Lời giải nào cho hiện tượng cá sông Mã chết hàng loạt? (Bài 1): Tan giấc mơ thoát nghèo

Cứ sau vài ba năm, cá ở hàng trăm lồng nuôi và cả cá tự nhiên sông Mã lại chết hàng loạt, chưa kể những đợt chết lẻ tẻ trong diện hẹp. Rồi sau đó, đa phần những bản kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng có phần 'chung chung', 'an toàn' càng khiến người nuôi và chính quyền các địa phương không xác định được nguyên nhân là do xả thải chất độc hay thời tiết. Và, người nuôi cá cũng chỉ biết trông chờ vào sự may rủi, nhiều hộ đã không dám tái thả trong sự bất lực và chán nản.

Sau “thảm họa cá lồng” năm 2021, đến các tháng đầu năm 2024 này, cá lồng sông Mã của các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy lại chết trắng. Người nuôi cá còn chưa kéo lại được vốn, lại một lần nữa trắng tay. Nhiều hộ nợ chồng nợ, rơi vào vòng luẩn quẩn của sự nghèo khó.

Người nuôi cá lồng ở thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) vẫn chưa hết bàng hoàng và tiếc của khi các lồng cá trắm đến kỳ thu hoạch bị chết.

Người nuôi cá lồng ở thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) vẫn chưa hết bàng hoàng và tiếc của khi các lồng cá trắm đến kỳ thu hoạch bị chết.

Nước mắt trên những lồng trống

Dọc sông Mã qua các huyện miền núi Cẩm Thủy, Bá Thước, không còn cảnh nhộn nhịp ở các khu vực nuôi cá lồng như trước. Thay vào đó là khung cảnh tĩnh lặng, trầm buồn. Qua những ngõ nhỏ quanh co với đất đỏ nhão nhoẹt sau đợt mưa, những ngôi nhà mái tôn lụp xụp của các hộ nuôi cá lồng tại khu phố 1 Lâm Xa, thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) đã hiện ra. Nơi đây có nhiều hộ nghèo, nguyên là những gia đình thuyền chài lênh đênh trên sông, gần đây mới mua được những mảnh đất nhỏ trên triền dốc ven sông để định cư.

Anh Nguyễn Văn Tuấn - hộ gia đình có 3 lồng cá bị chết, vẫn không giấu hết nỗi buồn: “Cá trắm cỏ gia đình tôi đã nuôi gần 1 năm, đạt trọng lượng 2 đến 3 kg, đang chuẩn bị bán thì chết trắng. Hơn trăm con cá dự định xuất cho thương lái với giá khoảng 80.000 đồng/kg, trị giá khoảng 24 - 25 triệu đồng đã phải vớt để tiêu hủy. Bao công sức lao động của vợ chồng tôi với ngày 2 lần cắt cỏ, thái chuối, đúng đến lúc cho kỳ vọng thu nhập cao nhất thì bỗng chốc đổ sông đổ bể”.

Theo những người dân địa phương, hiện tượng cá sông Mã chết trắng diễn ra thành nhiều đợt trong khoảng thời gian từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 vừa qua, không chỉ cá nuôi trong lồng mà cả cá tự nhiên. Mỗi lần cá chết hàng loạt, đều trùng hợp thời điểm nước sông Mã có màu đen kịt, bốc mùi hôi khó chịu.

Hơn 1 tháng trôi qua, người nuôi cá vẫn thất thần bên các ô lồng trống và những khoản nợ.

Hơn 1 tháng trôi qua, người nuôi cá vẫn thất thần bên các ô lồng trống và những khoản nợ.

Dù sự việc cá chết đã diễn ra cả tháng, nhưng chị Nguyễn Thị Hoa ở khu phố 1 Lâm Xa vẫn chưa hết bàng hoàng và tiếc nuối. Bởi 4 lồng cá trắm với tổng khối lượng hơn 3 tạ chính là toàn bộ nguồn thu mà gia đình trông chờ trong gần 1 năm qua. Chồng không may mất sớm, chị cùng vợ chồng con trai nương tựa lẫn nhau trong căn nhà tạm. Không nghề phụ, cả gia đình hộ nghèo này nhìn vào các lồng cá và việc người con trai dong thuyền tre ra sông thả lưới, mỗi ngày thu hoạch trung bình chưa nổi năm chục nghìn đồng.

Kể lại chuyện toàn bộ cá trong lồng bỗng lần lượt chết nổi, người phụ nữ 55 tuổi không khỏi rơm rớm nước mắt: “Tôi đang vay 70 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội qua kênh hội phụ nữ để đầu tư nuôi cá lồng. Lâu nay mỗi tháng trả tiền lãi hơn 600 nghìn đồng, thì chúng tôi cũng cố gắng được. Toàn bộ tiền gốc đang nhìn vào thu hoạch lứa cá để trả, nhưng phải đứng nhìn đàn cá chết mà lòng như quặn thắt. Gia đình đang hi vọng sẽ hết nợ ngân hàng, tiến tới làm ăn để thoát nghèo thì nay nợ chồng nợ, chưa biết sẽ lấy tiền đâu để trả”.

Trước thời điểm cá chết, 689 hộ dân huyện Bá Thước đã phát triển lên hơn 1.000 lồng nuôi lớn nhỏ trên sông Mã.

