Lợi ích kép từ chỉ số thu hút đoàn làm phim
Năm 2025 được trông chờ sẽ là năm chuyển mình quan trọng trong mối quan hệ giữa điện ảnh và du lịch tại Việt Nam, nơi mà trong năm 2024, hai lĩnh vực này đã bắt đầu hòa quyện, bổ trợ lẫn nhau.
Hàng loạt sự kiện lớn như Liên hoan phim Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Liên hoan phim quốc tế TPHCM hay chương trình quảng bá “Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới” đã mở ra cánh cửa để Việt Nam khẳng định mình trên bản đồ điện ảnh toàn cầu.
Đặc biệt, một công cụ chiến lược mang tính đột phá - bảng đánh giá năng lực thu hút các đoàn làm phim (Production Attraction Index - PAI), đã giúp nhiều địa phương tận dụng cơ hội để khai phá tiềm năng, nhất là ở lĩnh vực du lịch.
Điện ảnh, bên cạnh vai trò là một phương tiện nghệ thuật, còn là công cụ truyền thông mạnh mẽ, giàu cảm xúc, có khả năng khắc họa những hình ảnh sống động về văn hóa, thiên nhiên và con người. Thông qua các thước phim tuyệt đẹp, nội dung lôi cuốn, các tác phẩm điện ảnh đã dẫn dắt, mời gọi khán giả đến với những không gian nơi cảnh quay được thực hiện.
Các ví dụ từ Phú Yên với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Ninh Bình với Kong: Skull Island hay Hà Giang với Chuyện của Pao đã chứng minh rằng một cảnh đẹp xuất hiện trên phim có thể nhanh chóng biến một vùng đất ít được biết đến trở thành điểm đến nổi tiếng toàn cầu.
Điều đặc biệt nằm ở chỗ, bên cạnh hình ảnh, điện ảnh còn truyền tải cảm xúc, tạo nên sự gắn kết sâu sắc hơn so với các hình thức quảng bá truyền thống. Du khách đến thăm những nơi đã thực hiện cảnh quay, ngoài tận hưởng không gian thiên nhiên, yếu tố thu hút nhất vẫn là có cơ hội để “sống” trong không khí của bộ phim, bước vào thế giới mà các nhân vật từng trải qua, và chính điều này tạo nên sự khác biệt rất lớn.
Tuy nhiên, để điện ảnh thực sự trở thành động lực thúc đẩy du lịch, rất cần một cơ chế hỗ trợ bài bản. Chỉ số PAI đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các địa phương định vị và nâng cấp điều kiện sản xuất phim.
Phú Yên là minh chứng tiêu biểu, từ một tỉnh không quá nổi bật, địa phương này đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng PAI năm 2024 nhờ những chính sách đột phá. Các bộ phim được quay tại đây đã mang lại từ những lợi ích tức thời như doanh thu dịch vụ hậu cần, lưu trú, nhân công… đến các lợi ích lâu dài như tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, thu hút du khách, thúc đẩy ngành du lịch phát triển…
Tương tự, Ninh Bình với những bối cảnh đẹp như tranh đã minh chứng rằng giá trị mà điện ảnh mang lại vượt trên cả những lợi ích tài chính trước mắt. Khi các đoàn làm phim đến đây, họ góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề phụ trợ như hướng dẫn viên du lịch, dịch vụ ăn uống, khách sạn.
Quan trọng hơn, Ninh Bình đã tận dụng cơ hội này để quảng bá di sản văn hóa và thiên nhiên độc đáo của mình ra toàn cầu, xây dựng thương hiệu địa phương trên bản đồ du lịch thế giới.
Ông Frank Priot, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bridging the Dragon - tổ chức kết nối các ngành công nghiệp điện ảnh giữa châu Âu và Trung Quốc - từng chia sẻ rằng việc kết hợp giữa điện ảnh và du lịch hiện là xu hướng tất yếu. Và không dừng ở thúc đẩy kinh tế, điện ảnh còn góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia và tạo dựng niềm tự hào dân tộc.
Khi những khung hình về thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc hay con người Việt Nam thân thiện lan tỏa qua các tác phẩm điện ảnh, đó cũng là lúc các giá trị văn hóa của đất nước đến được nhiều hơn với bạn bè quốc tế.
Để làm được điều này, các địa phương cần có chiến lược dài hạn, từ việc đầu tư vào hạ tầng phục vụ sản xuất đến cải thiện các chính sách hỗ trợ. Với sự đồng lòng của các tỉnh thành và tầm nhìn chiến lược từ các nhà quản lý, Việt Nam hoàn toàn có thể khẳng định vị thế trên bản đồ điện ảnh toàn cầu.
Điện ảnh, hơn cả một hình thức nghệ thuật, sẽ trở thành cầu nối văn hóa, động lực kinh tế và là biểu tượng quảng bá bền vững cho đất nước. Lợi ích kép mà bảng xếp hạng PAI mang lại đang mở ra tương lai đầy hứa hẹn cho cả ngành du lịch lẫn điện ảnh Việt Nam.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/loi-ich-kep-tu-chi-so-thu-hut-doan-lam-phim-post777380.html