Lời hứa và cuộc hẹn chưa kịp thực hiện của liệt sĩ cảnh sát Phòng cháy chữa cháy
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh tự hào vì con trai đã làm việc mà không phải ai cũng có thể làm được, sẵn sàng hy sinh bản thân để giành lại sự sống cho người khác.
Hà Nội về chiều, trời tắt dần nắng, trong căn nhà nhỏ trên tầng 5 khu tập thể C3 Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), lẫn vào tiếng “Nam Mô A Di Đà Phật” từ chiếc máy tụng kinh là tiếng thở dài, thổn thức của bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh (SN 1972) - mẹ của Hạ sĩ, liệt sĩ Nguyễn Đình Phúc. Anh là một trong 3 chiến sĩ hy sinh khi lao vào đám cháy quán karaoke ở đường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) chiều 1/8 để tìm kiếm các nạn nhân.
Chẳng bao giờ có lần gặp thứ hai nữa
Nhìn vào di ảnh con trai 19 tuổi được đặt trên ban thờ, bà Hạnh nghẹn ngào: “Đã tròn nửa tháng sau lần gặp gần nhất của hai mẹ con, cái hôm Phúc tranh thủ ghé qua nhà khi đi mua đồ ăn sáng cho đơn vị. Và sẽ chẳng bao giờ có lần gặp tiếp theo nữa”.
Tâm trạng của bà Hạnh đã ổn hơn nhiều, bà chấp nhận sự thật rằng đã mãi mãi mất đi con trai duy nhất.
“Nhiều người bảo có lẽ tôi mạnh mẽ, cứng rắn đến thế vì từng trải qua nỗi đau mất chồng. Không đâu, hai nỗi đau này hoàn toàn khác nhau, khó diễn tả lắm, chỉ trải qua mới hiểu được. Quen với sự hiện diện của con từ bé đến giờ, đã 19 năm rồi. Làm sao có thể quên ngay, làm sao có thể nguôi ngoai ngay được”, bà Hạnh nói rồi bật khóc.
Nỗi đau vẫn còn đó, không thể diễn tả hết bằng lời. Những hình ảnh, kỷ niệm về Phúc là niềm an ủi duy nhất đối với người phụ nữ này.
Nguyễn Đình Phúc là con út trong gia đình, trước Phúc có hai chị gái. Theo bà Hạnh, Phúc sống khá khép kín, ít nói, ngại tiếp xúc với những người xung quanh và thích chơi một mình. Sở thích từ bé của cậu là những trò ghép hình, origami - nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản…
“Khéo tay, tỉ mẩn lắm. Năm lớp 6, bạn ý đi thi robocon thành phố, đoạt giải nhì cá nhân và giải nhất đồng đội”, bà Hạnh kể.
Phúc rất ngoan, thành tích học tập luôn nằm trong tốp đầu của lớp.
Khi được hỏi về chuyện yêu đương của con trai, bà Hạnh mỉm cười bảo, nhiều khi cũng trêu con rằng yêu đi để hiểu, trải nghiệm cuộc đời nhưng Phúc bảo chưa thích.
“Bạn ấy học giỏi, lại còn ga lăng, hay làm hộ bài cho các bạn nữ. Có bạn học cùng lớp 10 đến khi sang trường khác vẫn cứ làm hộ bài cho bạn. Được nhiều bạn khác phái quý mến nhưng con bảo bao giờ học xong, ra trường, có công việc ổn định mới nghĩ đến chuyện yêu”.
Cuộc đời ngắn ngủi nhưng con ra đi vinh quang
Trước khi nhận giấy báo nhập học Đại học Hà Nội, Nguyễn Đình Phúc đã nằm trong danh sách trúng tuyển nghĩa vụ Công an nhân dân. Vì vậy, sau khi theo học đại học được vài tháng, đầu năm 2022, Phúc bảo lưu kết quả để tham gia nghĩa vụ.
Sau 3 tháng huấn luyện tại quận Hà Đông (Hà Nội), Phúc được phân công về Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an quận Cầu Giấy.
“Chỉ mấy tháng đi lính thôi, con như biến thành một người khác, trưởng thành, biết quan tâm đến mẹ hơn. Làm gì cũng nghĩ đến mẹ rồi mới đến bản thân mình”, bà Hạnh bộc bạch.
Khi nhận tiền trợ cấp tháng đầu tiên, Phúc đặt mua một hộp khăn giấy dạng nén và gửi về cho mẹ.
“- Là gì đấy con?
- Kẹo đấy, mẹ bóc ra ăn đi.
- À mẹ biết rồi, cái này mẹ dùng rồi. Con mua làm gì lắm thế, tiền thì không có, đừng phí phạm.
- Không, con mua cái này để mẹ dùng. Mẹ mang cái này theo đỡ phải cầm khăn, chỉ cần ngâm nước, nó nở ra là dùng được”.
Qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi qua điện thoại, bà Hạnh biết Phúc đã lớn thật rồi.
Một lần khác, shipper lại gửi 2 chiếc đèn cảm ứng. Phúc nhắn cho mẹ: “Đèn này tốn ít điện lắm mẹ. Khi tắt điện đi, đèn sáng, tối mẹ đi vệ sinh thì không sợ bị vấp ngã nữa. Hai cái đèn có 2 màu khác nhau, mẹ dùng cái màu hồng cho dịu, màu xanh thì hơi gắt, để hôm nào con về cầm lên đơn vị”.
Phúc bảo đi giày dây buộc thì bất tiện lắm nên đã đặt hai đôi giày lười cho cả mình và mẹ.
“Chưa bao giờ nói yêu mẹ nhưng mọi điều con làm đều nghĩ đến mẹ. Bất kể cái gì bạn ấy cũng muốn mua cho hai mẹ con. Hôm trước, đồng đội mang đồ đạc đến, chiếc đèn cảm ứng và đôi giày lười có cả trong đó”, bà Hạnh nghẹn giọng, lau nước mắt.
Phúc ra đi khi nhiều dự định chưa thể thực hiện. Đó là lời hứa về thăm ông ngoại đang ốm nhưng do phải trực chiến nên đành hẹn dịp cuối năm hoặc xin được nghỉ phép. Đó còn là cuộc hẹn cùng mẹ và hai chị gái tổ chức sinh nhật bù, chị cả hứa sẽ mời cả đơn vị Phúc mỗi người một cốc sữa chua. Phúc cũng chưa thực hiện xong ước mơ hoàn thành chương trình đại học để có thể trở thành giáo viên ngoại ngữ hoặc phiên dịch viên để có thu nhập, giúp mẹ đỡ vất vả…
Nỗi đau mất con không gì có thể bù đắp được, nhưng bà Hạnh tự hào vì con trai đã làm việc mà không phải ai cũng có thể làm được, không nghĩ đến sự sống của mình để cứu người khác.
“Khi nhìn mặt Phúc lần cuối, con thanh thản, không hề có sự khổ đau, tôi biết con sẵn sàng để đón nhận mọi thứ rồi. Con người ai cũng phải ra đi, quan trọng là theo cách nào. Phúc còn ít tuổi, cuộc đời ngắn ngủi nhưng con ra đi trong sự vinh quang, cống hiến”, bà Hạnh nói, đôi mắt ánh lên niềm tự hào.
Video: Đồng đội nghiêng mình tiễn đưa 3 cảnh sát PCCC hy sinh