Lợi ích kép từ giao khoán bảo vệ rừng

Việc giao khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cộng đồng thôn, bản đang mang lại lợi ích kép: Rừng được bảo vệ tốt hơn và người dân địa phương có thêm sinh kế, nâng cao thu nhập.

Xã Tòng Sành (huyện Bát Xát) có hơn 95% đồng bào dân tộc Dao. Cuộc sống của người dân dựa hoàn toàn vào sản xuất nông - lâm nghiệp và chăn nuôi. Những năm qua, kinh tế của người dân đã bớt khó khăn hơn vì có thêm một khoản thu từ việc nhận khoán bảo vệ rừng. Xã có hơn 1.800 ha rừng tự nhiên phòng hộ được giao khoán cho 6 tổ bảo vệ rừng tại các thôn để quản lý, bảo vệ. Mỗi năm, người dân được hưởng hàng trăm triệu đồng từ tiền nhận khoán bảo vệ rừng.

Mỗi tuần, Tổ bảo vệ rừng thôn Chu Cang Hồ (xã Tòng Sành) chia thành 2 nhóm đi tuần tra rừng. Nếu phát hiện người lạ hoặc rừng bị xâm phạm, Tổ bảo vệ rừng sẽ ngăn chặn và báo cáo kịp thời với chính quyền xã, cán bộ kiểm lâm để xử lý.

Ông Chảo Láo Sỳ, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng, Trưởng thôn Chu Cang Hồ cho biết: "Từ khi thôn được giao quản lý 85 ha rừng, người dân đã nâng cao ý thức, trách nhiệm cùng gìn giữ, bảo vệ, chăm sóc tốt. Nhiều năm liền không xảy ra tình trạng chặt phá rừng, cháy rừng".

Ông Nguyễn Bá Hà, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bát Xát cho biết, đến nay huyện đã giao hơn 13.700 ha rừng tự nhiên cho 70 cộng đồng và 19 xã, thị trấn quản lý, bảo vệ. Các tổ quản lý, bảo vệ rừng luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm nên đã hạn chế việc người dân vào rừng khai thác lâm sản trái phép. Rừng được bảo vệ tốt, công tác trồng rừng đạt nhiều kết quả, góp phần nâng tỷ lệ tán che phủ rừng toàn huyện lên 59%.

Huyện Bắc Hà hiện có hơn 9.500 ha/15.300 ha rừng tự nhiên phòng hộ đã giao khoán cho 103 cộng đồng và 6 hộ, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng/năm. Theo ông Lương Văn Minh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Hà, từ khi thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho người dân, công tác phòng, chống cháy rừng trong cộng đồng dân cư được thực hiện tốt hơn, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm.

Hằng năm, UBND tỉnh đều giao chỉ tiêu, kế hoạch bảo vệ rừng cho các địa phương. Trên cơ sở đó, các huyện, thành phố, thị xã phân khai chi tiết đến từng xã, từng chủ rừng, chủ quản lý triển khai bảo vệ. Hiện toàn tỉnh giao khoán bảo vệ hơn 382.000 ha rừng cho 569 hộ, 657 cộng đồng dân cư thôn và 12 tổ bảo vệ rừng bán chuyên trách. Nguồn kinh phí giao khoán từ ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 300.000 - 400.000 đồng/ha. Ngoài ra, bên nhận khoán bảo vệ rừng được nhận thêm tiền dịch vụ môi trường rừng (đối với những diện tích trong lưu vực) khoảng 500.000 - 718.000 đồng/ha. Việc khoán bảo vệ rừng mang lại hiệu quả rõ rệt: Rừng được chăm sóc, bảo vệ tốt hơn nên ngày càng “giàu” hơn, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh hiện nay lên 57,7%, cao hơn 4,3% so với năm 2015.

Là tỉnh miền núi, Lào Cai có diện tích rừng lớn và đặc biệt là rừng tập trung ở vùng sâu, vùng cao, giao thông khó khăn, dẫn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng trở thành áp lực và nếu chỉ riêng lực lượng kiểm lâm thì khó có thể quản lý hết. Vì vậy, chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng cho người dân, cộng đồng đã mang lại hiệu quả. Nhờ chính sách này mà người dân đã phát hiện, báo cơ quan chức năng ngăn chặn và xử lý kịp thời nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Từ kết quả mang lại, các ngành chức năng đang nghiên cứu lồng ghép các nguồn kinh phí để đẩy mạnh việc khoán bảo vệ rừng, nâng mức hỗ trợ cho người dân và cộng đồng.

Tỉnh sẽ tăng cường huy động nguồn lực cho công tác bảo vệ rừng như triển khai các dự án bảo vệ và phát triển rừng bền vững, phát triển các mô hình sinh kế, du lịch sinh thái gắn với bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng, năng lực cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng tuần tra rừng cho người dân, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/loi-ich-kep-tu-giao-khoan-bao-ve-rung-post367814.html