Lợi dụng dịch Covid-19 để trục lợi: Xử lý nghiêm loại 'virus vô cảm'
Trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, một số hộ kinh doanh, hộ dân đã tranh thủ đầu cơ, tích trữ, thậm chí sản xuất hàng giả nhằm thu lợi bất chính.
Bi hài là, đôi khi chính những người bị hại lại đang có ý định găm hàng để bán giá cao vào dịp này. Ngoài ra còn khá nhiều kẻ xấu cũng dựa vào dịch để tung chiêu hoành hành...
Gậy ông đập lưng ông
Ngày 27/2, Văn phòng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hải Dương đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Đặng Thị Bích Thùy (SN 1992, trú tại phường Trần Phú, TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang) để điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra, hai anh Bùi Công N., (xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) và anh Ngô Ngọc Đ., (trú tại Vạn Phái, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) trình báo về việc bị một đối tượng quen trên mạng xã hội tên là Thùy, nhân viên bán hàng điện thoại tại Hà Nội, nhận cung cấp 80 thùng khẩu trang y tế với giấy tờ đầy đủ, giá 3,2 triệu đồng/thùng. Đối tượng Thùy đề nghị hai anh tìm mối để bán hàng.
Thấy mối hời khi khẩu trang đang tăng giá do dịch bệnh, hai anh N. và Đ. đã nhiều lần chuyển tiền cho Thùy để đặt cọc khi được Thùy yêu cầu. Sau nhiều lần chuyển với số tiền đặt cọc lên đến 650 triệu đồng nhưng vẫn không nhận được hàng, các anh N. và Đ. đã làm đơn trình báo lên cơ quan công an.
Trước đó, ngày 22/2, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đơn vị vừa bắt giữ Lê Thị Lan Na (SN 2001, trú tại xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) để điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại cơ quan công an, Lê Thị Lan Na khai nhận sử dụng 3 tài khoản facebook để rao bán khẩu trang y tế. Khi có khách đặt mua hàng, Na yêu cầu khách hàng chuyển tiền cọc vào nhiều tài khoản khác nhau. Người đặt cọc ít nhất là 300 ngàn đồng, người đặt cọc nhiều nhất 7 triệu đồng. Khi nhận được tiền, Na xóa tin nhắn của mình đã dùng để lừa đảo, chặn tài khoản của bị hại. Na cùng các đồng phạm thực hiện trót lọt hơn 150 vụ lừa đảo trên phạm vi cả nước với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng.
Vừa qua, Công an quận Cầu Giấy đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Bắc (SN 1989, trú tại thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, Yên Bái) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt 350 triệu đồng tiền mua khẩu trang. Tại cơ quan công an, Bắc khai nhận đã dùng tài khoản facebook nhắn tin và gọi điện mời chào chị T. mua khẩu trang y tế với số lượng lớn. Để tạo niềm tin, Bắc đã chuyển trước cho chị T. một thùng khẩu trang. Sau đó, chị T. đã chuyển 350 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng của Bắc để đặt mua 30 thùng khẩu trang. Khi nhận được tiền, đối tượng đã không gửi hàng và chiếm đoạt số tiền mang đi đánh bạc.
Sản xuất, buôn bán nước rửa tay rởm
Đầu tháng 2 vừa qua, Đội QLTT số 26 thuộc Cục QLTT Hà Nội phối hợp với cơ quan công an kiểm tra cơ sở sản xuất nước sát khuẩn, rửa tay khô có địa chỉ tại P.1816 - CT2 Khu nhà ở cán bộ Viện Quân y 103, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì do bà Quách Thị Hà Vân làm chủ. Theo lời khai của chủ cơ sở với cơ quan chức năng, bà này đã mua cồn 90 độ sang chiết từ các can 50 lít ra chậu, pha cùng dung dịch glycerin với nước tinh khiết và đóng vào các chai, lọ bán ra thị trường.
Ngày 26/2, Công an TP. Dĩ An (Bình Dương) đã tạm giữ 1.000 sản phẩm nước rửa tay sát khuẩn giả nhãn mác của các thương hiệu uy tín. Tối trước đó, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an thành phố Dĩ An bất ngờ ập vào cơ sở sản xuất do ông Lê Danh Hiếu (24 tuổi, quê Thanh Hóa) làm chủ ở khu phố Đông Chiêu, phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An) phát hiện cơ sở này đang thực hiện đóng chai các sản phẩm nước rửa tay sát khuẩn. Qua kiểm tra, ông Hiếu không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Công an thu giữ nhiều can hóa chất dùng để pha trộn, sản xuất nước rửa tay sát khuẩn, trên 1.000 sản phẩm giả và khoảng 40.000 tem mác giả nhãn hiệu các thương hiệu uy tín.
Lấy dịch để... câu view
Rất nhiều trường hợp khác lại không hẳn vì lợi nhuận trước mắt, nhưng tung tin nhảm trên mạng xã hội phần để câu view tăng lượng xem, phần để giúp mình... “nổi tiếng”. Đáng chú ý là những thông tin không có kiểm chứng, không có nguồn gốc này lại được chia sẻ chóng mặt và gây hoang mang, phản cảm trong xã hội.
Có thể khẳng định rằng, hành vi lợi dụng dịch bệnh để làm lợi cho cá nhân, là vô cùng phản cảm và vi phạm pháp luật. Mong rằng mọi người dân đều hiểu rằng, những hành vi, thông tin kiểu này đã và đang gây thêm khó khăn cho chính quyền cũng như cộng đồng trong bối cảnh toàn xã hội đang chung tay phòng ngừa dịch bệnh.