Lợi gì khi sử dụng hệ thống giao thông thông minh trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng?
Hệ thống giao thông thông minh giúp kiểm soát mọi hoạt động dọc tuyến cao tốc và kịp thời xử lý các tình huống giao thông, giúp giảm tai nạn, ùn tắc, nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của đường bộ
Ông Trần Trọng Vinh, Chủ tịch Hiệp hội An ninh chuyên nghiệp châu Á cho biết, hệ thống giao thông thông minh (Intelligent Transport Systems - ITS) không phải là điều gì quá mới mẻ. Ý tưởng về hệ thống này đã được khởi xướng từ những năm 60, 70 của thế kỷ XX tại Mỹ và các nước châu Âu. Đến nay, mô hình này đã được áp dụng thành công tại nhiều thành phố lớn trên thế giới như Singapore, Barcelona, London, San Francisco...
Hệ thống ITS kết nối các phương tiện, tín hiệu giao thông, trạm thu phí và cơ sở hạ tầng khác để giúp giảm tắc nghẽn, ngăn ngừa tai nạn, giảm khí thải và giúp ngành giao thông vận tải hoạt động hiệu quả hơn.
"Hệ thống giao thông thông minh sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề của giao thông đường bộ, trong đó bao gồm việc xử lý tai nạn và ùn tắc giao thông. Về cơ bản, ITS sẽ sử dụng kết nối thông tin giữa hệ thống giao thông, phương tiện đang di chuyển và con người nhằm hình thành một mạng lưới, qua đó tối ưu việc vận hành và tham gia vào quá trình điều tiết giao thông", ông Vinh nhấn mạnh.
Theo ông Vinh, hệ thống ITS với phân hệ chính là camera giám sát, phát hiện xử lý vi phạm TTATGT đã mang lại hiệu quả to lớn nhằm ngăn ngừa, cảnh báo, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giảm tai nạn, giảm ùn tắc, giảm lượng khí thải... góp phần xây dựng một xã hội an toàn, văn minh, hiện đại và phát triển.
Đây là một hệ thống với công nghệ tiên tiến, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý hình ảnh thông minh, áp dụng vào điều kiện giao thông hỗn hợp tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu theo dõi, giám sát, xử lý các hành vi vi phạm TTATGT và hiện đại hóa công tác tuần tra, kiểm soát, giảm bớt sự có mặt thường xuyên, giảm các biện pháp thủ công của lực lượng CSGT đang thực hiện.
Kiểm soát 100% hoạt động trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, với chiều dài hơn 100km, từ khi đi vào khai thác đã được đầu tư hệ thống ITS, giúp kiểm soát mọi hoạt động dọc tuyến và kịp thời xử lý các tình huống giao thông.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (VIDIFI), chủ đầu tư công trình, ngay từ khi lập dự án, VIDIFI đã thuê tư vấn thiết kế triển khai, ứng dụng hệ thống ITS được tích hợp từ 9 hệ thống công nghệ thành phần chia làm 3 mảng rõ rệt.
Trong đó, mảng giám sát giao thông gồm: hệ thống camera CCTV dọc tuyến, camera dò xe, hệ thống giám sát tải trọng xe, hệ thống biển báo hiệu điện tử và Trung tâm điều hành tuyến).
Mảng thu phí gồm hệ thống thu phí khép kín, hệ thống điện thoại liên lạc nội bộ và Mảng phụ trợ bao gồm hệ thống truyền dẫn, hệ thống cung cấp nguồn, và hệ thống bổ sung như loa phát thanh, camera giám sát cầu vượt.
Tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, hệ thống camera quan sát dọc tuyến gồm 58 camera tự động quay quét có bán kính quan sát trên 1km, có thể phóng to 32 lần, có cơ chế chống rung, giúp quan sát tất cả các hoạt động trên đường cao tốc từ Trung tâm điều hành tuyến đường.
Trung tâm điều hành tuyến luôn có các kỹ sư trực trước màn hình 24/24h, nơi hiển thị thông tin nhận được từ hệ thống camera, cho phép hiển thị tất cả những thông số mà kỹ sư yêu cầu, từ thông tin của hệ thống camera đến thông số xe.
Trung tâm này cũng có nhiệm vụ giám sát toàn bộ hoạt động giao thông trên tuyến đường, từ đó hướng tới mục tiêu: Xử lý khẩn cấp những sự cố giao thông bất ngờ xảy ra trên tuyến; Ứng dụng công nghệ hiện đại và đảm bảo hoạt động các trạm thu phí; Giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông trên cao tốc; Quản lý tuyến đường, điều tiết giao thông của các phương tiện trên đường thông qua hệ thống biển báo điện tử.
Đồng thời, tạo ra hệ thống thông tin cho người đi đường, phổ cập văn hóa giao thông và hỗ trợ quá trình khai thác, điều hành hệ thống giao thông công cộng, chống kẹt xe. Góp phần trong việc sản xuất các phương tiện thông minh, hạn chế ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả của thiết bị an toàn giao thông.