Lời hẹn dang dở của chiến sĩ hy sinh khi bị núi lở vùi lấp ở Quảng Trị: 'Anh nói sẽ tổ chức 20/10 cho vợ, mà nay lại về trên chiếc xe cứu thương'
Chịu nỗi đau mát, thân nhân 22 chiến sĩ quân nhân hy sinh trong vụ sạt lở núi ở đoàn kinh tế quốc phòng 337, thôn Cợp, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) không thể cầm lòng.
Ngày 19/10, Đoàn xe cứu thương lần lượt đưa thi thể các nạn nhân từ hiện trường vụ sạt lở núi ở đoàn kinh tế quốc phòng 337, thôn Cợp, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) về Nhà thi đấu đa năng TP Đông Hà để làm tang lễ. Đến 14h30 cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy tất cả 22 quân nhân bị vùi lấp trong vụ lở núi.
Bên ngoài cổng nhà thi đấu, hàng chục người thân các nạn nhân có mặt từ sớm để chờ nhận thi thể. Nhiều người không cầm nổi nước mắt, gào khóc đòi vào bên trong.
Lần lượt từng chiếc xe cứu thương chở thi thể các quân nhân xếp thành hàng dài nối tiếp nhau vào nhà thi đấu. Đồng đội khoác trên mình bộ đồ bảo hộ và đồ y tế, kìm nén nỗi đau đưa thi thể các anh về tẩm liệm.
Bật khóc ôm con gái vào lòng, chị Nguyễn Thị Giao Linh, vợ quân nhân Phạm Ngọc Quyết (chiến sĩ sư đoàn 337 hi sinh trong vụ sạt lở núi kinh hoàng) dõi nhìn theo đoàn xe cứu thương. Trong số 22 quân nhân đã hy sinh ấy có chồng chị và những đồng đội của anh.
Bần thần một hồi lâu, chị Linh kể, khoảng 4h sáng ngày 18/10 (3 giờ sau vụ sạt lở núi) chị nhận được tin. Bất giác chị vội lấy điện thoại liên tục gọi vào máy của chồng nhưng không một tin tức, số máy thuê bao.
Linh cảm có chuyển chẳng lành, thế ia sáng duy nhất giúp chị thắp lên chút hi vọng, là số máy còn lại của chồng vẫn đổ chuông. Chị gọi, nhưng sợ gọi nhiều máy hết pin nên chẳng dám gọi nhiều mà chuyển sang nhắn tin. Những tin nhắn cứ thế gửi đi mà không được trả lời. Sốt ruột, chị quyết định gọi tới đơn vị của chồng.
Khi gọi điện tới đơn vị của anh Quyết thì nhận tin dữ sạt lở núi vùi lấp dãy nhà nơi anh cùng đồng đội đang ở. "Họ bảo, chỉ có vài quân nhân bị thương nhẹ, mọi người đang tập trung khắc phục sự cố nên anh chưa thể nghe máy được.
Nghe đơn vị của anh nói vậy, tôi nghĩ chắc vụ việc không nghiêm trọng lắm, anh và các đồng đội vẫn an toàn. Không thể ngờ anh và đồng đội hi sinh, tin nhắn cuối tôi gửi cho chồng anh còn chưa kịp đọc", chị Linh bật khóc.
Chị chia sẻ, vợ chồng lấy nhau đến nay đã có 2 mụn con. Tuy anh hay xa nhà nhưng rất chăm lo cho gia đình, thường xuyên động viên mọi người cố gắng. Trước khi gặp nạn, ngày nào anh Quyết cũng điện về hỏi thăm vợ con, chị cũng dặn anh giữ gìn sức khỏe.
Do đặc thù công việc nên anh Quyết thường xuyên xa nhà, có khi 3 tháng mới về 1 lần vì thời gian nghỉ phép ít, chỉ tranh thủ về thứ 7, chủ nhật rồi lại lên đơn vị. Đợt nước ngập hôm chủ nhật vừa rồi cũng là lần cuối cùng anh về thăm nhà.
"Hôm đó anh về thăm nhà muốn gặp 2 con nhưng không gặp được vì các cháu ở dưới ông bà ngoại nước ngập nặng không về được nên sau anh quay về đơn vị. Không ngờ đó là lần cuối cùng anh về thăm nhà, đơn vị mới nơi anh hy sinh tôi vẫn chưa một lần lên thăm anh", chị Linh nghẹn ngào.
