'Lợi ích kép' từ mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái

Canh tác lúa theo công nghệ sinh thái, hay còn gọi là mô hình 'ruộng lúa bờ hoa' đang được thực hiện ở nhiều địa phương. Đằng sau vẻ đẹp ấn tượng đầy màu sắc của đồng ruộng, mô hình còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực giúp nông dân quản lý tốt dịch bệnh, cân bằng sinh thái trên đồng ruộng và nâng cao năng suất mùa vụ.

Những ruộng lúa áp dụng canh tác theo công nghệ sinh thái kết hợp biện pháp “1 phải, 5 giảm”

Hiệu quả rõ rệt

Rảo quanh ruộng lúa hơn 70 ngày sinh trưởng của nông dân Phan Văn Phục (xã Phú Thành, huyện Phú Tân), bà con tham quan rất ấn tượng bởi độ tươi tốt, oằn bông. Ông Phục trồng giống lúa OM18 trên diện tích 3,5ha, đến nay, chưa phải xịt cữ thuốc nào để trị các loại sâu bệnh. “Mấy mùa trước, cứ 15 ngày là xịt thuốc trị muỗi hành, nhện gié, đến 30 ngày lại xịt thuốc trị sâu đục thân. Còn bây giờ, nhờ thiên địch tiêu diệt các loại côn trùng phá hoại, tôi đã giảm được rất nhiều cữ thuốc, tiết kiệm chi phí hơn 1 triệu đồng/ha. Có lẽ một phần nhờ hoa bờ ruộng, nên lúa xung quanh giảm sâu bệnh như nhau, bà con ai cũng thích và xin các hạt giống về trồng” - ông Phục chia sẻ.

Ngụ cùng xã Phú Thành, ông Phan Văn Minh đã có kinh nghiệm qua nhiều vụ canh tác lúa theo công nghệ sinh thái kết hợp “1 phải, 5 giảm” khẳng định hiệu quả rất rõ rệt. Ông Minh cho biết, 5-6 vụ liên tiếp trồng lúa chất lượng cao, ông đều dưỡng thiên địch, suốt vụ không cần xịt thuốc trị sâu mò, bởi bệnh xuất hiện rất ít, không ảnh hưởng đến năng suất cây lúa. “Quan trọng là làm sao cho lúa phát triển khỏe, đề kháng tốt với côn trùng gây hại. Mỗi sáng, đi kiểm tra đường nước tôi đều quan sát thấy thiên địch càng nhiều thì càng mừng, nếu lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, côn trùng chết hết thì thiên địch cũng chết theo” - ông Minh giải thích.

Rất nhiều lợi ích được phân tích, giới thiệu về mô hình, nhưng với những nông dân mới lần đầu áp dụng, để thay đổi thói quen canh tác quả thật không dễ. Tâm lý “thà ăn chắc” còn hơn lời nhiều vẫn còn phổ biến, khiến bà con băn khoăn khi phải mạnh dạn giảm lượng giống, sạ thưa, tiết giảm nước, nhất là hạn chế phân bón, thuốc trừ sâu… Một số người trần tình, trước khi áp dụng kỹ thuật canh tác theo công nghệ sinh thái, họ có thói quen hễ quan sát cây trồng xuất hiện sâu bệnh nhẹ là xịt thuốc. Hiện nay, bà con giảm rất nhiều số lần phun xịt thuốc, tiết kiệm chi phí sản xuất trong mỗi vụ. Trong điều kiện thời tiết thất thường, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, từng khoản chi phí được tiết giảm đều có ý nghĩa với nhà nông và đồng nghĩa được tăng thêm lợi nhuận.

Hướng đến sản xuất an toàn

Ngoài huyện Phú Tân, trong vụ thu đông năm nay, mô hình “ruộng lúa bờ hoa” kết hợp biện pháp “1 phải, 5 giảm” triển khai ở nhiều địa bàn trong tỉnh, như: huyện Châu Phú, An Phú, Châu Thành, Thoại Sơn, TX. Tân Châu… Trong đó, huyện Châu Phú tiếp nối hiệu quả từ 2 xã thí điểm là Bình Mỹ và Thạnh Mỹ Tây (thực hiện năm 2020), tiếp tục vận động 19 hộ nông dân xã Bình Long và thị trấn Vĩnh Thạnh Trung tham gia với tổng diện tích 30ha. Ông Nguyễn Văn Két (xã Bình Long) thực hiện mô hình này với diện tích 4ha rất tâm đắc. So với tập quán mấy chục năm sản xuất theo kinh nghiệm, ông Két nhận thấy cây lúa đã hạn chế được dịch bệnh, giảm chi phí và thuốc bảo vệ thực vật, còn biện pháp “1 phải, 5 giảm” tiết kiệm được phân, thuốc, giống… rất đáng kể.

Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Phú Lương Hoàng Tuấn cho biết, nếu theo tập quán sản xuất thông thường, nông dân sử dụng thuốc trừ sâu từ 3-4 lần/vụ, thì với mô hình công nghệ sinh thái chỉ còn phun thuốc từ 1-2 lần. Trước khi thực hiện, bà con được hướng dẫn làm bờ bao đủ độ cao và lớn, lựa chọn các giống hoa và cách trồng nhằm đạt hiệu quả. Mô hình này duy trì ổn định giữa các đối tượng gây hại và thiên địch có ích trên đồng ruộng. Bởi sự cân bằng môi trường sinh thái giúp cho mật độ côn trùng gây hại giữ ở mức độ thấp, không ảnh hưởng nhiều đến năng suất cũng như kinh tế của nông dân.

Để nông nghiệp phát triển theo hướng an toàn, bền vững thì vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái và hạ giá thành sản phẩm đang là yêu cầu bức thiết. Biện pháp sinh học quản lý dịch hại trên lúa bằng công nghệ sinh thái không chỉ mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho người nông dân, mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nông dân cũng nhận thấy sự thiết thực khi được đảm bảo sức khỏe, tạo ra sản phẩm an toàn. Mặt khác, ruộng lúa bờ hoa còn góp phần tạo cảnh quan đẹp ở nông thôn, rất phù hợp để nhân rộng gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Các loại hoa có thể chọn trồng trên bờ ruộng, gồm: Sao nhái, hướng dương, cúc ngũ sắc, trâm ổi, cúc mặt trời, mười giờ, xuyến chi… Chúng có thể thích nghi tốt với hệ sinh thái đồng ruộng, nhiều màu sắc, phấn hoa và mật ngọt thu hút thiên địch đến cư trú, sinh sôi và giúp tiêu diệt sâu rầy. Ngoài ra, ngành chức năng còn khuyến khích nông dân trồng thêm một số cây màu ngắn ngày phù hợp, như: Đậu bắp, đậu xanh, dưa gang… vì hoa của chúng rất hấp dẫn thiên địch, đồng thời tăng thêm thu nhập cho nhà nông.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/-loi-ich-kep-tu-mo-hinh-ung-dung-cong-nghe-sinh-thai-a318037.html