Lời hứa nới phong tỏa thành cú sốc 'hủy bỏ' Giáng sinh ở Anh
Thủ tướng Anh phải ra lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn dù trước đó hứa hẹn việc nới lỏng cho Giáng sinh. Tất cả bắt nguồn từ thói quen trì hoãn quyết định quan trọng tới phút cuối.
Việc ông Johnson thay đổi quyết định vào phút chót trong vấn đề phong tỏa đang khiến người Anh bất ngờ, ngay trước Giáng sinh và giữa lúc nước này đang đàm phán căng thẳng với Liên minh châu Âu (EU) về thương mại hậu Brexit.
Nhìn nhận cả hai vấn đề trên - chống dịch Covid-19 và đàm phán Brexit - những người phê phán thủ tướng Anh cho rằng ông có xu hướng để những quyết định quan trọng tới phút cuối.
Điều này làm tình hình trở nên phức tạp hơn: công chúng Anh thấy bất ngờ về cách chống dịch liên tục thay đổi, trong khi các thỏa thuận nếu đạt được với EU sẽ đều là gấp gáp và không được công chúng soi xét kỹ càng, theo New York Times.
Vội vàng mua sắm do phong tỏa đột ngột
Việc ông Johnson đột ngột ra lệnh phong tỏa khiến hàng nghìn người dân London vội vàng tới các cửa tiệm vào tối 19/12 để hoàn tất mua sắm Giáng sinh trước khi các tiệm đóng cửa, hoặc đến các ga tàu để rời London.
Điều này càng làm ảnh hưởng tới mục tiêu của chính phủ là hạn chế tiếp xúc, nhất là sau khi một chủng mới của SARS-CoV-2 được phát hiện, có thể lây lan mạnh hơn. Những người rời London trước lễ Giáng sinh nhiều khả năng càng làm virus lây lan khắp nước Anh.
Ngày 20/12, 35.928 ca nhiễm mới được ghi nhận trên toàn quốc.
Việc kéo dài đàm phán Brexit cho tới phút chót cũng có thể khiến ông Johnson phải thỏa hiệp với EU, để tránh hậu quả nặng nề về kinh tế.
“Thỏa thuận đã có khung sơ lược từ tháng 3”, Sam Lowe, chuyên gia thương mại ở Trung tâm Cải cách châu Âu, nói với New York Times. “Nhưng cách thức làm việc của vị thủ tướng này là để các quyết định quan trọng đến phút cuối, với hy vọng rằng sẽ có lựa chọn tốt hơn - điều này được thể hiện trong cách ông đối phó với dịch Covid-19”.
Những người phê phán cho rằng cách tiếp cận chần chừ của ông Johnson với đại dịch đã làm xói mòn lòng tin của công chúng vào chính quyền. Ông đã liên tục gạt đi khả năng phong tỏa, để rồi phải thay đổi quyết định, với lý do các bằng chứng khoa học đã thay đổi.
Gần đây nhất, ông Johnson đưa ra bằng chứng mới cho thấy chủng mới của SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với virus ban đầu. Các chuyên gia độc lập đa phần đồng ý với lo ngại của thủ tướng về chủng virus mới.
Thế nhưng, các quan chức y tế cộng đồng của Anh ngày 20/12 cho biết họ đã phát hiện chủng mới này từ tháng 10, từ một mẫu được lấy từ tháng 9. Tới ngày 14/12 vừa qua, chính quyền mới tiết lộ về chủng virus mới và nêu lo ngại khả năng lây lan, đồng thời quyết định nâng mức phong tỏa lên cao nhất (khi đó là mức 3) ở London và một số vùng phía nam và phía đông của Anh.
Chỉ hai ngày sau, ông Johnson vẫn tiếp tục hứa sẽ nới lỏng các giới hạn từ ngày 23-27/12 để các gia đình có thể tụ họp dịp Giáng sinh.
Khi phe đối lập đề nghị ông Johnson nên cân nhắc lại lời hứa nói trên, thủ tướng còn tỏ ý chế nhạo, cho rằng phe đối lập muốn “hủy bỏ Giáng sinh”.
Nhưng giờ đây, thủ tướng Anh đã buộc phải làm chính xác điều đó - hủy bỏ Giáng sinh, chỉ có điều ông đợi thêm ba ngày. Trong ba ngày đó, có thêm nhiều người lên kế hoạch đi lại dịp lễ. Thay vì nới lỏng quy định phong tỏa, ông Johnson buộc phải công bố thêm mức phong tỏa mới, mức 4, cho London và hầu hết đông nam nước Anh.
Keir Starmer, lãnh đạo Công đảng đối lập, quay lại chỉ trích gay gắt ông Johnson, và nói ông Johnson “quá sợ bị ảnh hưởng tỷ lệ ủng hộ đến mức không ra được các quyết định khó khăn cho tới khi quá muộn”.
Để vấn đề tới phút chót
Cuối cùng, các biện pháp hạn chế khắt khe lại không bị phản đối quá mạnh. Một thăm dò bởi công ty nghiên cứu YouGov sau tuyên bố phong tỏa của ông Johnson ngày 19/12 cho thấy 67% ủng hộ những hạn chế mới.
Nhưng có tới 61% người được hỏi cho rằng chính phủ đã xử lý kém đối với quá trình đi đến quyết định phong tỏa.
Hai vấn đề Covid-19 và đàm phán Brexit cũng có tác động đến nhau trong chiến lược xử lý của ông Boris Johnson. Giới phân tích cho rằng ông Johnson cũng chịu sức ép từ các nghị sĩ từ chính đảng Bảo thủ của mình, và cũng chính các nghị sĩ này đang chống lại thỏa thuận thương mại với EU.
Vì đang bị một số nghị sĩ đảng Bảo thủ phản đối vì cách xử lý đại dịch, Thủ tướng Johnson giờ đây có thể đang toan tính rằng khó có thể đem về một thỏa thuận với EU mà sẽ làm mất lòng những người cứng rắn với EU.
Giới phân tích dự đoán rằng trong những ngày tới, ông Johnson sẽ phải chấp nhận thỏa thuận mà EU đang đặt lên bàn đàm phán. Ông không còn nhiều lựa chọn vì đã để đàm phán kéo dài tới tận phút chót.
“Cách xử lý các vấn đề của ông Johnson là để chúng kéo dài tới mức mất kiểm soát, để khủng hoảng lên tới mức không còn trụ được nữa”, nhà bình luận Rafael Behr viết trên Guardian. “Theo cách đó, các lựa chọn trở nên dễ dàng dù tình hình càng tệ đi, vì có ít lựa chọn hơn”.