Lợi ích kép từ tự sản xuất vật tư phòng dịch Covid-19 (bài 1)

ĐBP - Ngoài nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) còn tập trung sản xuất vật tư (que lấy dịch tỵ hầu thủ công và ống môi trường bảo quản bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2) đáp ứng nhu cầu lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Trong hoàn cảnh nguồn cung vật tư y tế trên thị trường không thể cung cấp đủ thì đây là việc làm hết sức ý nghĩa và cần thiết phục vụ kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh.

Bác sĩ Nguyễn Anh Thái, Trưởng Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng kiểm tra sản phẩm que lấy dịch tỵ hầu thủ công.

Bài 1: Cái khó ló cái hay

Những ngày này, dù tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, đã qua 14 ngày không phát hiện ca dương tính mới nhưng cán bộ, y, bác sỹ và nhân viên kỹ thuật Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) vẫn làm việc cật lực. Hẹn trước mấy ngày nhưng vì công việc bận rộn nên hôm nay chúng tôi mới gặp được bác sĩ Nguyễn Anh Thái, Trưởng Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng. Gặp chúng tôi ngoài hành lang của khoa, bác sĩ Thái đã vội giải thích: “Do tinh thần chống dịch như chống giặc nên tất cả khoa đều tập trung thực hiện công việc của mình. Ngoài nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, chúng tôi còn tự sản xuất vật tư y tế phục vụ việc lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm Covid-19. Vì thế anh em phải tận dụng thời gian…”.

Dù bác sĩ Thái không nói thì chúng tôi cũng hiểu công việc của “những chiến binh áo trắng” trong trận tuyến phòng dịch bận rộn như thế nào. Không để mất thời gian, vừa đi bác sĩ Thái vừa chia sẻ: “Thời điểm tháng 4/2020, dịch Covid-19 bùng phát, vật tư phục vụ phòng chống Covid-19 (hóa chất, sinh phẩm, vật tư, đồ phòng hộ) trở nên khan hiếm. Trong khi đó, năng lực nhà sản xuất trong và ngoài nước chưa được mở rộng, nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Trên cơ sở những điều kiện sẵn có và sự nhất trí của lãnh đạo Trung tâm, Sở Y tế, chúng tôi đã tiến hành sản xuất que lấy dịch tỵ hầu thủ công và ống môi trường bảo quản bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2. Đây là 2 sản phẩm chính phục vụ công tác thu thập mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2. Các sản phẩm này đã được tự thử nghiệm để kiểm tra chất lượng về độ vô trùng, pH, độ bám dính… và đã chứng minh được hiệu quả của sản phẩm qua thực tế”.

Theo chia sẻ của bác sĩ Thái, cả 2 sản phẩm que lấy dịch tỵ hầu thủ công và ống môi trường bảo quản bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2 đều do y, bác sĩ, nhân viên trong khoa tự tìm hiểu, nghiên cứu và sản xuất. Thuận lợi là trước đó, Khoa đã sản xuất nhiều môi trường nuôi cấy vi sinh nên các y, bác sĩ quen với quy trình sản xuất môi trường bảo quản vi rút đúng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Hiện nay, do những sản phẩm cần sử dụng với số lượng lớn nên Khoa đã chủ động nghiên cứu quy trình sản xuất và tìm nguyên liệu dễ kiếm, có sẵn trên thị trường để sản xuất số lượng lớn. Sau khi nghiên cứu, y, bác sĩ đã tìm ra vật liệu để sản xuất tăm tỵ hầu với cấu tạo gồm: Sợi cước câu cá (độ dày 1,1 - 1,2mm), tăm bông trẻ em, bông y tế có khả năng thấm hút; còn sản xuất ống môi trường cần có ống chứa môi trường Palcon, các thành phần dinh dưỡng trong môi trường, vi lượng, khoáng chất, muối. Nhờ tự sản xuất được vật tư, ngành Y tế tỉnh đã kịp thời lấy mẫu xét nghiệm các đối tượng nghi nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn trong thời gian qua.

