Lợi ích kép

Việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử đang được ứng dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế từ trung ương đến địa phương. Quá trình đi vào hoạt động, đơn thuốc điện tử đã mang lại nhiều lợi ích cho cả bác sĩ, người dân và nhân viên bán thuốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện theo Thông tư số 27/2021/TT-BYT của Bộ Y tế quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử còn chậm, thậm chí nhiều bệnh viện đến nay vẫn chưa triển khai.

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước có 19.000 cơ sở khám, chữa bệnh được cấp mã nhưng mới chỉ có hơn 8.000 cơ sở khám, chữa bệnh thường xuyên thực hiện liên thông đơn thuốc. Hiện mới chỉ có 986 bệnh viện công lập và tư nhân đã, đang thực hiện liên thông đơn thuốc. Số còn lại đã từng liên thông rồi tạm dừng hoặc chưa hề liên thông đơn thuốc theo quy định.

Đối với khối cơ sở y tế tư nhân, trong số 47.546 cơ sở trên toàn quốc, hiện mới chỉ có 2.458 cơ sở thực hiện liên thông đơn thuốc. Đặc biệt, trong số 39 bệnh viện tuyến trung ương, nhiều bệnh viện vẫn chưa liên thông đơn thuốc.

Nguyên nhân của việc chậm triển khai đơn thuốc điện tử chủ yếu do lãnh đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chưa quan tâm, chưa chỉ đạo sát sao. Thậm chí, có lãnh đạo còn chưa hiểu rõ việc liên thông đơn thuốc về hệ thống để làm gì và có công năng gì. Nhiều Sở Y tế chưa thành lập đoàn thanh, kiểm tra giám sát và tiến hành xử phạt theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP và Nghị định số 124/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác khiến các cơ sở tế chậm trễ trong việc triển khai liên thông đơn thuốc điện tử được chỉ ra, đó là người kê đơn "ngại minh bạch hóa" việc kê đơn, một số đơn vị thiếu sự quyết liệt chuyển đổi số từ lãnh đạo của đơn vị…

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Y tế và các Sở Y tế cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở bán lẻ thuốc trong và ngoài công lập chậm trễ, thậm chí cố tình không triển khai việc thực hiện kê đơn thuốc điện tử.

Bên cạnh đó là yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg (ngày 23-8-2018) của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc; thực hiện đồng bộ giữa kết nối các cơ sở cung ứng thuốc với kê đơn thuốc điện tử để bảo đảm việc kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn.

Kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử mang lại nhiều lợi ích, giúp giảm thiểu đáng kể những sai sót trong quá trình khám, chữa bệnh do đọc và viết sai thông tin bằng tay. Việc kê đơn thuốc điện tử được liên thông đầy đủ sẽ tạo ra lợi ích kép, giúp quản lý bán thuốc theo đơn và cơ quan quản lý nhà nước thuận lợi trong việc thống kê về mặt bệnh học, tình trạng sử dụng thuốc và hoạt động hành nghề của các bác sĩ.

Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, nếu áp dụng thì người bệnh phải có đơn thuốc mới có thể mua được thuốc, tránh việc mượn đơn thuốc hoặc sử dụng đơn cũ mua lại hay mua thuốc phải kê đơn nhưng không có đơn, gây hậu quả kháng kháng sinh…

Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, với sự vào cuộc quyết liệt, triệt để của các cơ quan chức năng, chúng ta sẽ chấm dứt được tình trạng mua thuốc bừa bãi theo gợi ý của nhân viên bán thuốc. Cùng với đó, các cơ sở y tế sẽ thực hiện tốt việc chuyển đổi số, từng bước tiến tới bệnh viện không giấy tờ, góp phần phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngày một tốt hơn.

Hà Trang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/loi-ich-kep-674266.html