'Lợi dụng dân chủ, nhân quyền chống phá Nhà nước tiếp tục diễn biến phức tạp'
Các thế lực thù địch lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do báo chí, gia tăng can thiệp, hậu thuẫn cho một số đối tượng chống đối đang chấp hành án phạt tù để đẩy mạnh xuyên tạc chống phá Việt Nam.
Sáng 18/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 5/2023.
Ông Nguyễn Văn Kỷ - Phó Chánh văn phòng Thường trực về nhân quyền báo cáo tại Hội nghị cho biết: “Hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp.”
Các thế lực thù địch lợi dụng triệt để các sự kiện đối ngoại, các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Việt Nam trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Trong đó, nổi bật lên là các hoạt động lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do báo chí, gia tăng can thiệp, hậu thuẫn cho số đối tượng chống đối đang chấp hành án phạt tù.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế luôn theo dõi, bám sát các sự kiện đối ngoại, tình hình trong nước, đặc biệt là việc Việt Nam bắt giữ, xét xử số đối tượng vi phạm pháp luật để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, thông qua các hình thức công bố “bảng xếp hạng”, “báo cáo thường niên” để tuyên truyền thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền Việt Nam. Trong đó, vấn đề tự do báo chí được các tổ chức tập trung lợi dụng để xuyên tạc, chống phá ta.
Điển hình như vụ việc liên quan phiên tòa xét xử Nguyễn Lân Thắng. Các tổ chức Ân xá quốc tế (AI), Theo dõi Nhân quyền (HRW), Ủy ban bảo vệ ký giả (CPJ), Những người bảo vệ tuyến đầu (FLD), Liên đoàn nhà báo quốc tế (IFJ), Ủy ban luật gia quốc tế (ICJ) ra tuyên bố kêu gọi hủy bỏ mọi tội danh và trả tự do ngay lập tức cho Nguyễn Lân Thắng, kêu gọi các nước lên án tình trạng chính phủ Việt Nam đàn áp nhân quyền, cho rằng việc Việt Nam tiếp tục trừng phạt những “blogger dũng cảm bày tỏ quan điểm” là vi phạm quyền con người, tự gây ảnh hưởng tới vị trí trong Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, việc kết án theo điều 117 BLHS bị cơ quan nhân quyền LHQ coi là "không tương thích với luật nhân quyền quốc tế".
Hay vụ việc một cá nhân vượt biên trái phép vào Việt Nam tự khai nhận tên “Đường Văn Thái” bị lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện. Ngay sau đó, các tổ chức NGO như Ủy ban bảo vệ ký giả - CPJ, Liên đoàn quốc tế nhà báo – IFJ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về trường hợp “nhà báo tự do” Đường Văn Thái mất tích khỏi Bangkok và “bị bắt cóc về Việt Nam”. Kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho Đường Văn Thái và chấm dứt “quấy nhiễu, bắt bớ những người làm báo sống lưu vong”.
Ông Nguyễn Văn Kỷ nhấn mạnh: “Xuyên tạc điều này là một nguy cơ lớn đe dọa an toàn của các nhà báo tại Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật nhân quyền quốc tế, tạo tiền lệ xấu cho sự an nguy của những người làm công tác truyền thông nước ngoài.”
Để công tác đấu tranh và bảo vệ nhân quyền đạt hiệu quả, ngày 12/5/2023, Văn phòng thường trực về nhân quyền đã ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động tuyên truyền hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày nhân quyền thế giới (10/12/1948-10/12/2023) với mục đích đẩy mạnh các hoạt động thông tin đối ngoại về thành tựu đảm bảo quyền con người của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam ổn định, dân chủ, phát triển và là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, qua đó đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để chống phá Việt Nam./.