Lợi ích kép từ tự sản xuất vật tư phòng dịch Covid-19 (bài 2)

ĐBP - Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, yêu cầu về vật tư y tế lấy mẫu bệnh phẩm tăng, Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) đã huy động toàn bộ lực lượng xét nghiệm trong khoa tranh thủ từng giờ, từng phút cả trong và ngoài giờ làm việc để tham gia sản xuất vật tư y tế. Mặc dù đây là nhiệm vụ ngoài chuyên môn, nhưng cán bộ y, bác sĩ luôn sẵn sàng tham gia sản xuất để đem lại sản phẩm chất lượng, kịp thời phân phối cho các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh chủ động trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19.Bài 1: Cái khó ló cái hay

Kỹ thuật viên Vũ Thị Thương tiến hành tiệt trùng que lấy dịch tỵ hầu thủ công và ống môi trường bảo quản bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Bài 2: Góp sức chống dịch

Gần 1 năm nay, ngôi nhà tại tổ 4, phường Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ) của kỹ thuật viên Vũ Thị Thương, Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) đêm nào cũng rộn ràng. Bởi ngoài giờ làm trên khoa, chị Thương mang các sợi cước làm thân que lấy dịch tỵ hầu thủ công về nhà nhờ chồng cắt bằng máy, còn chị tranh thủ sản xuất vật tư y tế tại nhà. Mặc dù sức khỏe không được tốt song chị Thương rất tận tụy với công việc và phần lớn que lấy dịch tỵ hầu thủ công và ống môi trường bảo quản bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2 đều do một tay chị sản xuất.

Chị Thương chia sẻ: “Trước kia, nhóm sản xuất các que lấy dịch tỵ hầu và ống môi trường bảo quản trong khoa gồm có 4 người cùng thực hiện. Tuy nhiên, đến tháng 7/2020 thì một người nghỉ thai sản, 2 người chuyển sang bộ phận khác phục vụ công tác phòng dịch. Do nhu cầu sử dụng các sản phẩm trên ngày càng nhiều nên từ thời gian đó, tôi mang nguyên vật liệu về nhà làm. Ban ngày, ở trên khoa, tôi sẽ tập trung sản xuất ống môi trường bảo quản bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2. Việc sản xuất que lấy dịch tỵ hầu đơn giản hơn, không cần nhiều thiết bị, máy móc nên khi về nhà, tôi mới tập trung làm. Trong quá trình sản xuất vật tư y tế tại nhà, tôi nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ người thân, đặc biệt là chồng. Với việc cắt các đoạn cước làm thân que lấy dịch tỵ hầu theo đúng kích cỡ và giấy gói, tôi nhờ ông xã giúp đỡ. Vì thế mà sản phẩm làm ra cũng nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm”.

Vì là thợ cơ khí, sẵn có máy cắt nên anh Nguyễn Thế Hùng (chồng chị Thương) tích cực cùng vợ sản xuất que lấy dịch tỵ hầu và ống môi trường bảo quản bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2. Khi chúng tôi ngỏ lời phỏng vấn, anh Hùng e ngại vì việc làm của mình không quá to tát. Sau khi được chúng tôi thuyết phục anh Hùng mới bày tỏ: “Thời gian qua, toàn dân cả nước cùng nhau chống dịch Covid-19, là một công dân của nước Việt Nam, tôi cũng muốn cống hiến một phần công sức cho chống dịch. Việc sản xuất que lấy dịch tỵ hầu và ống môi trường dù không phải là nhiệm vụ chuyên môn nhưng vợ tôi đã mang về nhà làm ngày, làm đêm, kể cả ngày nghỉ. Không làm gì to tát cho việc chống dịch thì tôi tham gia phụ giúp bằng việc cắt nguyên liệu phục vụ sản xuất vật tư y tế. Tôi hy vọng với sự nỗ lực của toàn xã hội, dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi”.

