Lời hứa gió bay
Ngày 14-11, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi Nga phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình ở Ukraine và bỏ phiếu thông qua nghị quyết tạo ra một khuôn khổ bồi thường thiệt hại cho cuộc chiến Nga tiến hành ở Ukraine vào cuối tháng 2-2022. Nội dung nghị quyết này do Ukraine, Canada, Hà Lan và Guatemala đề xuất. Theo nghị quyết, Nga 'phải chịu hậu quả pháp lý của tất cả các hành vi quốc tế sai trái của mình', bao gồm cả việc bồi thường thiệt hại đã gây ra vì tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine. Mặc dù không mang tính ràng buộc thực thi nhưng vấn đề đặt ra ở đây là nội dung của nghị quyết này có mang đúng ý nghĩa theo luật pháp và thông lệ quốc tế cũng như bản chất nhân văn, nhân đạo vốn có của nó hay không?
Đây là lần thứ 4 Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu thông qua nghị quyết bất lợi cho Nga vì liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Tuy nhiên, số quốc gia bỏ phiếu trắng và phản đối nghị quyết ngày càng tăng. Vào ngày 2-3-2022, Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu lên án chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine. Nghị quyết này có 141 nước bỏ phiếu ủng hộ, 5 nước bỏ phiếu chống và 35 nước bỏ phiếu trắng. Tiếp đó, ngày 7-4-2022, Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Ngày 12-10-2022, Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết lên án việc Nga sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine. Có 93 nước bỏ phiếu ủng hộ, 58 nước bỏ phiếu trắng và 24 quốc gia bỏ phiếu chống. Đến nghị quyết ngày 14-11-2022, chỉ còn 94 trong số 193 thành viên của Đại hội đồng LHQ ủng hộ, 14 nước phản đối, 73 nước bỏ phiếu trắng.
Xét dưới góc độ lịch sử, bồi thường chiến tranh đã trở thành quy tắc pháp luật quốc tế sau các cuộc chiến tranh dưới thời phong kiến. Các nước thắng trận cho mình cái quyền tự do cướp bóc trắng trợn mọi tài nguyên và sức lao động của người dân ở các nước bại trận, thậm chí còn biến các nước bại trận thành lãnh thổ lệ thuộc. Dưới chế độ tư bản, bồi thường chiến tranh là khoản siêu lợi nhuận mà giai cấp tư sản và giới tài phiệt của các đế quốc ở nước thắng trận sử dụng để bóc lột thuộc địa, nô dịch các nước lệ thuộc. Trong pháp luật quốc tế hiện đại, bồi thường chiến tranh được coi là loại hình trách nhiệm vật chất đối với nước tiến hành chiến tranh trái pháp luật quốc tế. Mức độ bồi thường vật chất này là bộ phận cấu thành quan trọng trong yêu sách của nước chiến thắng đối với nước gây chiến và là đối tượng để các quốc gia có liên quan thảo luận và thỏa thuận cụ thể sau khi kết thúc chiến tranh.
Nói tóm lại, bồi thường chiến tranh cũng có thể là bồi thường thiệt hại gây ra do chiến tranh, là hành vi của nước gây chiến nhưng bị thua trận, nhằm phục hồi lại nguyên trạng sự vật tồn tại trước chiến tranh. Hoặc cũng có thể là bồi thường những tổn thất, thiệt hại do chiến tranh mang lại dưới dạng phải nộp cho nước bị hại đã chiến thắng một lượng tiền, vàng bạc tương đương với mức độ thiệt hại được xác định sau chiến tranh hoặc phải trả những khoản bù đắp vật chất khác. Trong lịch sử nhân loại đã có tiền lệ này. Cụ thể là sau Hiệp ước Paris (1815), Pháp bị đánh bại buộc phải trả 700 triệu franc trong các khoản bồi thường. Pháp cũng phải trả thêm tiền để trang trải chi phí cung cấp thêm các công sự phòng thủ được xây dựng bởi các quốc gia liên minh láng giềng. Và sau chiến tranh Pháp - Phổ, theo điều kiện của Hiệp ước Frankfurt (10-5-1871), Pháp có nghĩa vụ phải trả khoản bồi thường chiến tranh 5 tỷ franc vàng trong 5 năm.
