Lợi ích kép từ trang trại nấm - năng lượng

Cùng với đầu tư điện mặt trời mái nhà, nhiều hộ kinh doanh còn có nguồn thu ổn định từ việc trồng trọt, chăn nuôi phía dưới mái công trình. Đây cũng là mô hình kinh tế tạo việc làm cho nhiều lao động tại chỗ, với mức thu nhập ổn định.

Tận dụng mái nhà xưởng

Năm 2019, vợ chồng bà Nguyễn Thị Lương rời TP. HCM để tìm hướng phát triển mới tại xã Ea Pô (Cư Jút). Thời điểm đó, khu vực đất mà bà Lương chọn mua là đất sỏi đá, bạc màu, rất khó để cây trồng phát triển.

Sau khi mua được hơn 3 ha đất nông nghiệp, bà Lương đầu tư gần 6 tỷ đồng để xây dựng trang trại trồng nấm công nghệ cao. Gần 3 năm nghiên cứu thử nghiệm và phát triển, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định khi vừa sản xuất nấm, vừa tận dụng mái nhà xưởng để sản xuất điện theo hình thức điện mặt trời mái nhà.

 Trang trại trồng nấm kết hợp điện mặt trời mái nhà của bà Nguyễn Thị Lương tại xã Ea Pô (Cư Jút)

Trang trại trồng nấm kết hợp điện mặt trời mái nhà của bà Nguyễn Thị Lương tại xã Ea Pô (Cư Jút)

Theo chủ nhân mô hình, mục đích ban đầu của doanh nghiệp là trồng nấm sạch. Năm 2020, Chính phủ có cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà nên vợ chồng bà Lương đã tận dụng hơn 7000 m2 mái nhà xưởng để đầu tư thêm năng lượng tái tạo này. Phía bên dưới mái công trình, trang trại tổ chức sản xuất nấm theo mô hình khép kín.

Nhờ ứng dụng một số biện pháp nuôi trồng tiên tiến, mỗi tháng trang trại nấm có thể cung cấp ra thị trường khoảng 4.000 kg nấm. Hiện tại, giá bán của các loại nấm dao động khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg.

 Trang trại được sản xuất theo mô hình khép kín

Trang trại được sản xuất theo mô hình khép kín

Tạo việc làm lao động địa phương

Ngoài sản xuất nấm thương phẩm, trang trại của gia đình bà Nguyễn Thị Lương còn chuyển giao kỹ thuật và cung cấp cho các trại nấm trong và ngoài tỉnh khoảng vài trăm ngàn bịch phôi nấm mỗi năm. Đặc biệt, mô hình kinh tế này còn tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với thu nhập 6-10 triệu đồng/ tháng.

 Sản phẩm nấm được sấy khô, đóng gói trước khi xuất ra thị trường

Sản phẩm nấm được sấy khô, đóng gói trước khi xuất ra thị trường

Anh Lê Xuân Trường ở thôn Nam Tiến, xã Ea Pô vào làm tại trang trại được hơn 1 năm nay với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Theo anh Trường, công việc tuy mới mẻ nhưng so với làm nông, nghề này dễ dàng và đỡ vất vả hơn.

“Hàng ngày, ngoài kiểm tra các thiết bị điện, tôi cùng các công nhân khác chăm sóc, thu hoạch và sơ chế nấm. Môi trường làm việc cũng rất thoải mái, phù hợp với những lao động sức khỏe yếu hoặc người trung tuổi. Với mức thu nhập như hiện nay, những lao động như chúng tôi cũng có một cuộc sống ổn định hơn”, anh Nam cho hay.

 Mô hình trang trại kết hợp còn tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương

Mô hình trang trại kết hợp còn tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương

Chia sẻ thêm về kế hoạch phát triển trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Lương cho biết, doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ để Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Đắk Nông chứng nhận sản phẩm trồng trọt theo quy trình VietGAP. Sau khi được công nhận, sản phẩm sẽ có thị trường tiêu thụ ổn định hơn, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Bài, ảnh: Thanh Hằng

1,523

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/loi-ich-kep-tu-trang-trai-nam-nang-luong-89430.html