Lợi ích khi giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài

Mặc dù Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực từ ngày 1-1-2011, nhưng đến nay vẫn còn khá mới mẻ với nhiều tổ chức, cá nhân. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về các lợi ích khi giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài, luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, Giám đốc Chi nhánh Đông Nam bộ thuộc Trung tâm trọng tài thương mại TP.Hồ Chí Minh (gọi tắt là TRACENT) cho biết:

Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh triển khai Luật Trọng tài thương mại cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnhẢnh: Đ.PHÚ.

Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh triển khai Luật Trọng tài thương mại cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnhẢnh: Đ.PHÚ.

- Hiện nay, khi xảy ra tranh chấp trong kinh doanh, thương mại, người dân, doanh nghiệp chủ yếu chọn giải quyết bằng việc khởi kiện ra tòa, rất ít người giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài. Trong khi việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thể hiện nhiều ưu điểm, mang lại nhiều lợi ích cho các bên khi có tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, thương mại

* Ông có thể nói rõ hơn ưu điểm của thủ tục tố tụng trọng tài khi giải quyết các vụ tranh chấp trong hoạt động kinh doanh thương mại?

- Thủ tục tố tụng trọng tài đơn giản, thời gian giải quyết nhanh, các bên được lựa chọn trọng tài viên, địa điểm, thời gian thích hợp, được lựa chọn ngôn ngữ (nếu có yếu tố nước ngoài). Quá trình tố tụng trọng tài diễn ra không công khai (kín), giữ được uy tín và bí mật kinh doanh cho các bên.

Mặt khác, phán quyết của trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực thi hành tại trên 150 quốc gia tham gia Công ước New York năm 1958. Phán quyết của TRACENT sau khi ban hành, nếu không được tự nguyện thi hành, các bên có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án, ra quyết định cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự.

Trọng tài viên của TRACENT luôn đề cao đạo đức nghề nghiệp, tôn trọng thỏa thuận hòa giải của các bên, đảm bảo tính độc lập, khách quan, vô tư, tuân theo quy định của pháp luật, phong cách làm việc chuyên nghiệp, thân thiện, hiệu quả.

Hiện Trung tâm trọng tài thương mại TP.Hồ Chí Minh đã thành lập Chi nhánh Đông Nam bộ có trụ sở tại số 306, đường 30-4, phường Thanh Bình (TP.Biên Hòa) do luật sư, trọng tài viên Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh làm Giám đốc chi nhánh.

* Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định những nội dung quan trọng nào, thưa ông?

- Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định về thẩm quyền của trọng tài thương mại, các hình thức trọng tài, tổ chức trọng tài, trọng tài viên; trình tự thủ tục trọng tài; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong tố tụng trọng tài; thẩm quyền của tòa án đối với hoạt động trọng tài; tổ chức và hoạt động của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, thi hành phán quyết trọng tài.

* Xin ông cho biết, theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010, những hành vi nào của hoạt động thương mại được giải quyết bằng trọng tài khi phát sinh tranh chấp?

- Đó là các hoạt động mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, phân phối, đại diện, đại lý thương mại, ký gửi, thuê, cho thuê, thuê mua, xây dựng, tư vấn, kỹ thuật; đầu tư tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; thăm dò, khai thác, vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường hàng không, đường biển, đường sắt, đường bộ và các hành vi thương mại khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, TRACENT có thẩm quyền xem xét giải quyết yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của hội đồng thành viên hoặc của đại hội cổ đông.

* Hiện nay khi có tranh chấp kinh doanh, thương mại xảy ra, trong trường hợp muốn trọng tài thương mại thụ lý giải quyết thì các doanh nghiệp phải làm gì, thưa ông?

- Các doanh nghiệp nếu chọn trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp thì cần ghi rõ trong hợp đồng như sau: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng này sẽ được giải quyết tại TRACENT theo quy tắc của TRACENT”. Hoặc đôi bên có văn bản thỏa thuận riêng, trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

* Ông nói rõ về quy trình tố tụng của TRACENT?

- Quy trình tố tụng của TRACENT có các bước như sau: Bước 1: nguyên đơn nộp đơn khởi kiện (kèm theo hồ sơ chứng cứ và chọn trọng tài viên). Bước 2: TRACENT tiếp nhận hồ sơ. Bước 3: bị đơn nộp bản tự bảo vệ. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được tài liệu của nguyên đơn do TRACENT gửi, bị đơn phải nộp bản tự bảo vệ, chọn trọng tài viên và đơn kiện lại (nếu có) kèm tài liệu, chứng cứ liên quan. Nếu bị đơn không hồi đáp, trong vòng 7 ngày làm việc tiếp theo, Chủ tịch TRACENT quyết định chỉ định trọng tài viên cho bị đơn. Bước 4: thành lập hội đồng trọng tài. Bước 5: TRACENT chuyển toàn bộ hồ sơ vụ kiện cho hội đồng trọng tài. Bước 6: chuẩn bị phiên họp giải quyết tranh chấp. Bước 7: phiên họp giải quyết tranh chấp. Bước 8: ban hành phán quyết trọng tài (phán quyết của trọng tài có thể ban hành ngay tại phiên họp giải quyết tranh chấp hoặc chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp giải quyết vụ tranh chấp)

Xin cảm ơn ông.

Đoàn Phú (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201908/loi-ich-khi-giai-quyet-tranh-chap-thuong-mai-bang-trong-tai-2959433/