Lời giải cho VN-Index thụt lùi so với thị trường chứng khoán khu vực
Sau khi thị trường tiếp cận vùng MA200 (trung bình 200 phiên), cũng như có dấu hiệu phân phối đỉnh, dòng tiền suy yếu và thiếu nhóm dẫn sóng
Thị trường thiếu nhóm trụ dẫn sóng
Kể từ phiên giao dịch 11/06/2020, sau khi bị bán mạnh, thị trường đã có sự hồi phục nhưng không có nhóm trụ nào nổi trội nâng đỡ thị trường. Trong khi đó, các cổ phiếu trụ bị bán trên diện rộng. Đóng góp sự giảm điểm mạnh nhất phải kể tới VCB đã làm chỉ số giảm gần 5,5 điểm, cổ phiếu BID giảm gần 3,1 điểm, SAB giảm hơn 2,9 điểm...
Như vậy có thể thấy, thị trường thiếu dòng trụ nâng đỡ chỉ số, trong khi đó áp lực bán gia tăng bởi lợi nhuận quý II suy giảm và thị trường đã bước qua mùa đại hội cổ đông với nhiều doanh nghiệp công bố kế hoạch suy giảm cũng đã tác động tới tâm lý nhà đầu tư.
Tự doanh liên tục bán ròng
Thống kê giao dịch của khối tự doanh có dấu hiệu bán ròng chủ yếu từ đầu tháng 6 tới nay. Đặc biệt kể từ phiên bán tháo ngày 11/6.
Dòng tiền trên thị trường chứng khoán
Sau khi chạm vùng MA200, cũng như tác động từ thị trường quốc tế, chỉ số VN-Index đã điều chỉnh và gặp áp lực bán tháo trong hai phiên 11/6 và 15/6, tuy nhiên các phiên sau đó hồi phục thanh khoản có dấu hiệu giảm mạnh, chỉ số thì đi ngang. Điều này phát đi các tín hiệu rủi ro của thị trường chứng khoán đặc biệt là sự sụt giảm mạnh của thanh khoản.
Như vậy, thị trường sau giai đoạn hồi phục mạnh với thanh khoản cao từ đầu tháng 4/2020 tới giữa tháng 6/2020, đã bắt đầu phát đi các tín hiệu dòng tiền bị rút ra, khối tự doanh chứng khoán vẫn bán ròng và đặc biệt là thị trường thiếu nhóm cổ phiếu trụ có đủ sức để nâng đỡ, hỗ trợ chỉ số vượt qua giai đoạn này.
Trên thế giới các thị trường vẫn cho thấy dấu hiệu khởi sắc
Mặc dù thế giới đang xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai nhưng chỉ số Nasdaq Composite của Mỹ có dấu hiệu vượt đỉnh, trong khi các thị trường khống chế dịch tốt như Shanghai (Trung Quốc), Nikkei 225 (Nhật Bản), chỉ số Kospi (Hàn Quốc) đều thể hiện sự hồi phục và tăng điểm.
Trái ngược lại, Việt Nam mặc dù là quốc gia khống chế dịch tốt trên thế giới, cũng như các yếu tố vĩ mô tương đối ổn định như tỷ giá ổn định, không xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ 2 nhưng thị trường chứng khoán lại có dấu hiệu suy yếu.
Thị trường chứng khoán trong nước đang lo lắng sau mùa đại hội của đông và các doanh nghiệp sẽ bước vào giai đoạn công bố báo cáo tài chính quý II với dự đoán có thể suy giảm đáng kể so với cùng kỳ. Đây chính là nỗi lo lớn nhất của nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại, và cũng là tác nhân khiến thanh khoản thị trường giảm mạnh.