Quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2025

Phát biểu kết luận Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương tổ chức ngày 8/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng và trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, đồng thời cam kết quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2025 với phương châm 'Kỷ cương, trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn, hiệu quả; tăng tốc, bứt phá'.

Biến nhận thức thành hành động

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, những năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu quan trọng.

“Có thể khẳng định rằng, thời điểm hiện tại chúng ta đã có đủ thế và lực, đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc”, Tổng Bí thư nói.

Nhấn mạnh, mọi cơ hội đang đến phải được nắm bắt kịp thời, bởi nếu để vuột mất, chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử và với nhân dân, Tổng Bí thư mong muốn và tin tưởng rằng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương sẽ cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, phấn đấu không ngừng với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2025 và những năm tiếp theo.

Phát biểu đáp từ và kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ cam kết nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng và trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2025. Chính phủ xin tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo tâm huyết, trách nhiệm của đồng chí Tổng Bí thư, đồng thời cam kết cụ thể hóa các định hướng, chỉ đạo này trong các nghị quyết tới đây. Ngay sau hội nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung quán triệt sâu sắc và nghiêm túc triển khai thực hiện bằng những hành động cụ thể, sản phẩm rõ ràng, thiết thực, hiệu quả, nhất là khắc phục những hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra.

Nhấn mạnh, làm rõ và khái quát một số nội dung chủ yếu, Thủ tướng đánh giá năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi rất tích cực, đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 12/15 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, tăng trưởng cao giúp nâng tầm quy mô và thứ hạng GDP của Việt Nam, cải thiện thu nhập bình quân đầu người. Những kết quả này là minh chứng cho nỗ lực vượt bậc, đồng thời góp phần tạo đà, tạo lực, tạo thế, và tạo niềm tin mạnh mẽ để đạt được kết quả cao hơn cho năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

Hành động khẩn trương, quyết liệt

Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, vì vậy cần phải rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả 5 năm để phát huy, làm tốt hơn với những chỉ tiêu đã đạt và vượt; nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt để phấn đấu đạt mức cao nhất Kế hoạch 5 năm. Với phương châm “Kỷ cương, trách nhiệm; chủ động, kịp thời; tinh gọn, hiệu quả; tăng tốc, bứt phá”, và tinh thần: “Chỉ bàn làm, không bàn lùi, làm việc nào ra việc đấy, làm việc nào dứt việc đó”, Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm nay.

Theo đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu tăng trưởng GDP ít nhất 8% hoặc cao hơn. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ sẽ rà soát và giao nhiệm vụ cụ thể về tốc độ tăng trưởng cho các bộ, ngành và địa phương. Các kịch bản tăng trưởng sẽ được xây dựng, kết hợp giữa làm mới các động lực truyền thống gắn với tạo đột phá thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, lực lượng sản xuất mới, cũng như xây dựng các chính sách tạo đột phá huy động các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân.

Cùng với đó, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 18, đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Thủ tướng cho biết, đến nay, các cơ quan Chính phủ đã giảm trung bình 30% đầu mối, trên cơ sở đó sẽ cơ cấu lại đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức, tạo sự tinh gọn và hiệu quả trong vận hành. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, “đột phá của đột phá”, “chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh” để giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, phấn đấu hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển; cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài; hoàn thiện việc xây dựng các dự án khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nhà máy hạt nhân Ninh Thuận; xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng... Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, là một nhiệm vụ quan trọng, trong đó tập trung triển khai hiệu quả Đề án đào tạo 50-100 nghìn kỹ sư bán dẫn.

Hội nghị đã khép lại với sự đồng thuận cao về những định hướng lớn cho năm 2025. Quyết tâm đoàn kết, đồng lòng, cùng toàn thể nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2025 đã thấy rõ. Và chắc chắn tinh thần “Chỉ bàn làm, không bàn lùi; làm việc nào dứt việc đó” có thể coi là một cam kết mạnh mẽ cho một năm 2025 tràn đầy hy vọng, để thực sự là năm bản lề, tạo đà cho đất nước bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, giàu mạnh và thịnh vượng hơn.

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2024 có sự chuyển biến rõ nét. Đặc biệt, việc xác định rõ vị thế chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả kết hợp chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm.

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2024 có sự chuyển biến rõ nét. Đặc biệt, việc xác định rõ vị thế chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả kết hợp chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm.

Đối với việc điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng, 2024 là năm rất nhiều khó khăn, áp lực. Nhưng với sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành địa phương, NHNN đã bám sát diễn biến tình hình, chủ động điều hành các công cụ, giải pháp với thời điểm, liều lượng hợp lý nên đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra và có những điểm nhấn. Trong đó, CSTT đã góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, giảm được mặt bằng lãi suất trong bối cảnh lãi suất thị trường quốc tế còn cao. Tín dụng cả năm tăng 15,08%, bằng chỉ tiêu định hướng. Cuối năm 2024, NHNN đã thông báo tăng trưởng tín dụng năm 2025 cho các TCTD. Bên cạnh đó, NHNN và Bộ Xây dựng đã thống nhất cho phép các TCTD không tính dư nợ cho vay nhà ở xã hội vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng...

Cũng theo Thống đốc NHNN, hệ thống ngân hàng ngày càng đa dạng các loại hình dịch vụ cung ứng cho doanh nghiệp và người dân, đi đôi với thúc đẩy chuyển đổi số. Đến nay, nhiều ngân hàng đã có trên 90% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Trong quá trình này, NHNN nhận thấy cơ sở dữ liệu dân cư theo Đề án 06 thực sự là nguồn tài nguyên quý giá, hữu dụng. Việc tăng cường kết nối với cơ sở dữ liệu này tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy chuyển đổi số, đồng thời cũng góp phần ngăn ngừa tình trạng tội phạm trong hoạt động ngân hàng.

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2025, NHNN sẽ bám sát diễn biến tình hình, phối hợp tốt với các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Về kiến nghị, bên cạnh động lực tăng trưởng từ xuất khẩu, dựa vào cầu nước ngoài như những năm qua, NHNN đề xuất cần có giải pháp khai thác mạnh mẽ cầu trong nước. Để thúc đẩy tăng trưởng, cần tập trung đột phá, đặc biệt là công nghệ, chuyển đổi số; huy động nguồn vốn cả trong nước và nước ngoài khi dư địa về nợ công, nợ nước ngoài của chúng ta vẫn cho phép. Song song với đó là gia tăng hiệu quả sử dụng vốn và thúc đẩy tăng năng suất lao động. Có như vậy thì chúng ta mới có thể đạt được tăng trưởng kinh tế cao, nhưng vẫn đảm bảo được các cân đối lớn của vĩ mô, gia tăng năng lực cạnh tranh cũng như bảo đảm ổn định được thị trường tiền tệ và ngân hàng.

Với việc triển khai, tích hợp Đề án 06 về dữ liệu dân cư quốc gia, cần tập trung ưu tiên xây dựng và làm giàu hệ thống dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp. Qua đó vừa giúp cho việc quản lý nhà nước nói chung; quản lý hoạt động ngân hàng, kết nối, chia sẻ giữa các cơ quan quản lý nói riêng để nâng cao hiệu quả quản lý, tạo điều kiện cho việc minh bạch các giao dịch trong nền kinh tế.

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/quyet-tam-thuc-hien-thang-loi-ke-hoach-nam-2025-159774.html