Lợi ích của việc tiếp cận khoa học từ sớm cho con trẻ

Hạt giống của tình yêu khoa học luôn có sẵn trong mỗi đứa trẻ và sẵn sàng nảy mầm khi được nuôi dưỡng đúng cách.

Mỗi đứa trẻ sinh ra đã mang trong mình bản năng tìm tòi và khám phá. Biểu hiện đơn giản nhất chính là câu hỏi “Tại sao?” hay “Đây là gì?” mà trẻ thường hỏi bố mẹ và những người xung quanh. Hành trình trưởng thành của con trẻ phản ánh sự lớn dần của đam mê đó. Từ khi nằm nôi, đến khi biết lật, cho tới lúc trẻ có thể chạy nhảy và cầm nắm mọi thứ trong tầm mắt – thế giới với con ngày càng rộng lớn và có nhiều thứ để trải nghiệm.

Ngay từ khi bắt đầu có nhận thức, khả năng đặt câu hỏi và luôn hiếu kỳ trước mọi thứ của trẻ là bàn đạp tuyệt vời để tiếp thu, khám phá và sáng tạo. Hạt mầm đam mê khoa học cũng đi theo trẻ suốt chừng ấy thời gian. Tuy nhiên tiềm năng này có thực sự phát triển được không hay sẽ bị thui chột theo năm tháng, hoàn toàn nằm ở bàn tay vun đắp của cha mẹ.

Đi tìm chìa khóa cho những vấn đề cho thế giới trong và hậu đại dịch

Theo số liệu từ Báo cáo chỉ số Khoa học (State of Science Index) được thực hiện bởi 3M, cứ 6 người thì có 1 người lại không được khuyến khích theo đuổi khoa học khi còn ngồi trên ghế nhà trường, và điều này xảy ra nhiều hơn ở Gen Z và thế hệ millennials. 36% người được khảo sát cho rằng thiếu cơ hội tiếp cận những lớp thực hành khoa học chính là nguyên nhân hàng đầu cho vấn đề trên, trong khi 27% chỉ ra những bất công về giới tính, dân tộc, sắc tộc là rào cản lớn nhất. Ở Việt Nam, dù STEM đã trở thành mảng được quan tâm nhiều trong vài năm đổ lại đây, nguồn khan hiếm về tài liệu, giáo trình, huấn luyện cho giáo viên cũng như thiếu lối suy nghĩ sáng tạo gây nên những thách thức không nhỏ ở một nền kinh tế đang phát triển.

Tuy nhiên, đại dịch bùng phát đã cho thấy sự cần thiết và cấp bách của việc xây dựng một nền giáo dục STEM vững chắc.

Niềm tin vào khoa học của người dân toàn thế giới đã tăng cao kỉ lục nhờ đại dịch và nhiều nhà khoa học, chuyên gia như tiến sĩ Fauci (Mỹ) hay tiến sĩ Ashley Bloomfield (New Zealand) đã trở thành những người hùng trong cuộc chiến. Tại Mỹ, hơn 55 triệu trẻ em đã bị gián đoạn việc học do đại dịch Covid-19. Khi vắng bóng những lớp học trực tiếp truyền thống, cha mẹ và các nhà giáo dục cần được giúp đỡ để nhanh chóng điều chỉnh các hình thức đào tạo từ xa mới. Sau khi đại dịch qua đi, khoa học được xem như một giải pháp cho nhiều vấn đề toàn cầu liên quan đến môi trường cũng như công bằng xã hội. Cũng theo Báo cáo chỉ số Khoa học (State of Science Index), có đến 82% người khảo sát tin rằng thế giới sẽ đối mặt với những hậu quả khôn lường nếu khoa học không được nhìn nhận đúng cách.

Khuyến khích trẻ tìm niềm vui từ trải nghiệm khoa học

Trái với định kiến thông thường, khoa học không phải điều “khó tiếp cận” hay chỉ dành cho “dân chuyên”. Khoa học có mặt mọi nơi trong cuộc sống. Thực hành khoa học không nhất thiết phải đến trường học hay phòng thí nghiệm. Chỉ bằng những dụng cụ dễ tìm, cha mẹ có thể cùng con tiến hành thí nghiệm lý thú ngay tại nhà.

Ở Mỹ, hiệu ứng từ màn trình diễn hóa học của Hoa hậu Mỹ Camille Thomasina Schrier đầu năm 2020 một lần nữa đã đưa thí nghiệm “Kem đánh răng voi” (Elephant Toothpaste) trở thành chủ đề được quan tâm. Nhiều bậc phụ huynh, giáo viên và ngay cả trẻ nhỏ cũng bày tỏ sự thích thú với những khối bọt khổng lồ đầy màu sắc sinh ra bởi phản ứng phân hủy nhanh hidro peoxit (oxi già) bằng chất xúc tác kali iodua. Sau chương trình, đích thân Camille Thomasina Schrier cũng đã xuất hiện trong một video hướng dẫn khán giả tự thực hành thí nghiệm này tại nhà.

