Lời gan ruột của cha mẹ Diễm My - cô gái mất tích sau khi đến Tịnh thất Bồng Lai
Võ Thị Diễm My - cô gái liên quan đến vụ án 'Tịnh thất Bồng Lai' đã mất tích 5 năm. Suốt thời gian này, ba mẹ cô vẫn ròng rã đi tìm nhưng chưa có kết quả.
Mới đây, lãnh đạo Công an tỉnh Long An cho biết đơn vị đang truy tìm cô gái Võ Thị Diễm My (SN 1999, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) để phục vụ công tác điều tra liên quan đến vụ án xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai, nơi này còn gọi là Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ.

Tịnh thất Bồng Lai hay còn gọi là Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Võ Văn Thắng (ba ruột của Diễm My) cho hay, con gái ông đã mất tích hơn 5 năm. Trong khoảng thời gian này, gia đình ròng rã đi tìm khắp nơi nhưng không có kết quả.
Ông cho biết gia đình từng nhờ rất nhiều người giúp đỡ, kể cả Công an tỉnh Long An cũng đã vào cuộc điều tra nhưng chưa tìm thấy con gái.

Ba mẹ ruột của Võ Thị Diễm My. Ảnh: báo Dân Trí
Theo ông Thắng, ông không biết liệu con có bị những người trong Tịnh thất Bồng Lai giấu hay không. Giờ đây, ông Thắng chỉ mong phiên tòa sắp tới xử ông Lê Tùng Vân và Lê Thanh Nhất Nguyên sớm kết thúc để có thể tiếp tục hành trình đi tìm con.
Cũng theo ông Thắng, vợ ông vì quá lo lắng, nhớ con mà đổ bệnh, phải nhập viện cấp cứu nhiều lần. "Nghe ai báo tin có người giống con, vợ chồng tôi lại tất tả tìm đến. Nhưng rồi tất cả đều không có manh mối gì. Đến giờ, với chúng tôi, tung tích Diễm My vẫn là một điều bí ẩn", ông Thắng nói.

Đến nay, tung tích của Diễm My vẫn là điều bí ẩn.
Chia sẻ với Dân Trí vào ngày 5/5 vừa qua, bà Đoàn Thị Tuyết Mai (mẹ Diễm My) kể, cách đây 6 năm, gia đình bà cùng họ hàng đi thăm 10 ngôi chùa ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong chuyến đi, Diễm My gặp và tiếp xúc với một nhóm người trong "Tịnh thất Bồng Lai". Nhóm này thường xuyên dùng lời lẽ lôi cuốn để mời gọi Diễm My đến chơi tại cơ sở ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Sau khi trở về TPHCM, Diễm My cùng các chị em con dì ruột đến "Tịnh thất Bồng Lai" để tham quan và thăm các bé. "Từ đó, con bé như bị một thứ gì đó cuốn hút đến mức bỏ nhà đi, xuống đó ở, rồi cạo đầu xuất gia. Vợ chồng tôi nhiều lần đến tìm, nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng mới đưa được con về", bà Mai kể.

Hình ảnh Võ Thị Diễm My và bị can Lê Tùng Vân.
Bà Mai cho biết thêm, ngày 12/12/2019, với sự hỗ trợ của Công an huyện Đức Hòa, Diễm My được đưa trở về nhà.
Sau 6 tháng tịnh dưỡng, sức khỏe và tinh thần của cô dần ổn định. Diễm My xin cha mẹ cho phép đi học trở lại và gia đình đồng ý. Tuy nhiên, đến ngày 20/6/2020, trong lúc đi học, Diễm My bất ngờ bỏ trốn và mất tích cho đến nay.
Liên quan đến vụ án "Tịnh thất Bồng Lai", Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Long An cho biết, TAND huyện Đức Hòa sắp mở phiên tòa xét xử Lê Thanh Nhất Nguyên (34 tuổi, trú tại xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa) với cáo buộc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Lê Thanh Nhất Nguyên
Lê Thanh Nhất Nguyên là con trai của ông Lê Tùng Vân (93 tuổi), cùng sinh sống tại căn nhà ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, được biết đến với cái tên “Tịnh thất Bồng Lai” hay “Thiền am bên bờ vũ trụ”.
Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định rằng từ năm 2015, trong thời gian sinh sống tại “Tịnh thất Bồng Lai”, Nhất Nguyên cùng một số người thường xuyên đăng tải hình ảnh, video lên mạng xã hội, tự nhận đây là chùa, bản thân là “sư thầy” và gọi nhau bằng các danh xưng như “thầy”, “sư phụ”, “chú tiểu”...
Những người này giới thiệu rằng các “chú tiểu” đang sống tại đây là trẻ em bị bỏ rơi, được họ cưu mang, nhằm khơi gợi lòng thương cảm từ cộng đồng. Những hình ảnh và video về các em nhỏ được lan truyền rộng rãi, kèm theo thông tin tài khoản ngân hàng và lời kêu gọi hỗ trợ như: “mọi sự ủng hộ, tài trợ, giúp đỡ và quảng cáo, quý vị vui lòng liên hệ hai thầy trực tiếp nuôi dạy các bé”.
Từ năm 2018 đến 2021, nhiều người tin tưởng các thông tin này và đã gửi tiền, quà dưới hình thức chuyển khoản hoặc trực tiếp trao tặng cho Nhất Nguyên và những người tại nơi cư trú của bà Cúc.
Tuy nhiên, khi phát hiện “Tịnh thất Bồng Lai” không phải là chùa hợp pháp và những người tại đây không phải tu sĩ thật sự, nhiều cá nhân đã làm đơn tố giác hành vi lừa đảo. Kết quả điều tra bước đầu xác định có ít nhất 3 trường hợp bị hại, với tổng số tiền và hiện vật bị chiếm đoạt gần 366 triệu đồng. Ngoài ra, còn có 6 người khác cũng trình báo đã ủng hộ số tiền lớn, nhưng hiện chưa đủ cơ sở chứng minh yếu tố chiếm đoạt.
Bị cáo Lê Tùng Vân.
Ngoài cáo buộc liên quan đến Nhất Nguyên, vụ án còn gắn với ông Lê Tùng Vân - người tự xưng là trụ trì "Tịnh thất Bồng Lai". Trước đó, ông Vân từng bị khởi tố về tội "loạn luân" và lĩnh án 5 năm tù giam. Tuy nhiên, trong vụ án lừa đảo lần này, cơ quan điều tra cho rằng chưa có đủ căn cứ xác định ông Vân cùng các cá nhân khác biết rõ hành vi chiếm đoạt của Nhất Nguyên nên chưa bị xử lý liên quan.
Trước đó, vào năm 2022, Lê Thanh Nhất Nguyên bị tuyên phạt 4 năm tù về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" và hiện đang thi hành án. Cùng vụ án này, ông Lê Tùng Vân và bốn người khác cũng bị tuyên án từ 3 đến 5 năm tù.
Liên quan đến tội danh “loạn luân”, ngày 2/5 vừa qua, TAND huyện Đức Hòa thông báo sẽ tiến hành xét xử sơ thẩm ông Lê Tùng Vân trong tháng 5. Hiện ông đang được tại ngoại, chờ ngày ra tòa.