Chị xúc động nhớ lời dặn của chồng "Quân nhân bọn anh sức khỏe cường tráng, em khỏi lo. Mấy mẹ con nhớ chăm sóc mình. Mấy hôm biết ở quê ngập nặng anh gọi điện, nhắn tin về cho vợ dặn dò tình hình nước lên, vợ và bố mẹ ở quê nhà cẩn thận. Anh sống rất tình cảm, hay nhắn tin bày tỏ tình cảm với vợ và 2 con.
Mỗi lần anh về nhà thường rèn luyện cho các con tính kỷ luật quân đội, dạy các con tăng gia sản xuất, rèn luyện đức tính của bộ đội. Trên đơn vị anh làm tăng gia như thế nào về anh dạy con như vậy. Mỗi lần được nghỉ phép mấy ngày, anh về là tranh thủ hết thời gian bên vợ con, đưa con đi chơi công viên, siêu thị...", chị Linh nhớ lại những hồi ức về chồng khắc sâu trong lòng.
Chị không cầm được nước mắt chờ nhận mặt chồng. Chị khóc khi nhắc về những kỷ niệm và cả dự định của hai vợ chồng còn dang dở. Đến những bức ảnh cả nhà chụp chung cũng rất ít ỏi.
"Thời gian anh trên đơn vị nhiều hơn ở nhà với vợ con nên cả nhà rất ít có hình chụp chung. Mấy lần về anh đưa con đi chơi thì tôi lại bận việc nọ việc kia nên khi đó chỉ có 3 bố con chụp với nhau.
Đến khi anh lên đơn vị thì lại còn có 3 mẹ con. Với người bình thường như mình thì năm nào cũng có ngày 20/10. Nhưng với công việc của chồng năm nào ngày đó không vào thứ 7, chủ nhật thì không có ngày 20/10. Mỗi năm được về với vợ anh đều có bó hoa tặng vợ. Trước ngày gặp nạn, anh vẫn không quên nhắn tin dặn dò hôm đó anh sẽ về tổ chức 20/10 cho vợ nhưng nay anh lại trở về trên chiếc xe cứu thương", chị Linh nghẹn ngào.
Chồng hy sinh, với chị Linh giờ đây nguồn động viên chính là hai đứa con và là nguồn sống của chị. Anh đã ra đi mãi mãi nhưng những tình cảm của anh giành cho vợ con, gia đình vẫn hiện hữu mãi trên cõi đời này.
"Cháu lớn biết tin bố mất rất buồn, nhưng khi bố ở nhà được bố rèn luyện tính kỷ luật trong quân đội mạnh mẽ nên dù rất buồn nhưng vẫn kiên cường. Cháu nói giờ làm chỗ dựa cho mẹ và em. Rồi cháu bảo sau này ước mơ được làm bộ đội giống bố.
Anh cả đời sống theo nhiệm vụ người lính, lũ lụt gì cũng lo cho dân, ở nhà mẹ con tôi tự lo cả. Giờ anh mất mà nguyện vọng đưa anh về quê nhà Quảng Bình cũng không được chỉ bởi lũ lụt", chị Linh nghẹn ngào.
Ở nhà thi đấu đa năng TP Đông Hà không riêng gì chị Linh mà còn rất nhiều người phụ nữ chung cảnh mất chồng như chị. Ngồi lịm đi trước cổng nhà thi đấu, chị Triệu Thị Nhung không thể đứng vững khi chồng là thượng úy Trần Quốc Dũng có tên trong danh sách 22 nạn nhân.
"Ngày 20/10 cũng là sinh nhật tôi. Hôm trước anh hứa là sẽ về thăm nhà và chụp ảnh chung cùng gia đình. 10 năm qua, kể từ ngày cưới gia đình tôi chưa có tấm ảnh nào trọn vẹn. Anh hứa anh về mà...", nói rồi chị Nhung lại gào khóc gọi tên chồng.
Theo quyết định được Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch ký ngày 19/10, Thượng tá Lê Văn Quê (Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật, Đoàn Kinh tế quốc phòng 337) được truy thăng quân hàm lên Đại tá; Thiếu tá Phùng Thanh Tùng (trợ lý Tổ chức Lao động tiền lương, Phòng Tham mưu - Kế hoạch) được thăng quân hàm lên Trung tá.
Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Phạm Ngọc Quyết (trợ lý Tổ chức lao động tiền lương, Phòng Tham mưu - Kế hoạch), được thăng quân hàm lên Trung tá quân nhân chuyên nghiệp; Trung úy lê Hải Đức (trợ lý Kế hoạch, Phòng Tham mưu - Kế hoạch), được thăng quân hàm lên Thượng úy.
Cùng ngày, Bộ tư lệnh Quân khu 4 quyết định truy thăng quân hàm quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc Đoàn kinh tế quốc phòng 337.