Hoa hậu Mỹ Camille Thomasina Schrier giới thiệu thí nghiệm “Kem đánh răng con voi” trong khuôn khổ chương trình “Khoa học tại nhà” cùng với 3M.

Hoa hậu Mỹ Camille Thomasina Schrier giới thiệu thí nghiệm “Kem đánh răng con voi” trong khuôn khổ chương trình “Khoa học tại nhà” cùng với 3M.

Một thí nghiệm khác cha mẹ có thể thực hiện cùng con là “Pháo hoa nở trong nước” (Liquid Firework). Chỉ với bốn nguyên liệu gồm sữa, màu thực phẩm, tăm bông và nước rửa chén, trẻ có thể tự tạo ra một phản ứng tương tự chuyển động bung tỏa của pháo hoa trên bề mặt chất lỏng.

Khi được tạo điều kiện làm quen với khoa học từ sớm, trẻ sẽ phát triển các kỹ năng quan sát, tổ chức và tập trung cao độ. Đồng thời, việc theo dõi các hiện tượng khoa học cũng giúp trẻ bồi dưỡng tư duy phân tích và kết luận. Đây là những kỹ năng cần thiết cho trẻ không chỉ trong quá trình học tập mà còn trong công việc và cuộc sống sau này.

Nuôi dưỡng đam mê khoa học với “Thí nghiệm nhà làm”

Với niềm tin rằng khám phá khoa học chính là bước đệm cho sự đột phá trong tư duy và những kỹ năng cần thiết để thành công trong tương lai, 3M đã hợp tác với nhiều trường học và tổ chức trên toàn thế giới để đảm bảo chất lượng giáo dục STEM. Mới đây, tập đoàn cũng đặt ra cam kết tạo ra năm triệu trải nghiệm học tập STEM và đào tạo dạy nghề cho các lao động trình độ thấp đến cuối năm 2025, nhằm nâng cao công bằng kinh tế.

“Science at Home” (Khoa học tại nhà) là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động toàn cầu của 3M nhằm hỗ trợ dài hạn cho giáo dục STEM – mô hình giáo dục tích hợp 4 môn Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Maths (Toán học). Chương trình giới thiệu nhiều video hướng dẫn thực hiện các thí nghiệm đơn giản tại nhà dành cho trẻ em trong độ tuổi từ 6-12, nhằm thôi thúc sự quan tâm của trẻ đối với khoa học và khẳng định mối quan hệ mật thiết của khoa học trong đời sống hàng ngày. Qua đây, những nhà giáo dục hay giáo viên cũng có thể dùng những video trên cho những bài giảng trực tuyến của mình để góp phần giúp buổi học thêm sinh động hơn.

Giáo dục STEM là nền tảng cho sự phát triển của Việt Nam khi bước vào cuộc cách mạng 4.0. Với dân số trẻ, tài năng, và đầy nhiệt huyết, việc có một lực lượng lao động được trang bị đầy đủ những kiến thức khoa học để làm chủ cuộc sống của từng cá nhân và góp phần xây dựng đất nước là một hướng đi cần thiết.”, Ông Jacky Kang – Giám đốc của 3M Việt Nam cho biết.

Tại Việt Nam, 3M đã phát triển một chuỗi video “Thí nghiệm nhà làm” với các công thức gần gũi, dễ thực hiện. Dự án có sự tham gia của những gương mặt nổi bật từ chương trình Siêu Trí Tuệ Việt Nam mùa 2 – Lâm Nhựt Thịnh và Nguyễn Cảnh Duy Anh. Hai tài năng trẻ được biết đến với khả năng tư duy sắc bén và nền kiến thức đa dạng về các môn khoa học tự nhiên.

Chuỗi video đã thu hút được sự chú ý của khán giả trong nước, đặc biệt ở độ tuổi thanh thiếu niên. Tinh thần cởi mở, yêu thích khám phá của các khách mời đã tìm được tiếng nói chung với người Việt trẻ. Từ đó giúp 3M tiếp tục lan tỏa sứ mệnh trao quyền cho thế hệ kiến tạo tương lai của Việt Nam, mở đường đưa khoa học vào cuộc sống thông qua sáng kiến hợp tác giữa các nhà khoa học và nhân vật có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng.

Tìm hiểu thêm về chương trình tại: https://www.3m.com/3M/en_US/gives-us/education/science-at-home/

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/loi-ich-cua-viec-tiep-can-khoa-hoc-tu-som-cho-con-tre-post1336276.tpo