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 cần một số lượng lớn que lấy dịch tỵ hầu thủ công và ống môi trường bảo quản bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2, Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng đã tập trung nguồn nhân lực sản xuất vật tư đầy đủ cho việc lấy mẫu, góp phần quan trọng phòng, chống dịch Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Anh Thái, Trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), cho biết: “Ngoài phải hoàn thành các công việc chuyên môn, đặc biệt trong giai đoạn này phát sinh rất nhiều việc phòng chống dịch Covid-19 nhưng cán bộ y, bác sĩ của Khoa đã rất tích cực, trách nhiệm trong việc nghiên cứu, tổ chức sản xuất que lấy dịch tỵ hầu thủ công và ống môi trường bảo quản bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2. Mỗi y, bác sĩ đều cố gắng làm ngày, làm đêm để tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu. Việc sản xuất vật tư y tế không phải nhiệm vụ của Khoa và cũng không có thù lao hay kinh phí để chi trả cho mọi người, nhưng anh em đều nhiệt tình thực hiện phục vụ công tác chống dịch. Nhiều người còn mang về nhà làm như kỹ thuật viên Vũ Thị Thương. Mặc dù sức khỏe yếu nhưng chị Thương đã rất cố gắng để sản xuất số lượng lớn que lấy dịch tỵ hầu thủ công và ống môi trường bảo quản bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2 cung cấp cho các cơ sở y tế trong toàn tỉnh. Ngoài sự đóng góp, cống hiến của các y, bác sĩ, kỹ thuật viên trong Khoa còn có công sức của cả những người thân trong gia đình họ cùng tham gia hỗ trợ sản xuất vật tư. Đó là điều rất đáng trân trọng khi nhu cầu lấy mẫu xét nghiệm cần số lượng lớn vật tư này”.

Anh Nguyễn Thế Hùng (chồng chị Thương) thực hiện một số công đoạn bước đầu làm que lấy dịch tỵ hầu thủ công.

Đánh giá cao những đóng góp của cán bộ, y, bác sĩ trong việc tự sản xuất vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Việc tự sản xuất que lấy dịch tỵ hầu thủ công và ống môi trường bảo quản bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã đáp ứng tình trạng khẩn cấp và hoàn toàn chủ động trong việc lấy mẫu bệnh phẩm, phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh. Việc tự sản xuất các sản phẩm trên là tiền đề, cơ sở giúp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ động nguồn cung ứng, lấy mẫu xét nghiệm và kiểm soát các dịch bệnh khác qua đường hô hấp sau này; đồng thời tiết kiệm một phần không nhỏ ngân sách phòng chống dịch của tỉnh.

Thực tế thời gian qua, để phục vụ công tác thu thập mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2, 2 sản phẩm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tự sản xuất đã được sử dụng lấy mẫu phát hiện các chùm ca bệnh cúm A/H3 tại huyện Mường Ảng và TP. Điện Biên Phủ (năm 2020); lấy mẫu phát hiện 3 ca bệnh dương tính với vi rút SARS-CoV-2 trong cộng đồng thời điểm tháng 2/2021; lấy mẫu phát hiện chùm ca bệnh Covid-19 tại TP. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên, Nậm Pồ vào tháng 5/2021; lấy mẫu cho bệnh nhân điều trị Covid-19 tại bệnh viện dã chiến (trung bình 1 người từ 12 đến 15 lần lấy mẫu xét nghiệm)…

Để sản xuất được lượng lớn que lấy dịch tỵ hầu thủ công và ống môi trường bảo quản bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2 có sự cố gắng, công sức rất lớn của các y, bác sĩ. Với tinh thần tự nguyện, làm không có thù lao và sẵn sàng làm thêm ngoài giờ hay ngày nghỉ, họ đã góp công sức, tâm huyết sản xuất vật tư y tế, giải quyết khó khăn về nguồn cung phục vụ chống dịch Covid-19 của tỉnh. Đó là sự cống hiến, đóng góp rất ý nghĩa để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Phạm Quang

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/y-te/187813/loi-ich-kep-tu-tu-san-xuat-vat-tu-phong-dich-covid-19-bai-2