Lời giải nào cho kinh tế báo chí?
Báo in bị thất thế bởi báo điện tử; nhưng báo điện tử cũng bị tấn công bởi mạng xã hội (không gian mạng) dẫn đến nguồn thu bị giảm sút nghiêm trọng, các cơ quan báo chí trong nước đang khá khó khăn. Cái khó không phải bởi các cơ quan báo yếu về năng lực, cái khó là để mạng xã hội quá 'tự do' dẫn đến nguồn quảng cáo bị hút quá nhiều vào nền tảng số này.
Doanh thu ngày càng sụt giảm
Tại Hội thảo “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” diễn ra ngày 14/6/2024 tại Thành phố Hà Nội, do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng dẫn báo cáo tại Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2023 cho biết: Tính đến hết năm 2023, đối với báo, tạp chí tỷ lệ tự đảm bảo chi thường xuyên chiếm 39%, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chiếm 36%, ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên chiếm 25%.
Đối với phát thanh, truyền hình thì tỷ lệ đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư chiếm 6,94%, tự đảm bảo chi thường xuyên chiếm 26,39%, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chiếm 66,67%.
Doanh thu của các báo, tạp chí 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Còn tổng nguồn thu năm 2023 của các đài Phát thanh truyền hình giảm hơn 20% so với năm 2022. Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo (tức 10% tổng thời lượng phát sóng/ngày; 5% tổng thời lượng phát sóng đối với kênh truyền hình trả tiền). Có Đài, thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày.
Cũng tại hội thảo này, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, số liệu doanh thu quảng cáo của báo chí toàn cầu trong giai đoạn từ 2019 - 2024 với các ấn phẩm số tăng nhưng không đáng kể từ 11,6 tỷ lên 11,9 tỷ USD, trong khi với báo in năm 2019 từ 35,1 tỷ USD thì đến năm 2024 dự kiến sẽ chỉ còn 21,4 tỷ USD. Doanh thu phát hành cũng tương tự, báo in sụt giảm từ 53 tỷ USD cho đến 2024 dự kiến là dưới 40 tỷ USD, trong khi rất nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đã có nguồn thu phí và các hình thức khác trên báo điện tử, nhưng mức tăng từ 5,3 tỷ USD đến 8,4 tỷ USD – tuy lớn vậy nhưng không bù đắp được nguồn thu mất đi từ báo in.
“Giải bài toán” tăng nguồn thu
Nhiều người làm báo lâu năm tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cho biết, trong 3 năm trở lại đây, khi kinh tế khó khăn kéo theo hoạt động của báo chí cũng khó khăn. Nguồn thu từ hoạt động quảng cáo của báo chí đã bị sụt giảm nhiều năm liền và chưa dừng lại ở đó.
Trong khi đó, theo nhà báo Minh Hoàng, hiện đang làm việc tại một tờ báo lớn ở TP.HCM cho biết, trong bối cảnh toàn cầu đang đẩy mạnh việc chuyển đổi số, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội thì đòi hỏi các cơ quan báo chí phải thay đổi cách tiếp cận quảng cáo truyền thông nhằm thu hút công chúng và lôi kéo nhà quảng cáo. Theo đó hiện nay nhiều tờ báo thay vì quảng cáo như truyền thống trước đây thì họ phát triển các hoạt động sau mặt báo như: Thực hiện các chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp, giao lưu trực tuyến, hay các hội thảo…đó cũng là một cách làm kinh tế báo chí trong giai đoạn hiện nay. Song song đó, thị phần quảng cáo trước đây vốn của báo chí nói chung thì hiện nay đang chuyển về một số nền tảng mạng xã hội khác như: Tiktok, YouTube, Facebook…điều này cũng đòi hỏi báo chí phải “chuyển mình” để phù hợp hơn với “khách hàng”.