Trước thời điểm cá chết, 689 hộ dân huyện Bá Thước đã phát triển lên hơn 1.000 lồng nuôi lớn nhỏ trên sông Mã.

Thống kê mới nhất từ UBND huyện Bá Thước, tính đến ngày 4/5/2024, toàn huyện đã có 231 lồng nuôi của 175 hộ dân có hiện tượng cá chết. Tổng sản lượng cá lồng chết là hơn 13,1 tấn, không kể cá ngoài tự nhiên. Hiện tượng cá chết diễn ra tại thị trấn Cành Nàng và 7 xã: Thiết Kế, Thiết Ống, Ban Công, Ái Thượng, Hạ Trung, Lương Trung, Lương Ngoại.

Cùng phóng viên xuống quan sát các ô lồng đã trống cá, chị Nguyễn Thị Hoa lại một lần rơi lệ. Theo chị, vì quá tiếc của mà mỗi ngày vài lần, chị đều xuống nhìn lồng nuôi rồi không cầm lòng được. Hỏi việc có đầu tư nuôi tiếp hay không, người phụ nữ trông già hơn tuổi cũng chưa thể trả lời vì không còn vốn, lại sợ vay mượn đầu tư mà cá tiếp tục chết thì ước mơ thoát nghèo sẽ ngày càng xa...

Đe dọa nghề tiềm năng

Sau gần 2 năm qua, hoạt động nuôi cá lồng đang có phần thuận lợi, cùng với cơ chế hỗ trợ của huyện theo nghị quyết, người dân ven sông Mã huyện Bá Thước đã phát triển lên hơn 1.000 lồng nuôi lớn nhỏ. Đến nay, toàn huyện miền núi này đã có 689 hộ dân tham gia phát triển các lồng cá. Các xã ven sông Mã đoạn qua địa bàn cũng coi việc phát triển nuôi cá lồng là nghề tiềm năng và được khuyến khích. Một số hộ nuôi cá lăng, cá ké, còn đa phần là cá trắm cỏ vì nguồn thức ăn là thân và lá chuối, cỏ cây ở đây vô cùng phong phú. Nhiều người dân ở các xã Thiết Ống, Thiết Kế, Lương Ngoại, Lương Trung, thị trấn Cành Nàng... còn lấy việc nuôi cá lồng làm hướng mưu sinh chính của gia đình.

Thực tế tại địa phương, nuôi cá lồng không mất nhiều công, lại là khoản thu nhập quan trọng với nhiều gia đình, trở thành hoạt động kinh tế xóa đói giảm nghèo đang được kỳ vọng. Theo phân tích của ông Hà Văn Tâm - một hộ nuôi cá lồng thì: “Một hộ chỉ cần 2 lồng nuôi loại rộng 20 m2, chỉ cần buổi sáng tranh thủ ít phút lấy cỏ, lá mía, cỏ voi hay lá chuối, hoặc chiều tối tranh thủ cắt cỏ cho cá ăn, không mất nhiều công. Tuy nhiên, thu nhập của mỗi lồng cá chia ra trung bình mỗi tháng cũng được khoảng 2 triệu đồng, tuy không quá lớn nhưng rất quan trọng với những hộ đồng bào miền núi, nhất là hộ nghèo. Chính vì hiệu quả và nhiều tiềm năng như vậy nên đã có hộ phát triển cả chục lồng nuôi”.

“Từ năm 2012, khi 2 nhà máy thủy điện trên địa bàn lần lượt ngăn đập, đã tạo nên 2 khu vực lòng hồ rộng lớn, mang lại tiềm năng cho nghề nuôi cá lồng. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bá Thước cũng đã ban hành Nghị quyết số 03 về quản lý và khai thác vùng lòng hồ, trong đó có quản lý đánh bắt tự nhiên và nuôi cá lồng. Đến nay, nuôi cá lồng trên sông Mã đã trở thành hoạt động kinh tế quan trọng của nhiều địa phương trong huyện” - ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước, cho biết.

Những nhen nhóm hi vọng của nghề nuôi cá lồng đang được nhân lên thì đã bị dập tắt bởi đợt cá chết vừa qua. Cùng thời điểm cá tại huyện Bá Thước chết hàng loạt, xuôi về phía hạ nguồn, tại xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy) cũng có 21 lồng cá của 7 hộ nuôi bị chết. Ngoài ra, trên địa bàn sông qua 2 huyện, xác cá tự nhiên cũng được phát hiện chết nổi rất nhiều.

Giấc mơ xóa nghèo của nhiều người dân ven sông Mã bị dập tắt sau những đợt cá chết.

Giấc mơ xóa nghèo của nhiều người dân ven sông Mã bị dập tắt sau những đợt cá chết.

“Nguyện vọng của người nuôi cá lồng cũng như huyện Bá Thước là không để xảy ra ô nhiễm trên sông Mã. Trên thực tế, từ Hòa Bình, qua Quan Hóa về Bá Thước có rất nhiều cơ sở chế biến lâm sản, nhất là các nhà máy giấy. Về lâu dài, phải kiểm soát được xả thải, môi trường sông Mã mới an toàn, nghề nuôi cá lồng mới có thể bền vững. Việc này cần sự chung tay của liên huyện, liên ngành, thậm chí cả liên tỉnh” - một lãnh đạo huyện Bá Thước trăn trở.

Nhóm PV

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/loi-giai-nao-cho-hien-tuong-ca-song-ma-chet-hang-loat-215519.htm