Lời giải tăng sức hút cho Việt Nam với tư cách một trung tâm sản xuất
Khi nhìn vào chiến lược 'Trung Quốc +1', để tăng sức hút cho Việt Nam với tư cách một trung tâm sản xuất đang đặt ra vấn đề không chỉ khai thác các lợi thế vốn có mà còn cần củng cố ngành công nghệ trong nước. Đặc biệt là phải nâng tầm vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu thay vì chỉ dừng lại ở công đoạn gia công lắp ráp như lâu nay.
Gần đây, khi dẫn 60 lãnh đạo doanh nghiệp (DN) ở khu vực Vịnh Lớn của Trung Quốc gồm Quảng Đông-Hồng Kông-Macao (GBA) đến Tp.HCM tìm hiểu đầu tư, Ts. Jonathan Choi, Chủ tịch Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hồng Kông và là Chủ tịch Tập đoàn Sunwah, đã bày tỏ kỳ vọng vào việc triển khai thêm nhiều dự án hợp tác trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất tiên tiến và công nghệ xanh.
Nhìn từ chiến lược “Trung Quốc +1”
Khi đến gặp giới chức lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Ts. Choi đã thể hiện sự mong muốn khảo sát một số khu công nghiệp để tìm hiểu cơ hội đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Từ chiến lược “Trung Quốc+1” đang đặt ra vấn đề để tăng sức hút cho Việt Nam với tư cách một trung tâm sản xuất đòi hỏi cần củng cố ngành công nghệ trong nước và nâng tầm vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Có thể thấy mức độ quan tâm đầu tư vào lĩnh vực sản xuất (đặc biệt là công nghệ cao) ở Việt Nam của các DN ở khu vực ven biển Trung Quốc như Vịnh Lớn được xem như chiến lược “Trung Quốc +1” (một chiến lược kinh doanh mà các tập đoàn quốc tế áp dụng để tránh chỉ đầu tư vào Trung Quốc, đa dạng hóa hoạt động kinh doanh sản xuất sang các quốc gia khác).
Đứng ở góc độ chuyên gia kinh tế, Ts. Santiago Velasquez (Đại học RMIT), nhận định chiến lược “Trung Quốc + 1” sẽ tiếp tục nâng cao sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách một trung tâm sản xuất. Vị trí chiến lược và thị trường lao động cạnh tranh với mức lương chỉ bằng một nửa so với các khu vực ven biển Trung Quốc mang lại lợi thế đáng kể. Sản xuất, xuất khẩu cũng được hưởng lợi từ nhu cầu toàn cầu mạnh mẽ và nền kinh tế Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào thương mại quốc tế.
Ts. Velasquez nhấn mạnh vào sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các tập đoàn toàn cầu như Samsung, Apple, và Lego. Những tên tuổi mới nổi như Nvidia dự đoán cũng sẽ gia nhập, củng cố thêm vị thế của Việt Nam. Từ cách đây 2 năm, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cao gấp đôi so với các nước khác trong khu vực như Indonesia và Philippines. Và dòng vốn FDI cùng với sản xuất xuất khẩu được kỳ vọng sẽ là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025.
Từ chia sẻ của vị chuyên gia này, sẽ thấy việc khẳng định tư cách một trung tâm sản xuất công nghiệp là rất quan trọng trong lúc này để tăng sức hút cho Việt Nam trong mắt giới đầu tư nước ngoài và kể cả với DN trong nước. Và trung tâm sản xuất này sẽ tạo “đòn bẩy” lớn cho hoạt động xuất khẩu.
Như dự đoán mới đây của Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán MBS, xuất khẩu sẽ tăng trưởng 9% - 10% trong năm 2025, thặng dư cán cân thương mại ở mức 27 tỷ USD. Điều này dựa trên một trong những yếu tố quan trọng là các dấu hiệu tích cực của dòng vốn FDI vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động thương mại.
Ngoài ra, vị thế trung tâm sản xuất còn có thể thấy rõ ở việc thu hút đầu tư vào công nghệ cao, điển hình là công nghệ bán dẫn. Theo Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán KBSV, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2025 và được đóng góp thêm bởi mức tăng của dòng vốn FDI ngành bán dẫn.