Trên thực tế, môt số tờ báo thời gian qua đã giao chỉ tiêu cho các phóng viên, văn phòng và đội ngũ truyền thông để tăng cơ hội tìm nguồn tài chính cho tờ báo. Do đó, nhiều phóng viên, nhà báo trước đây vốn chỉ hoạt động chuyên về nội dung nay cũng phải tiếp cận thêm phần truyền thông, quảng cáo trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Một số tờ báo cũng đã vận hành đọc báo có thu phí, hay đọc báo tặng sao…mục đích cũng để tăng thêm nguồn thu cho tờ báo.
Do đó, ngoài nhiệm vụ chính trị, báo chí hiện nay cũng đang dần dần tự chủ về kinh tế nên việc thay đổi phù hợp với quy định của pháp luật để tồn tại và phát triển cũng là cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết. Nhưng trong bối cảnh đó sự nguy hiểm của người làm báo cũng dễ bị đẩy qua “lằn ranh đỏ”.
Trong bối cảnh miếng bánh doanh thu bị thu hẹp bởi sự bùng nổ của social media (phương tiện truyền thông mạng xã hội) việc giải bài toán kinh tế của các cơ quan báo chí là vấn đề sống còn. Điều này không chỉ là vấn đề kinh tế đơn thuần mà còn là vấn đề giữ nghề trong đời sống của phóng viên, nhà báo. Giảm thiểu rủi ro cho người làm báo về một số “biến tướng”trong hoạt động về kinh tế báo chí.
Lãnh đạo một cơ quan báo chí tại phía Nam cho biết cách đây hơn 10 năm song song với câu chuyện số hóa báo chí, cơ quan truyền thông này đã “thay máu” trong kinh tế báo chí. “Chúng tôi không chỉ khẩu hiệu suông về đa dạng hóa nguồn thu báo chí mà thực hành thực sự về khẩu hiệu này. Đầu tiên chúng tôi đã thẳng thắn nhìn nhận sự sụt giảm trong doanh thu quảng cáo, bán báo sẽ lỗ lũy kế theo năm mà không thể tăng trưởng. Thừa nhận báo chí khó chiến thắng với social media trong cuộc đua thị phần quảng cáo. Từ thực tế đó chúng tôi không chống lại xu thế sụt giảm của quảng cáo báo chí mà tăng nguồn thu cho tờ báo từ những hoạt động khác. Cụ thể như tổ chức các triển lãm (EXPO), hoạt động kết nối đầu tư, tổ chức sự kiện (event)… thậm chí giảm những nguồn chi của các hoạt động không còn hiệu quả” – vị này chia sẻ.
Thực tế nhiều cơ quan báo chí đã rất nhạy bén trong câu chuyện chuyển đổi hoặc đa dạng nguồn thu từ thị trường mới, từ nhu cầu mới trong ngành quảng cáo truyền thông. Mỗi cơ quan báo chí sẽ có một câu trả lời riêng nhưng phải thừa nhận một thực tế về thời thế đã đổi thay và cách làm phải thay đổi điều này đòi hỏi sự kiến tạo từ những CEO báo chí thời đại mới.
Theo chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, các cơ quan báo chí tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%. Hiện nay, hàng năm chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước.
Thành Đồng
Báo chí là sản phẩm mang tính chính trị và thông tin, giải trí nhưng cũng phải tuân thủ quy luật cung - cầu. Tuy vậy, hiện nay theo quy định mỗi cơ quan báo chí phải viết đúng theo tôn chỉ mục đích. Điều này không sai, vì báo chí nước ta là nền báo chí cách mạng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Song để báo chí vừa hoàn thành sứ mệnh chính trị, vừa phát triển đảm bảo các cân đối về tài chính các cơ quan chức năng cần có những quy định khắt khe và quy chuẩn hơn về thông tin trên mạng xã hội, đồng thời cũng sớm ban hành cơ chế hỗ trợ về tiền lương, đặt hàng cho các cơ quan báo chí.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/loi-giai-nao-cho-kinh-te-bao-chi-172425.html