường học và doanh nghiệp, đưa ra các chính sách thúc đẩy ý tưởng mới phát triển.
"Mục tiêu là để Việt Nam dẫn đầu, chứ không chỉ đi theo về AI và công nghệ. Nếu chúng ta làm được, khoản đầu tư của các gã khổng lồ công nghệ có thể là khởi điểm của những thành tựu tuyệt vời cho đất nước”- Tiến sĩ Sam Goundar nói.
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế:
Chiến lược dài hạn phát triển công nghiệp hỗ trợ
Việt Nam đang đối mặt với thách thức nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất và kinh tế. Nhiều ngành nghề chủ yếu dựa vào gia công lắp ráp, để thoát khỏi "cái bóng" giá trị thấp, cần những giải pháp chiến lược dài hạn.
Động lực để nâng cao giá trị gia tăng nằm ở việc thu hút các doanh nghiệp đầu cuối có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp FDI ở Việt Nam tập trung vào khâu lắp ráp. Các giai đoạn tạo giá trị cao như tinh chế nguyên liệu, thiết kế linh kiện, hay xây dựng thương hiệu thường được thực hiện ở nước khác.
Việc thu hút doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghệ cao không chỉ tạo công ăn việc làm, mà còn mở ra cơ hội cho người lao động Việt Nam nâng cao trình độ, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng. Trong vòng 5-10 năm, người lao động Việt Nam có thể tự khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp với giá trị gia tăng cao.
Công nghiệp hỗ trợ đang là mắt xích yếu kém trong chuỗi sản xuất tại Việt Nam. Chúng ta cần đưa ra mục tiêu là không chỉ là gia công lắp ráp đơn giảnm mà cần tham gia vào những công đoạn phức tạp hơn như thiết kế và sản xuất linh kiện cao cấp. Việc nâng cao trình độ lao động, đầu tư công nghệ và xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư là điều kiện tiên quyết để thành công.
Nhiều doanh nghiệp FDI đã chuyển nhà máy sang Việt Nam do chi phí rẻ và chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, chỉ khi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào công nghệ, đạt tiêu chuẩn quốc tế và học hỏi từ các đối tác này, mới có thể từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường.
Việc nâng cao giá trị gia tăng không thể thực hiện trong ngắn hạn, mà cần một chiến lược dài hạn, trong đó có quy hoạch công nghiệp hỗ trợ đồng bộ. Các địa phương như TP.HCM, Đông Nam Bộ và các tỉnh phía Bắc cần phân chia rõ vai trò, tránh chồng chéo trong quy hoạch phát triển.
Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích khởi nghiệp và đầu tư sâu vào R&D là đòn bẩy quan trọng, chính sách này giúp doanh nghiệp Việt Nam bước ra thị trường quốc tế.
Tiến sĩ Bùi Thanh Luân, chuyên gia ngành tự động hóa:
Xây dựng tiêu chuẩn nội địa hóa FDI bền vững
Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). NHưng Vấn đề là từ trước đến nay, một số tỉnh vẫn thực hiện chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng mọi giá.
Chính sách ưu đãi lớn dành cho các doanh nghiệp FDI thường bao gồm các khoản hỗ trợ về đất đai, cho thuê đất giá rẻ, miễn giảm thuế và nhiều chính sách ưu đãi khác. Những chính sách này nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng thực tế cũng tiềm ẩn một số hệ quả tiêu cực.
Bởi việc ưu đãi nhiều khiến các doanh nghiệp FDI tận dụng lợi thế ưu đãi mà không thực sự tạo ra lợi ích cho nền kinh tế nội địa. Chẳng hạn, một số tập đoàn lớn khi vào Việt Nam, họ hứa hẹn sẽ xây dựng chuỗi cung ứng trong nước, nhưng thực tế lại không thực hiện như vậy. Các doanh nghiệp FDI thường chỉ sử dụng nguồn nhân lực trong nước với mức độ rất hạn chế, và các công ty phụ trợ chủ yếu là từ các quốc gia khác, "chân rết" của họ.
Một trong những hình thức mà các công ty FDI thực hiện là chuyển giá, nơi họ khai báo giá trị sản phẩm thấp hơn so với thực tế, nhằm giảm thiểu nghĩa vụ thuế. Điều này dẫn đến việc dòng tiền từ các hoạt động sản xuất tại Việt Nam lại được chuyển về nước sở tại, khiến lợi ích thực sự không được chia sẻ với nền kinh tế Việt Nam.
Tại một số địa phương, doanh nghiệp FDI đến, hưởng các ưu đãi lớn nhưng không cam kết lâu dài, và khi các chính sách ưu đãi kết thúc, họ sẽ chuyển sang các quốc gia khác có điều kiện ưu đãi hơn. Đây chính là cái "bẫy" mà một số địa phương đã rơi vào.
Vì vậy, Việt Nam cần có một chiến lược rõ ràng hơn trong việc thu hút FDI, tức cần sàng lọc FDI. Ví dụ như yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư vào việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa, tạo cơ hội cho các công ty Việt Nam tham gia vào quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ.
Các địa phương yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải xây dựng nhà máy, tuyển dụng lao động địa phương và tham gia vào chuỗi cung ứng nội địa.
Chỉ khi doanh nghiệp tuân thủ các điều kiện này, họ mới được hưởng các ưu đãi. Ngoài ra, Việt Nam cần có chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh tình trạng các doanh nghiệp nước ngoài chỉ đến để hưởng lợi từ các ưu đãi mà không đóng góp thực sự cho nền kinh tế.
Một số công ty nước ngoài hiện nay cũng đang tận dụng các lợi thế của chính sách ưu đãi tại Việt Nam, chỉ làm nơi đóng gói cho sản phẩm của họ rồi gắn mác "Made in Vietnam" xuất đi nước khác, điều này tạo ra nhiều nguy cơ trong tương lai nếu không có sự kiểm soát và điều chỉnh kịp thời.
Tóm lại, để đất nước phát triển bền vững, Việt Nam cần cải cách chính sách thu hút FDI, tạo ra môi trường kinh doanh công bằng và hiệu quả hơn, đồng thời đảm bảo lợi ích quốc gia được bảo vệ.