Lợi ích 'kép' từ thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công

Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu khi công nghệ đang ngày càng phát triển, yêu cầu của người dân khi sử dụng các dịch vụ hiện đại ngày càng cao. Đối với các dịch vụ công trong lĩnh vực: y tế, điện, nước, giáo dục, viện phí, chi trả dịch vụ an sinh xã hội thì phương thức thanh toán tiền qua ngân hàng đã mang lại lợi ích 'kép', không chỉ góp phần tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch mà còn đáp ứng nhu cầu thanh toán thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, những năm qua, các sở, ngành và các đơn vị cung ứng dịch vụ công đã tích cực phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh và đơn vị trung gian thực hiện tốt các giải pháp về thanh toán không dùng tiền mặt.

Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Bắc Sơn tư vấn cho người dân dịch vụ thanh toán hóa đơn trên ứng dụng Agribank E – MobileBanking

Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Bắc Sơn tư vấn cho người dân dịch vụ thanh toán hóa đơn trên ứng dụng Agribank E – MobileBanking

Tại Công ty Điện Lực Lạng Sơn, trong thời gian qua, công ty đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, cụ thể như: Phối hợp với các đối tác thu hộ tuyên truyền đến khách hàng về các tiện ích trong việc sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt; vận động khách hàng thực hiện thanh toán tiền điện bằng các hình thức như: mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng, đăng ký trích nợ tự động qua tài khoản, thanh toán trực tuyến qua App ngân hàng như Internet banking, Mobile banking; thanh toán qua các ví điện tử như: Momo, ZaloPay, ViettelPay, VNPay, Moblie money…

Bà Lý Thanh Huyền, Phó Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Lạng Sơn cho biết: Với các giải pháp tích cực, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 206.048 khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, đạt 82,21% tổng khách hàng, doanh số thanh toán đạt 92,78%, trong đó số khách hàng chủ động thanh toán qua thẻ ngân hàng và ví điện tử đạt 47,37%. Việc đẩy mạnh thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các tổ chức trung gian giúp nâng cao năng suất lao động và tính minh bạch cho ngành điện.

Còn tại Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn, từ năm 2021 đến nay, công ty đã đẩy mạnh hình thức thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt để thực hiện hiệu quả chủ trương của Chính phủ, của tỉnh. Theo đó, công ty đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử, in tờ rơi gửi trực tiếp đến khách hàng. Đặc biệt trong năm 2022, công ty đã gửi thông báo tuyên truyền, hướng dẫn đến các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ký hợp đồng sử dụng nước với công ty thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng.

Ông Trần Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Lạng Sơn cho biết: Với những giải pháp hiệu quả, đến nay, số khách hàng thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt đạt 11%/tổng số khách hàng sử dụng dịch vụ của công ty, tăng gấp đôi so với năm 2021. Thời gian tới, công ty tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về những tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó giao chỉ tiêu cho từng cán bộ của công ty, giao cho cán bộ thu tiền nước gửi thông báo hướng dẫn đến từng khách hàng. Ngoài ra, công ty sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan trên địa bàn tỉnh tuyên truyền đến khách hàng là cán bộ của cơ quan sử dụng hình thức thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt.

Để có được kết quả đó, các đơn vị cung ứng dịch vụ công đã chủ động phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh lắp đặt thiết bị chấp nhận thẻ, thanh toán ứng dụng QR Code để cho phép phụ huynh, học sinh, người bệnh, người dân… sử dụng thiết bị di động, thẻ ngân hàng để thanh toán. Các ngân hàng cũng tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó giúp người dân tiết kiệm thời gian, quản lý chi tiêu dễ dàng, đa dạng hóa các phương thức thanh toán mang lại nhiều thuận tiện cho khách hàng.

Ông Hoàng Văn Huy, Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn (BIDV Lạng Sơn) cho biết: Thực hiện thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng giúp người dân dễ dàng theo dõi các khoản nộp, giảm thiểu rủi ro liên quan đến nộp tiền mặt, có thể thanh toán mọi lúc mọi nơi. Thời gian qua, để thực hiện hiệu quả chủ trương này, BIDV Lạng Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn tại các đơn vị cung ứng dịch vụ công và tại hội chợ, sự kiện lớn để hướng dẫn người dân thanh toán dịch vụ qua ngân hàng. Đến nay, chi nhánh đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Công ty Điện lực Lạng Sơn và Công ty Cổ phần Cấp thoát nước triển khai dịch vụ thu hộ.

An toàn, thuận tiện

Để tạo sự tin tưởng với khách hàng, các ngân hàng đều có những giải pháp để bảo mật và an toàn khi thực hiện giao dịch. Khi có bất kỳ biến động nào liên quan đến số dư tài khoản, hệ thống của các ngân hàng sẽ gửi tin nhắn thông báo về số điện thoại khách hàng đăng ký. Đồng thời, khi thực hiện các giao dịch, hệ thống yêu cầu nhập mã OTP bằng tin nhắn để xác thực…

Với những nỗ lực đó, đến nay, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công đã đạt được kết quả tích cực. Theo số liệu thống kê từ Điện lực Lạng Sơn; Công ty Cổ Phần cấp thoát nước Lạng Sơn; Cục thuế tỉnh; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế, tính đến hết tháng 3/2023, thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 82,21%; thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt đạt 11%; tổng số tiền nộp thuế trên địa bàn thanh toán qua ngân hàng chiếm 97,1% tổng số thuế thu được; thanh toán học phí qua ngân hàng chiếm 37%; thanh toán viện phí qua ngân hàng đạt trên 23% tổng chi phí khám, chữa bệnh. Đối với chi trả BHXH qua ngân hàng, theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 3 tháng đầu năm 2023, có 6.246 người nhận lương hưu, trợ cấp hàng tháng qua tài khoản cá nhân, bằng 33,4% số người hưởng tại khu vực đô thị; 1.086 người nhận trợ cấp BHXH một lần qua tài khoản cá nhân, bằng 91,0% người nhận; 1.408 người nhận trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân, bằng 91,7% người nhận.

Ông Vy Văn Tiến, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Những năm trước, gia đình tôi vẫn giữ thói quen nộp tiền nước bằng tiền mặt cho nhân viên đến thu. Tuy nhiên, tôi thấy việc thu tiền mặt tại nhà khá bất tiện khi nhiều lúc nhân viên đến thu mình không có nhà hoặc không có đủ tiền mặt, do vậy, nhiều lần vì bận công việc, tôi để quá thời hạn đóng tiền theo quy định. Từ khi được cán bộ Công ty Cổ phần cấp thoát nước Lạng Sơn hướng dẫn thanh toán tiền nước qua ngân hàng, tôi đã đăng ký trích tự động trả tiền nước qua ngân hàng, tôi thấy rất thuận tiện, nhanh chóng.

Từ thực tế có thể thấy, việc thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ giúp đơn vị cung ứng dịch vụ công dễ dàng quản lý, tạo sự minh bạch trong các khoản chi mà còn giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí, hạn chế rủi ro khi mang nhiều tiền mặt bên người, tạo điều kiện để người tiêu dùng thanh toán thuận tiện, an toàn, chính xác.

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, đơn vị và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã có chuyển biến tích cực, hiện đại hóa các quy trình, tạo thuận lợi, tiện ích trong việc tiêu dùng, sử dụng dịch vụ, vừa đảm bảo an ninh – an toàn tiền tệ cho người tiêu dùng lẫn cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ. Qua đó, góp phần tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công, thúc đẩy chuyển đổi số.

MAI LINH - KIM HUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/575811-loi-ich-kep-tu-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-trong-dich-vu-cong.html