Lợi ích 'kép' từ phát triển kinh tế rừng
ĐBP - Điện Biên có trên 954.000ha đất tự nhiên, trong đó diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp gần 695.000ha. Diện tích đất có rừng tính đến hết năm 2019 là trên 403.000ha, tỷ lệ che phủ rừng trên 42%. Với diện tích đất lâm nghiệp lớn, đó là một trong những điều kiện thuận lợi để người dân trên địa bàn phát triển kinh tế từ rừng. Cùng với công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian qua người dân trên địa bàn tỉnh đã đầu tư, phát triển mô hình trồng rừng, vừa góp phần nâng cao thu nhập, vừa quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng trên địa bàn.
Bà Trần Thị Toàn, bản Huổi Mí, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà) cùng người thân phát dọn thực bì dưới tán rừng nhận khoán.
Theo chân cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà, chúng tôi đến thăm mô hình phát triển kinh tế rừng của gia đình bà Trần Thị Toàn, bản Huổi Mí, xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà). Từ năm 2001, bà Toàn đã nhận khoán 22ha rừng để trồng thông mã vĩ lấy nhựa. Dẫn chúng tôi tham quan rừng thông, bà Toàn chia sẻ: Diện tích thông này nằm cách quốc lộ 4H không xa nên gia đình tôi cũng thuận tiện cho việc chăm sóc, bảo vệ. Đến nay, nhiều cây phát triển tốt có đường kính 30cm và đã cho thu hoạch nhựa, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Nghĩ lại, trước đây gia đình được giao nhận 22ha rừng này nhưng tôi không biết phải làm thế nào để vừa nâng cao thu nhập, vừa bảo vệ, quản lý tốt rừng. Được sự vận động và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, gia đình đã đầu tư trồng cây thông mã vĩ để lấy nhựa. Sau gần 20 năm, đến nay rừng thông đã cho khai thác nhựa, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng từ bán nhựa thông”.
Từ những mô hình trồng rừng như gia đình bà Toàn đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ và quản lý, làm tăng độ che phủ của rừng trên địa bàn xã Ma Thì Hồ. Hiện nay, xã Ma Thì Hồ có diện tích tự nhiên trên 13.550ha, trong đó có hơn 2.600ha rừng tự nhiên; độ che phủ rừng năm 2015 là 21,6% đến năm 2020 tăng lên 24,3%. Để có được kết quả tích cực đó, ông Hồ A Di, Phó Chủ tịch UBND xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà), cho biết: Trước đây, nhiều gia đình có đất rừng trên địa bàn xã chỉ để trồng những cây gỗ tạp mọc tự nhiên, không mang lại hiệu quả kinh tế. Đối với nhiều diện tích rừng, người dân thường trồng ngô nên đất xấu dần, hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi cơ quan chuyên môn, chính quyền xã tích cực triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng cho người dân; cùng với việc chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đầy đủ, đến nay, bà con trong xã không tự ý phá rừng làm nương, khai thác lâm sản trái phép, xâm phạm vào rừng mà chú trọng hơn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tái sinh. Ngoài ra, nhiều gia đình đã đầu tư phát triển kinh tế từ rừng nên nhiều diện tích đồi, núi trọc nay đã phủ một màu xanh của cây thông, keo, mỡ và xoan… Từ đó, tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn cũng được nâng lên nhiều.
Tương tự như xã Ma Thì Hồ, xuất phát từ điều kiện thực tế với diện tích rừng tự nhiên khá lớn, với hơn 5.200ha, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) đã làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ rừng cũng đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Phát huy lợi thế về rừng, cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai thêm các mô hình kinh tế dựa vào rừng, trong đó tập trung vào trồng cây sa nhân và nuôi ong rừng lấy mật. Để phát triển mô hình nâng cao thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ rừng, xã Chà Nưa đã khoanh vùng nuôi trồng, tập huấn kỹ thuật cho bà con; đồng thời liên hệ với nhà cung ứng giống để lấy được giống cây trồng đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đến nay, toàn xã có hơn 10ha cây sa nhân, người dân đã thả được gần 1.000 thùng nuôi ong rừng ngoài tự nhiên.
Trao đổi về vấn đề này, ông Thùng Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ), cho biết: Bây giờ, để tìm mô hình phát triển kinh tế rừng nâng cao thu nhập cho bà con cũng rất khó, bởi triển khai các mô hình lớn đòi hỏi vốn đầu tư nhiều. Vì vậy, tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương, xã Chà Nưa chọn mô hình nuôi ong và trồng, chăm sóc cây sa nhân ở trong rừng. Do có diện tích rừng lớn, con ong giống đã có sẵn trong tự nhiên; còn cây sa nhân là cây bản địa phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên khi thực hiện sẽ thuận lợi hơn. Các mô hình đó không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho bà con mà còn là giải pháp bảo vệ rừng rất tốt.
Với những thế mạnh tự nhiên, tỉnh ta đã và đang chú trọng đến hiệu quả kinh tế từ rừng. Đặc biệt là những loại cây vừa góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, vừa cho khai thác sản phẩm hàng hóa đang chiếm ưu thế và được các địa phương trong tỉnh lựa chọn trồng và nhân rộng diện tích. Trong đó, một số huyện, thành phố đang tập trung phát triển diện tích cây mắc ca, nâng diện tích mắc ca toàn tỉnh lên hơn 3.200ha. Ngoài việc khoanh nuôi, chăm sóc, bảo vệ rừng tự nhiên, người dân còn tích cực mở rộng diện tích rừng trồng. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 5.000ha rừng trồng. Với tiềm năng lớn về đất lâm nghiệp, tỉnh Điện Biên còn nhiều cơ hội để phát triển kinh tế rừng; từ đó mang lại hiệu quả “kép” vừa bảo vệ rừng vừa tạo nguồn thu nhập chính đáng cho bà con nhân dân trong tỉnh.