Thực tế cho thấy, các mặt hàng vật tư y tế phục vụ phòng chống Covid-19 rất đặc thù, trong đó đa số phải nhập từ nước ngoài mà yêu cầu trong chống dịch lại cần phải có sẵn để đáp ứng khẩn cấp. Bởi khi dịch bệnh diễn biến phức tạp chỉ cần chậm 1 ngày, thậm chí 1 giờ là khó kiểm soát, khống chế và dịch có thể bùng ra bất cứ lúc nào. Vậy nên việc tự sản xuất các vật tư y tế đáp ứng công tác lấy mẫu xét nghiệm có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết.

Ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Điện Biên là tỉnh miền núi, xa xôi, đường sá đi lại khó khăn, khi dịch bệnh xảy ra để tiếp cận được các phương tiện phòng chống dịch sẽ càng khó khăn hơn. Cụ thể, thời điểm tháng 4/2020, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã đặt mua các mặt hàng phòng chống dịch Covid-19 (hóa chất, sinh phẩm, vật tư, phương tiện phòng hộ) nhưng đều không có bất cứ sự phản hồi nào của nhà cung ứng; dẫn đến bế tắc về nguồn cung trong công tác phòng chống dịch. Trong khi đó, việc xác địch đối tượng nguy cơ và lấy mẫu kịp thời để xét nghiệm, chẩn đoán nghi nhiễm SARS-CoV-2 là khâu đầu tiên và là mắt xích quan trọng nhất trong việc truy vết thần tốc, khoanh vùng, dập dịch. Trước diễn biến đó và yêu cầu cấp bách trong phòng chống dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tìm tòi, nghiên cứu các nguồn nguyên vật liệu có sẵn trên thị trường để có thể thay thế các vật tư y tế trên, nhằm chủ động chống dịch hiệu quả trên địa bàn.

Với nguồn nhân lực có kỹ thuật cơ bản và các nguồn lực về thiết bị sẵn có (nồi hấp tiệt trùng, tủ sấy, máy đo pH, cân kỹ thuật, tủ ấm, bếp điện, lò vi sóng, dụng cụ hỗ trợ…) của phòng pha chế môi trường nuôi cấy vi sinh, cùng với sự tìm tòi, nghiên cứu của viên chức xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tự sản xuất que lấy dịch tỵ hầu thủ công và ống môi trường bảo quản bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2 từ tháng 4/2020. Từ đó đến nay, đơn vị đã sản xuất 20.000 que lấy dịch tỵ hầu thủ công và 50.000 ống môi trường bảo quản bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2. Ngoài phục vụ cho công tác chống dịch nhanh chóng, kịp thời, việc tự sản xuất vật tư phòng dịch đã góp phần không nhỏ tiết kiệm ngân sách phòng chống dịch của tỉnh. So với giá thị trường, que lấy dịch tỵ hầu thủ công (16.000 đồng/que) và ống môi trường bảo quản bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2 (69.000 đồng/ống) thì chi phí thành phẩm (tính riêng nguyên vật liệu) do Khoa tự sản xuất đối với que lấy dịch tỵ hầu thủ công chỉ có giá gần 1.200 đồng/que và ống môi trường bảo quản bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2 chỉ có 15.000 đồng/ống. Như vậy, từ tháng 4/2020 đến nay, việc tự sản xuất vật tư y tế của Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng đã tiết kiệm cho ngân sách tỉnh gần 3 tỷ đồng. Qua đó không chỉ giải quyết vấn đề thiếu nguồn cung vật tư y tế mà còn góp phần quan trọng tiết kiệm ngân sách và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Bài 2: Góp sức chống dịch

Bài, ảnh: Phạm Quang

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/y-te/187809/loi-ich-kep-tu-tu-san-xuat-vat-tu-phong-dich-covid-19-bai-1