Lợi ích của EVFTA với Việt Nam không dừng lại ở việc tiếp cận thị trường hay thu hút FDI từ EU

Sau 5 năm thực thi, EVFTA đã mang lại nhiều kết quả tích cực, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng trưởng mạnh mẽ, nhiều ngành hàng chủ lực như dệt may, da giày, nông sản, thủy sản được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan.

 EVFTA là một trong những hiệp định thương mại thế hệ mới quan trọng nhất của Việt Nam. (Ảnh: Vũ Quang)

EVFTA là một trong những hiệp định thương mại thế hệ mới quan trọng nhất của Việt Nam. (Ảnh: Vũ Quang)

Chiều 24/2, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố báo cáo "Việt Nam sau 5 năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA): Kết quả, yêu cầu và định hướng cải cách".

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. EVFTA là một trong những hiệp định thương mại thế hệ mới quan trọng nhất của Việt Nam.

Hiệp định này không chỉ giúp Việt Nam mở rộng tiếp cận thị trường EU, dòng vốn đầu tư từ châu Âu mà còn tạo điều kiện thúc đẩy cải cách thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Việc thúc đẩy EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 xuất phát từ kỳ vọng hiệp định sẽ tạo thêm động lực cho phục hồi kinh tế ở Việt Nam trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19.

Theo báo cáo "Việt Nam sau 5 năm thực hiện EVFTA: Kết quả, yêu cầu và định hướng cải cách", sau 5 năm thực thi, EVFTA đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng trưởng mạnh mẽ, với nhiều ngành hàng chủ lực như dệt may, da giày, nông sản, thủy sản được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM nêu rõ, EVFTA tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, giúp thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao từ EU, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và phát triển bền vững.

Các cam kết về sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động và phát triển bền vững trong EVFTA đã thúc đẩy Việt Nam nâng cấp hệ thống pháp luật, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế…

EVFTA đã thúc đẩy Việt Nam áp dụng các tiêu chuẩn cao về môi trường, lao động và quản trị doanh nghiệp theo hướng bền vững hơn. (Nguồn: Vneconomy)

EVFTA đã thúc đẩy Việt Nam áp dụng các tiêu chuẩn cao về môi trường, lao động và quản trị doanh nghiệp theo hướng bền vững hơn. (Nguồn: Vneconomy)

Cụ thể, tỷ trọng xuất khẩu sang khối 27 thành viên trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng dần, đạt 13,19% vào năm 2024. Việt Nam vẫn duy trì xuất siêu lớn với EU, đạt mức 35,2 tỷ USD vào năm 2024, cao nhất trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.

Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan theo EVFTA đã tăng từ 14,8% năm 2020 lên 35,2% năm 2023.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), EVFTA tạo ra sức hút đáng kể đối với dòng vốn từ EU, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng tái tạo và sản xuất xanh. Tuy nhiên, dòng vốn FDI từ EU vẫn chưa tăng mạnh như kỳ vọng.

Về cải cách thể chế, EVFTA đã tạo động lực rất quan trọng để Việt Nam điều chỉnh hệ thống chính sách và pháp luật nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn cao về thương mại, đầu tư và phát triển bền vững. Các lĩnh vực có thay đổi đáng kể bao gồm minh bạch hóa quy trình hải quan, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao tiêu chuẩn lao động và bảo vệ môi trường.

Về phát triển bền vững, EVFTA đã thúc đẩy Việt Nam áp dụng các tiêu chuẩn cao về môi trường, lao động và quản trị doanh nghiệp theo hướng bền vững hơn…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dương, việc thực thi EVFTA vẫn đối mặt với không ít thách thức. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan còn thấp do nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được các quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt.

"Các yêu cầu về lao động, môi trường, phát triển bền vững của EU ngày càng khắt khe, đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược thích ứng phù hợp. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có sự chuẩn bị tốt hơn để khai thác cơ hội từ EVFTA", ông Dương nói.

Báo cáo đề xuất một số khuyến nghị chính sách quan trọng để tối ưu hóa lợi ích từ EVFTA như: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả các cam kết EVFTA.

Cách tiếp cận cần hướng tới tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và EU về cải cách các quy định theo hướng phù hợp với các xu hướng mới, đặc biệt là về công nghệ mới và phát triển bền vững.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo và hướng dẫn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc tận dụng các ưu đãi từ EVFTA; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch và ổn định trong chính sách để thu hút thêm FDI có chất lượng từ EU; xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/loi-ich-cua-evfta-voi-viet-nam-khong-dung-lai-o-viec-tiep-can-thi-truong-hay-thu-hut-fdi-tu-eu-305459.html