Trong thế kỷ XX, sau thế chiến lần thứ II, theo Hội nghị Potsdam được tổ chức từ ngày 17-7 đến 2-8-1945, Đức đã trả cho đồng minh 23 tỷ USD. Theo Hiệp ước Hòa bình với Ý năm 1947, Ý đã đồng ý trả khoản bồi thường khoảng 125 triệu USD cho Nam Tư, 105 triệu USD cho Hy Lạp, 100 triệu USD cho Liên Xô, 25 triệu USD cho Ethiopia và 5 triệu USD cho Albania. Phần Lan đã đồng ý trả khoản bồi thường 300 triệu USD cho Liên Xô. Hungary đã đồng ý trả khoản bồi thường 200 triệu USD cho Liên Xô, 100 triệu USD cho Tiệp Khắc và Nam Tư. Romania đã trả khoản bồi thường 300 triệu USD cho Liên Xô… Và sau chiến tranh vùng Vịnh, Iraq đã chấp nhận Nghị quyết số 687 của Hội đồng Bảo an LHQ về thiệt hại gây ra trong cuộc xâm lược Kuwait. Ủy ban Bồi thường của LHQ được thành lập và 350 tỷ USD yêu cầu bồi thường đã được Chính phủ Iraq thực hiện.
Tuy nhiên, cũng trong thế kỷ XX, một số quốc gia giàu có khác đã thực hiện chiến tranh xâm lược ở nhiều quốc gia trên thế giới và đã bại trận nhưng không chịu thực thi nghĩa vụ bồi thường. Chính vì thế, ngay sau khi nghị quyết nêu trên được Hội đồng LHQ thông qua, cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã viết trên trang Telegram cá nhân rằng: Sau khi thông qua nghị quyết về bồi thường của Nga cho Ukraine, Đại hội đồng LHQ giờ đây nên kêu gọi Mỹ phải thực hiện bồi thường thiệt hại chiến tranh liên quan đến Triều Tiên, Việt Nam, Iraq, Nam Tư và các nước khác. Và ông Dmitry Medvedev cho rằng, nghị quyết này của Hội đồng LHQ là nhằm hợp pháp hóa các kế hoạch của phương Tây trong việc sử dụng số tài sản bị đóng băng của Nga.
Sau Hiệp định Paris (27-1-1973), vào đầu tháng 2-1973, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng với nội dung cam kết Mỹ sẽ trả cho Việt Nam khoản tiền 3,25 tỷ USD để bồi thường chiến tranh. Tuy nhiên, sau đó Mỹ đã viện nhiều lý do, trong đó Mỹ cho rằng Việt Nam giữ lại hài cốt lính Mỹ và giấu tù binh Mỹ… nên Mỹ từ chối việc thực thi cam kết của mình. Không chỉ thế, sau khi ký Hiệp định Paris, Mỹ chẳng những không đồng ý mà còn ra sức ngăn cản Việt Nam gia nhập LHQ. Chưa hết, từ năm 1975-1994, Mỹ còn tiến hành cấm vận đối với Việt Nam. Thâm độc hơn, nhiều năm nay Mỹ sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” để cản trở công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Sâu xa hơn là thông qua những âm mưu, thủ đoạn này để Mỹ khước từ việc thực hiện lời hứa của mình về bồi thường chiến tranh cho Việt Nam.
Bồi thường chiến tranh không chỉ là vấn đề trách nhiệm mà còn là nhân đạo, nhân quyền. Thế nhưng hiện đã và đang có những thế lực muốn ngăn cản quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam bằng những yêu cầu liên quan đến dân chủ, nhân quyền. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, bất cứ mối quan hệ nào dù ở tầm quốc gia hay cá nhân, người ta phải nghĩ đến lợi ích chung, thậm chí là lợi ích của đối tác trước thì mới có thể thúc đẩy quan hệ tốt đẹp hơn được. Điều quan trọng hơn là cần có sự tin tưởng lẫn nhau để hợp tác và phát triển bền vững, đừng bao giờ để lời hứa gió bay.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/139680/loi-hua-gio-bay