Như kỳ vọng của KBSV, Việt Nam sẽ có thể tiếp tục hưởng lợi từ căng thẳng Mỹ - Trung và là điểm đến cho các DN muốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc nhờ sở hữu những lợi thế. Theo đó, chi phí sản xuất thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc; vị trí địa lý gần Trung Quốc, thuận lợi cho việc dịch chuyển sản xuất của các DN.
Hơn thế nữa, chiến lược ngoại giao “cây tre” của Chính phủ Việt Nam giúp hạn chế các rủi ro liên quan đến các vấn đề chính trị. Ở trong nước đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Cùng với đó là việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với độ phủ rộng hơn 60 quốc gia toàn thế giới. Điều này sẽ giúp dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng.
Phải nâng tầm vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu
Ngoài ra, những bước tiến gần đây cho thấy Việt Nam có thể trở thành điểm đến triển vọng đối với dòng vốn FDI ngành bán dẫn. Kể từ năm 2023, Việt Nam đã thu hút số lượng dự án đầu tư ngành bán dẫn gia tăng đáng kể, chỉ đứng sau Singapore và Malaysia trong khu vực ASEAN.
Bộ phận phân tích của KBSV cũng kỳ vọng, trong giai đoạn tới Việt Nam sẽ thu hút được nhiều hơn nữa các dự án FDI vào ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là những dự án công đoạn ATP (lắp ráp, kiểm thử).
Điều này nhờ vào sự cạnh tranh gay gắt trong ngành bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc thúc đẩy các DN đa quốc gia dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Việt Nam có vị trí địa lý nằm gần Trung Quốc. Trung Quốc là quốc gia cung cấp nhiều khoáng sản quan trọng cần thiết cho ngành bán dẫn và chiếm 79% sản lượng silicon thô (dùng sản xuất chip) toàn cầu. Điều này giúp các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam có thể tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Đó là chưa kể định hướng của chính phủ giúp thu hút vốn FDI vào ngành công nghệ chất bán dẫn. Cụ thể là chiến lược C = SET + 1 (Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024), theo đó sự phát triển ngành bán dẫn dựa trên bốn yếu tố: Thứ nhất là sản xuất chip chuyên dụng. Thứ hai là tăng trưởng ngành điện tử/công nghiệp điện tử. Thứ ba là xây dựng đội ngũ kỹ sư bán dẫn tài năng. Thứ tư là kiến tạo Việt Nam trở thành điểm đến mới cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài “mảnh đất màu mỡ” ở lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, để Việt Nam khẳng định vị thế một trung tâm sản xuất của khu vực nhằm tăng sức hút với giới đầu tư đang đòi hỏi cần phải cải thiện nhiều hơn ở chuỗi cung ứng nội địa.
Như lưu ý của PGs.Ts. Phạm Thị Thu Trà, chuyên gia kinh tế, nghịch lý là tỷ trọng xuất khẩu dựa trên gia công lắp ráp từ nguyên liệu nhập khẩu của DN Việt đã tăng mạnh những năm qua, từ 3 tỷ USD (21,44% tổng kim ngạch xuất khẩu) năm 2000 lên 171,5 tỷ USD (48,01%) năm 2022. Trong khi đó, tỷ lệ này chỉ là 13,51% cho Trung Quốc, 28,96% cho Thái Lan, 34,25% cho Singapore và 26,38% cho Malaysia. Đặc biệt là các nước này đều ghi nhận sự sụt giảm tỷ lệ qua các năm, trái với xu hướng của Việt Nam.
Chính vì vậy, điều cốt lõi để tăng thêm sức hút cho Việt Nam là phải nâng tầm vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, không chỉ dừng lại ở công đoạn gia công lắp ráp. Đây cũng là khuyến nghị chính sách lâu nay, cùng với việc thu hút dòng vốn FDI thì các DN Việt nên tham gia sản xuất các sản phẩm cường độ vốn cao hơn hoặc tích hợp theo chiều dọc, để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của khối FDI, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo giá trị gia tăng cho quốc gia. Nếu DN Việt không thể tự “nâng cấp” vị thế, Chính phủ cần có các biện pháp hỗ trợ để giúp họ tiến xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.