Lợi ích của việc quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng trồng

Quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác (VLHCSKT) rừng trồng là một trong những nghiên cứu mới ở Việt Nam nhằm nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng. Hiện nay ở Quảng Trị, nhiều chủ rừng sử dụng biện pháp không đốt VLHCSKT rừng trồng để chuẩn bị hiện trường trồng rừng và cho rằng việc xử lý thực bì không đốt có nhiều lợi ích cả về kinh tế, môi trường, xã hội, đặc biệt là điều kiện ưu tiên khi tham gia và duy trì chứng chỉ rừng với mục tiêu xuất khẩu gỗ.

Mô hình trồng rừng gỗ lớn và xử lý thực bì không đốt ở HTX Phú Hưng (xã Hải Phú, huyện Hải Lăng) -Ảnh: M.Đ

Mô hình trồng rừng gỗ lớn và xử lý thực bì không đốt ở HTX Phú Hưng (xã Hải Phú, huyện Hải Lăng) -Ảnh: M.Đ

Nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng hấp thụ các bon từ rừng tại Việt Nam thông qua các nỗ lực giảm mất rừng và suy thoái rừng tự nhiên, quản lý hiệu quả hơn rừng sản xuất, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã tài trợ và triển khai Hợp phần Quản lý rừng bền vững trong khuôn khổ Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) tại 7 tỉnh là Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị và Quảng Nam trong giai đoạn từ 2020-2025. Trong khuôn khổ Hợp phần Quản lý rừng bền vững, các hoạt động của Tiểu hợp phần 4 (cải tiến thực hành quản lý rừng sản xuất), trong đó có 3 nhiệm vụ chính là: tăng cường sản xuất gỗ bền vững của những chủ rừng quy mô nhỏ; thúc đẩy gia tăng nhu cầu của các nhà máy chế biến gỗ đối với gỗ được cấp chứng chỉ; kết nối thị trường giữa chủ rừng và các doanh nghiệp chế biến gỗ.

Nhiều giải pháp quản lý rừng có thể cải thiện chất lượng và nâng cao sản lượng rừng trồng tại các tỉnh dự án. Các giải pháp bao gồm tăng thời gian/luân kỳ kinh doanh rừng lên 8 năm hoặc lâu hơn và tránh khai thác trắng hoặc đốt VLHCSKT. Hiện nay, phương pháp không đốt VLHCSKT rừng trồng đang được triển khai áp dụng khá phổ biến ở Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng.

Sau khai thác rừng trồng, các sản phẩm chính của rừng trồng được lấy đi, tất cả vật liệu hữu cơ còn lại trên rừng (hay còn gọi là thực bì) bao gồm: cành, nhánh, ngọn, vỏ và lá cây (chiếm từ 27-32% sinh khối của cây); cây bụi, thảm tươi, dây leo dưới tán rừng; vật rơi rụng là cành, nhánh chưa phân hủy hết. Xử lý thực bì được hiểu là hoạt động phát quang, thu dọn các loại cỏ, cây, dây leo, chặt gọn cành không cần thiết ở trên rừng với nhiều hình thức khác nhau. Nhiều chủ rừng vẫn sử dụng biện pháp đốt VLHCSKT (hay còn gọi là đốt thực bì) trước khi trồng rừng.

Tuy nhiên, vẫn có một số chủ rừng chọn cách không đốt VLHCSKT để chuẩn bị hiện trường trồng rừng và cho rằng việc xử lý thực bì không đốt có nhiều lợi ích cả về kinh tế, môi trường, xã hội cũng như là điều kiện ưu tiên khi tham gia và duy trì chứng chỉ rừng với mục tiêu xuất khẩu gỗ.

Nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra nhiều quy định cho những sản phẩm như gỗ, cà phê, ca cao, cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này. Vì thế, những người trồng rừng muốn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và EU thì cần thay đổi cách thức quản lý VLHCSKT theo hướng thân thiện với môi trường.

Năm 2020, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định 1870/KH-UBND về kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050, đã đặt mục tiêu xác định các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Đến năm 2021, tỉnh Quảng Trị có 119.374 ha rừng trồng và nếu các chủ rừng của tỉnh áp dụng biện pháp không đốt VLHCSKT thì sẽ giảm đáng kể lượng CO2 phát thải vào khí quyển.

Ông Nguyễn Văn Lục, Chi hội trưởng Chi hội Chứng chỉ rừng (CCR) Hợp tác xã Thủy Đông (xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ) chia sẻ: “Năm 2014, khi bắt đầu tham gia chứng chỉ rừng FSC, một số hội viên trong chi hội đã áp dụng biện pháp không đốt VLHCSKT trước mùa trồng rừng. Chi phí cho trồng rừng tại hai diện tích đốt và không đốt VLHCSKT là tương đương nhau nhưng đến kỳ khai thác thì năng suất tại khu vực không đốt VLHCSKT cao hơn tầm 20- 30 tấn gỗ. Hiện gần 50% số diện tích rừng keo của hợp tác xã thuộc Chi hội CCR cũng đang áp dụng không đốt VLHCSKT để tham gia CCR. Cách làm này sẽ đáp ứng được tiêu chí không tác động đến môi trường đất, nước, không khí khi các chuyên gia FSC đi đánh giá”.

Hiện tại, Hợp phần Quản lý rừng bền vững chưa triển khai mô hình xử lý VLHCSKT ở Quảng Trị mà đang phối hợp cùng Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng (Hội CCR) để thúc đẩy triển khai thực hiện nội dung này. Ngày 21/4/2023, tại TP.Đông Hà, Hợp phần Quản lý rừng bền vững thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng trồng” và các hoạt động tham quan học hỏi kinh nghiệm lô rừng xử lý thực bì không đốt sau khai thác rừng tại xã Cam Thủy (huyện Cam Lộ), xã Hải Phú (huyện Hải Lăng) cho hơn 80 đại biểu là các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học, doanh nghiệp và các chủ rừng quy mô nhỏ.

Ban Quản lý Dự án VFBC tỉnh Quảng Trị tổ chức khởi động thực hiện sáng kiến “Chứng chỉ rừng và quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng trồng” thông qua thí điểm mô hình không đốt thực bì do Hội Chứng chỉ rừng tỉnh Quảng Trị triển khai tại huyện Hải Lăng, Cam Lộ, Triệu Phong và các huyện tiềm năng khác.

Theo Tiến sĩ Vũ Văn Hưng, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và PTNT, Giám đốc Ban Quản lý Dự án VFBC Trung ương: “Quản lý VLHCSKT rừng trồng bằng biện pháp không đốt là thực hành quản lý rừng sản xuất thân thiện với môi trường, phù hợp xu hướng phát triển của thế giới, đáp ứng mục tiêu phát triển rừng bền vững, góp phần nâng cao giá trị rừng trồng, ổn định cuộc sống của người trồng rừng quy mô nhỏ và đóng góp vào lộ trình giảm phát thải khí nhà kính của Chính phủ Việt Nam”.

Hoài Nhung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nong-lam-ngu/loi-ich-cua-viec-quan-ly-vat-lieu-huu-co-sau-khai-thac-rung-trong/176599.htm