Lợi ích chuyển đổi số ở các bệnh viện

Chuyển đổi số đã giúp nhiều cơ sở y tế ở Hải Dương tiết kiệm nhân lực, giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian khám chữa bệnh.

Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang hướng dẫn người dân đăng ký khám chữa bệnh qua kiots

Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang hướng dẫn người dân đăng ký khám chữa bệnh qua kiots

Thuận tiện cho người dân

Bị bệnh tiểu đường từ nhiều năm nay, bà Bùi Thị Quyết ở xã Nghĩa An (Ninh Giang) phải thường xuyên đến Trung tâm Y tế huyện khám chữa bệnh. Nhà ở cách xa trung tâm y tế nên bà nhờ con cháu đưa đến bệnh viện từ sớm để xếp sổ khám bệnh. Có hôm mới 5 giờ sáng bà đã đến bệnh viện xếp hàng. Thế nhưng, gần 1 năm trở lại đây, bà không còn phải xếp hàng chờ đợi như vậy.

Bà Quyết cho biết: "Khoảng 2 ngày trước khi đến lịch khám, tôi gọi điện cho Trung tâm Y tế huyện để đăng ký khám bệnh. Sau đó, cán bộ của trung tâm sẽ gọi điện lại để hẹn thời gian cụ thể đến khám. Ban đầu cũng còn bỡ ngỡ nhưng sau vài tháng, việc đăng ký qua điện thoại được thực hiện nhanh chóng, đúng lịch hẹn. Bệnh nhân chúng tôi ai cũng phấn khởi vì không còn mất nhiều thời gian chờ đợi như trước".

Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh hướng dẫn người dân đến khám tại bệnh viện

Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh hướng dẫn người dân đến khám tại bệnh viện

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đang triển khai đồng thời 3 dịch vụ số trong khám chữa bệnh. Đó là đăng ký khám bệnh qua kiosk tự động, đăng ký khám bệnh trực tuyến và thanh toán viện phí qua mã QR.

Ngoài đăng ký khám chữa bệnh và thanh toán qua mã QR, bệnh viện còn triển khai chữ ký số cho 250 bác sĩ. Toàn bộ hồ sơ bệnh án đã được thực hiện ký số, đặc biệt là ký số giấy khám sức khỏe cho lái xe, ký giấy chứng tử. Dự kiến, đến khoảng tháng 5/2025, bệnh viện sẽ triển khai chữ ký số cho toàn bộ bác sĩ và điều dưỡng. Bệnh án điện tử được thí điểm tại các khoa: Cấp cứu, Nội 4, Ngoại 2, Chạy thận nhân tạo.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn ứng dụng theo dõi và quản lý bệnh nhân qua ứng dụng Ehealth. Bác sĩ Bùi Thái Dương, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu cho biết: "Ứng dụng Ehealth có thể dùng cho cả bệnh nhân và bác sĩ; đưa ra các cảnh báo về phác đồ điều trị và nguy cơ có thể xảy ra với bệnh nhân. Tuy nhiên, hiện bệnh viện mới sử dụng để các bác sĩ điều trị chính theo dõi và quản lý tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Dự kiến, tới đây, bệnh viện sẽ cấp tên và mật khẩu cho các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện để đăng nhập vào ứng dụng và theo dõi sức khỏe của chính mình".

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 06

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân qua app Ehealth

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương theo dõi tình hình sức khỏe bệnh nhân qua app Ehealth

Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang là một trong những đơn vị điển hình của tỉnh trong chuyển đổi số. Tổ công nghệ thông tin và Tổ công tác xã hội của trung tâm thường xuyên tổ chức hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID; đăng ký lưu trú bệnh nhân trên ứng dụng VNeID; thực hiện số hóa, giải quyết thủ tục hành chính, ký số hồ sơ công việc trên hệ thống quản lý. Công khai tài khoản thanh toán tại các khoa điều trị, các bàn thanh toán. Ngoài 3 kiots đăng ký khám chữa bệnh tại bệnh viện, bệnh nhân có thể đăng ký khám chữa bệnh qua điện thoại và qua website của Trung tâm Y tế huyện. Trung bình mỗi tháng có trên 600 lượt bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh từ xa.

Ông Trịnh Đình Toán, bác sĩ chuyên khoa II, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang cho biết việc chuyển đổi số theo Đề án 06 giúp thay đổi phương thức quản lý nhằm giảm tải thời gian chờ đợi, các báo cáo số, tiết kiệm chi phí cũng như các thủ tục hành chính rờm rà. Thời gian tới, trung tâm sẽ triển khai thực hiện liên thông dữ liệu khám chữa bệnh trên sổ sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại, kết quả xét nghiệm phục vụ khai thác thông tin trong nhóm dịch vụ hồ sơ sức khỏe điện tử trên VNeID. Đặc biệt, bệnh án điện tử sẽ được hoàn thiện trong tháng 9 tới sẽ là bước tiến lớn với ngành y tế của địa phương.

Theo Sở Y tế, hiện 100% số cơ sở khám chữa bệnh ở Hải Dương sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong thực hiện thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đã có trên 1,8 triệu dữ liệu của người dân được cập nhật trên nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử, chiếm 85,26% dân số của tỉnh. Hiện tất cả các dữ liệu của người dân đến khám như: tiền sử, kết quả điều trị, chẩn đoán, thuốc, xét nghiệm... đều được đẩy lên phần mềm.

Việc đăng ký khám chữa bệnh từ xa cũng được các đơn vị y tế quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh đã có 21 kiots được lắp đặt tại 18 cơ sở y tế. Các cơ sở y tế còn lại đều đã có kế hoạch lắp đặt các kiots. Bệnh án điện tử cũng được các đơn vị y tế đưa ra lộ trình thực hiện (trừ Bệnh viện Phong Chí Linh). Trong tháng 3, các đơn vị đã thực hiện khảo sát cơ sở hạ tầng, hoàn thiện quy trình thuê, mua sắm hệ thống phần mềm và các trang thiết bị khác. Toàn tỉnh có 492 chữ ký số tại tất cả các đơn vị y tế. Việc triển khai bệnh án điện tử sẽ được các cơ sở y tế phấn đấu hoàn thành trong tháng 9 năm nay.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng với sự quyết tâm cao của ngành y tế, việc chuyển đổi số tại các cơ sở y tế công lập ở Hải Dương đang được triển khai theo đúng lộ trình. Những nỗ lực trong chuyển đổi số đã giúp ngành y tế của tỉnh tiết kiệm nhân lực, nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc, rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, giảm các thủ tục hành chính và hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

PV

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/loi-ich-chuyen-doi-so-o-cac-benh-vien-408867.html